Bình đẳng giới không phải là “chia đều việc”
Trong cuộc sống hiện đại, bình đẳng giới cần được nhìn nhận và đánh giá ở góc độ đa chiều. Bình đẳng giới đa chiều được thể hiện trong cuộc sống và sức khỏe; giáo dục và học tập; sự tham gia, sự ảnh hưởng, chứ không phải là “chia đều việc”.
Tiếng vợ chồng cậu con trai út cự nự nhau sau bữa ăn khiến ông Chiến phải bỏ tờ báo xuống, quay sang nói với bà: Bà sang xem chúng nó làm gì mà ầm ĩ cả lên như thế, hàng xóm người ta cười cho.
Bà Chiến thở dài: Ông còn lạ gì nữa. Chắc lại chuyện phân công việc nhà cho “bình đẳng” đấy mà. Rõ khổ!
Thì ra chuyện là thế này. Cả hai vợ chồng cậu con trai út của ông Chiến đều làm nhà nước, công việc cũng khá bận rộn. Cưới xong được ông bà cắt đất làm nhà, cho “ra riêng”.
Nhưng được một thời gian, ông Chiến thấy vợ chồng con trai hay lục đục, đùn đẩy nhau chuyện nhà cửa. Dò hỏi mãi mới biết nguyên nhân- khiến ông vừa bực mình vừa buồn cười.
|
Do rất hiểu và rất ủng hộ thực thi bình đẳng giới trong công việc xã hội lẫn việc nhà, nên trước ngày cưới, cô vợ ra điều kiện: Là vợ chồng phải bình đẳng, không có chuyện đi làm về là chồng đọc báo, xem ti vi; vợ hì hụi nấu nướng, dọn dẹp. Tất nhiên anh chồng gật đầu ngay.
Nhưng ai ngờ, bình đẳng, theo suy nghĩ của cô vợ là việc gì cũng “cưa đôi”, là “khoán” một cách rõ ràng: Nếu vợ đi chợ, thì chồng nấu ăn; vợ rửa chén, lau nhà thì chồng giặt đồ, dọn vườn. Cứ thế mà làm, không bàn cãi. Nếu bận không làm được thì ngày sau... làm bù.
Được ít ngày, anh chồng chịu không thấu, lên tiếng “đấu tranh”, thế là giận nhau. Bà Chiến đã phải “dàn hòa” mấy lần.
Kể cho tôi nghe xong chuyện nhà, ông Chiến thở dài nói rằng, là đảng viên, cựu chiến binh, bản thân ông cũng không lạc hậu đến mức không biết và không ủng hộ thực hiện bình đẳng giới.
Nhưng tôi nghĩ, bình đẳng giới là phụ nữ không còn bị xem thường như trong xã hội cũ, mà được hưởng những quyền lợi ngang bằng với nam giới về các vấn đề như học hành, việc làm, chăm sóc sức khỏe, hưởng thụ cuộc sống, chứ không thể áp dụng một cách máy móc được. Nhất là trong việc giữ gìn hạnh phúc gia đình thì vấn đề không phải là ai làm nhiều, ai làm ít, mà là ở việc cùng nhau đóng góp “xây nhà, giữ bếp”- ông Chiến chia sẻ.
Trước khi ra về, ông Chiến còn quay sang tôi nói nhỏ: Mà này, trong xóm mình cũng khối chuyện bi hài về bình đẳng giới đấy. Hôm nào có thời gian, anh nên “khảo sát” một chuyến xem có viết được gì không.
Tôi không dám làm cái việc “khảo sát để xem viết được gì không” nhưng nghe ông Chiến nói mà tôi thấy chí lý quá.
|
Trên thực tế, phụ nữ ngày nay không còn chấp nhận quanh quẩn với bếp núc, nhà cửa, chăm sóc con cái, giặt giũ quần áo nữa mà đã rất năng động, tích cực tham gia trên nhiều lĩnh vực trong xã hội. Đồng thời biết đòi hỏi được tạo điều kiện bằng cách chia sẻ việc nhà, tạo điều kiện để họ có thể tham gia được các công tác xã hội.
Tuy nhiên, không ít người đã hiểu một cách máy móc về khái niệm Bình đẳng giới theo nghĩa “cào bằng” hay “chia việc làm hai”. Bình đẳng giới là chồng chia đôi việc nhà với vợ; hay vợ phải mạnh mẽ, chia đôi vai trò trụ cột với chồng.
Vô hình chung quên đi rằng trong gia đình, đàn ông và phụ nữ có những vai trò không hoàn toàn giống nhau. Phụ nữ phù hợp với những việc cần sự tỉ mỉ, khéo léo, còn đàn ông thường chủ động đón nhận những việc đòi hỏi sức mạnh, sự xốc vác, xông xáo.
Vì thế bình đẳng không phải là phân chia công việc theo kiểu “chia đều”, mà phải là sự phân công lao động hợp lý theo khả năng, sức khỏe và thời gian mỗi người; không phân biệt làm nhiều hơn hay ít hơn, mà là cả hai sẵn sàng và tự giác làm việc và hỗ trợ người khác khi bận rộn hay mệt mỏi mà không nề hà gì cả.
Điều quan trọng là luôn nhận ra giá trị của nhau để mỗi người đóng góp cho tổ ấm phần việc phù hợp với mình. Nếu phân chia rành mạch, rõ ràng như cô con dâu của ông Chiến thì chỉ là bình đẳng giả hiệu mà thôi.
Nói rộng hơn, trong cuộc sống hiện đại, bình đẳng giới cần được nhìn nhận và đánh giá ở góc độ đa chiều. Bình đẳng giới đa chiều nên được thể hiện trong cuộc sống và sức khỏe; giáo dục và học tập; sự tham gia, sự ảnh hưởng của cả hai phái nam và nữ, thay vì chỉ đề cập dưới góc độ là khát vọng của phụ nữ Việt như hiện nay.
Tất nhiên là, vì phụ nữ là phái yếu, là nạn nhân của bất bình đẳng nên mới phải đấu tranh để “đòi” quyền bình đẳng cho họ. Ở một góc độ nào đó, truyền thông vẫn còn mang nặng thông điệp “chỉ có phụ nữ mới cần bình đẳng giới” nên mọi chương trình, hành động đều hướng đến đối tượng phụ nữ làm trung tâm.
Thế nhưng, rõ ràng là cần xem xét bình đẳng giới từ quan điểm cả hai giới chứ không phải chỉ cho phụ nữ. Thực tế cho thấy, nỗ lực bình đẳng giới sẽ khập khiễng nếu chỉ quan tâm đến phụ nữ mà bỏ qua đàn ông.
Bình đẳng giới phải được thực hiện trong mọi khía cạnh của cuộc sống, hiện diện trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Chúng ta đều biết phụ nữ và nam giới đều có năng lực khác nhau. Việc tạo điều kiện để phụ nữ và nam giới cùng thể hiện năng lực của mình ở trong mọi lĩnh vực của cuộc sống mới là bình đẳng giới thực chất.
Hồng Lam