Cần có sự định hướng văn hóa đọc cho học sinh
Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam (21/4), các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh tổ chức nhiều hoạt động như: giới thiệu sách, kể chuyện theo sách, quyên góp và tặng sách. Và học sinh gần như là độc giả được hưởng lợi nhiều nhất. Thế nhưng, cách các em tiếp cận, đọc sách như thế nào, nội dung có phù hợp với lứa tuổi hay chưa… vẫn còn thiếu sự quan tâm của người lớn.
Trong lúc chờ đón con, chị H - một phụ huynh có con trai học lớp 5 phàn nàn: Sao tụi nhỏ bây giờ, viết tập làm văn dở quá, câu chữ thì cụt ngủn. Toàn bài văn chưa đến 10 dòng, đã thấy cô giáo sửa lỗi chính tả bằng bút đỏ hơn 15 chỗ sai.
Chưa hết, phụ huynh này còn kể, hôm trước, cu cậu nhà tớ không biết đọc truyện tranh gì mà có cảnh bố đi ăn nhà hàng với cô tình nhân mới quen. Cảnh này bị chính bạn nhỏ và người mẹ trong câu chuyện bắt gặp được, đánh ghen tại đấy. Trong đó còn có những lời thoại thô lỗ qua lại của người lớn, xen lẫn hành động đánh nhau bát nháo nơi công cộng y như ngoài đời thật...
Phụ huynh này kể rằng, cuốn sách được con trai chị tự chọn, mua ở 1 nhà sách gần 1 tháng trước. Sau chuyện kể của con, chị đã kiểm tra bìa sách mới phát hiện phần ghi chú, sách có xuất xứ nước ngoài và dành cho lứa tuổi 12+. Điều đáng nói, khi con trai của chị ở tuổi lên 10 chọn mua cuốn truyện tranh trên, vẫn không thấy nhân viên nhà sách hướng dẫn, hay nhắc nhở người lớn đi cùng chọn sách cho các em đúng lứa tuổi.
Còn chị M thì kể, bé lớp 5 nhà mình không bao giờ đọc sách kiểu truyền thống từ trang số 1 đến hết, mà chỉ toàn lật từng trang xem ảnh, nếu chỗ nào có tranh hí họa vui vui, thì dừng lại đọc. Phần lớn, em chỉ đọc trang cuối cái kết của câu chuyện và vài trang đầu giới thiệu nhân vật.
Qua câu chuyện trên và tìm hiểu xung quanh, việc đọc sách ở lứa tuổi thanh thiếu nhi rất ít được người lớn quan tâm. Phần lớn, trẻ tự tìm đến sách do bạn bè “mách nước” để mua đọc, hoặc trao đổi sách cho nhau. Trong khi, phụ huynh đưa ra nhiều lý do bận làm kinh tế, bận việc gia đình, bận ngoại giao… nên cho các con tiền tự mua sách đọc. Nhưng với lứa tuổi của các em, chưa có định hướng, chưa biết thế nào là lựa chọn những thể loại sách hay, sách mang tính giáo dục, nuôi dưỡng nguồn cảm xúc trong sáng, tình cảm tích cực đúng lứa tuổi trẻ thơ.
Ở nhà là thế, ở trường học, phần lớn thời gian học sinh tập trung học văn hóa. Giờ ra chơi khoảng 5-10 phút, các em chủ yếu nô đùa. Trường hợp trẻ say mê đọc sách rất hiếm thấy. Cô Diễm - giáo viên ở huyện Đăk Hà cho rằng, các phong trào khuyến khích, cổ vũ học sinh đọc sách ở nhà, ở lớp rất ít. Do thời gian ở trường mỗi ngày, các em học kiến thức quá nhiều, chưa nói đến việc học thêm, học bồi dưỡng chuyên khác. Có chăng, các giờ tiếng Việt, Văn học chính khóa và chương trình ngoại khóa về “Ngày hội đọc sách” hàng năm, các em mới tiếp cận, được giới thiệu các tác phẩm văn học.
|
Ngay như tại “Ngày hội đọc sách” do Trường TH Lê Văn Tám (thành phố Kon Tum) phối hợp với Thư viện tổng hợp tỉnh (Sở VHTT&DL) tổ chức giới thiệu cho các em học sinh khoảng 800 cuốn sách tiêu biểu của các tác giả nổi tiếng ở Việt Nam và nước ngoài. Chương trình này đã thu hút đông đảo phụ huynh, học sinh tham gia ủng hộ gần 600 cuốn sách cho nhà trường.
Tuy nhiên, qua quan sát của chúng tôi, sau phần hoạt động ngoại khóa trên, các bạn nhỏ tập trung đến các quầy sách, giá sách (do các thầy cô xếp sẵn phục vụ trong ngày hội đọc sách) và tìm đọc chủ yếu là truyện tranh có nguồn gốc nước ngoài, với hình thức sách trình bày nhiều hình ảnh, màu sắc rực rỡ.
Học sinh khối lớp 3 trở lên đều lựa chọn tập truyện tranh Shin - cậu bé bút chì, hay thám tử lừng danh Conan, Đôrêmon. Em Nguyễn Văn Tú –học sinh lớp 5 nói: Cháu và nhiều bạn nam khác ở lớp thích chọn các loại này, bởi vì nó (chỉ cuốn sách - PV) có ít chữ, trong khi nhiều hình vẽ có hành động, lời thoại và lối suy nghĩ, tưởng tượng… gần tương đương lứa tuổi chúng cháu.
Trong khi đó, các bạn nhỏ tuổi hơn (lớp 1, 2) lại thích chọn từng cuốn truyện tranh có nội dung kể về từng nhân vật cổ tích, từng câu chuyện kể ngàn lẻ một đêm của các tác giả nước ngoài.
Riêng đầu sách có nguồn gốc thể loại truyện dân gian, nhân vật lịch sử Việt Nam, do tác giả trong nước biên soạn, sáng tác tranh ảnh thể hiện rất ít thu hút các em tìm đọc.
Nhìn nhận cách thức chọn và đọc sách của các bạn nhỏ, một cô giáo ở Trường TH Lê Văn Tám cho rằng, ngày thường ở lớp, hoặc giờ ra chơi, các em thường truyền tay nhau các thể loại truyện tranh trên.
Nói về sách truyện nguồn gốc của Việt Nam, cô giáo này cho rằng, thông thường 1 cuốn sách của Việt Nam có độ dày 50 – 100 trang, thậm chí đến vài trăm trang, hình ảnh minh họa sự kiện, nhân vật trong câu chuyện ít sống động, ít màu sắc đẹp nên thiếu sức hấp dẫn từ các em.
Do đó, cô giáo đề xuất, các tác giả, nhà biên soạn sách Việt Nam cần nghiên cứu, xuất bản các loại sách truyện cổ tích dân gian, hay văn học trong nước cần khắc phục hạn chế trên.
|
Cô Nguyễn Thị Mỹ Huế - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám (thành phố Kon Tum) cũng nhận xét, hiện nay, học sinh ở vùng thuận lợi ít ham mê đọc sách, có lẽ các em bị chi phối nhiều từ các trò giải trí khác… Do đó, những bài tập làm văn của các cháu thiếu ngôn từ miêu tả, thiếu cảm xúc chân thật của cuộc sống.
Theo cô Huế, để giúp học sinh ở trường cải thiện mặt hạn chế trên, đơn vị đã và đang xây dựng thói quen đọc sách cho các em bằng cách tổ chức giới thiệu các tác phẩm văn học Việt Nam tiêu biểu dành cho lứa tuổi thanh thiếu nhi, vào các buổi sáng thứ 2 chào cờ đầu tuần, hoặc trong giờ học môn tiếng Việt, tiết kể chuyện theo sách giáo khoa… Công tác này giúp cho nhà trường dần khuyến khích, định hướng cho các cháu biết cách lựa chọn sách có nội dung lành mạnh, nuôi dưỡng cảm xúc yêu thương thiên nhiên, con người, quê hương đất nước, biết chia sẻ khó khăn với người khác…
Từ những thực tế trên cho thấy, việc trẻ ham mê đọc sách và tìm đến các nguồn sách quí, mang giá trị giáo dục nhân văn cho học sinh vẫn rất cần phụ huynh quan tâm, phối hợp nhà trường động viên, định hướng giáo dục và khơi gợi cho học sinh yêu thích, ham mê chọn đọc sách phù hợp.
Bài, ảnh: Mai Trâm