Bệnh viện Đa khoa tỉnh: Quá tải vì sốt xuất huyết gia tăng
Thời điểm này, dịch bệnh sốt xuất huyết vẫn đang diễn biến phức tạp, số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng. Trước tình trạng đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tăng cường giường bệnh, nỗ lực điều trị, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong.
Tăng gấp 3 số gường bệnh
Đến Khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chúng tôi nhận thấy, tất cả các phòng đều kín bệnh nhân bị sốt xuất huyết. Với số lượng tăng từ 5-10 ca mỗi ngày nên Bệnh viện phải kê thêm các giường bệnh ra hai bên hành lang để đảm bảo việc điều trị.
“Bệnh viện đã tăng từ 25 giường bệnh lên 60-80 giường bệnh nhưng lúc cao điểm lên đến 90 bệnh nhân. Số lượng bệnh nhân tăng vọt nên ngoài Khoa Y học nhiệt đới, Ban giám đốc Bệnh viện chỉ đạo, nếu bệnh nặng cần hồi sức thì sẽ chuyển vào Khoa Hồi sức tích cực và chống độc; trẻ em bị sốt xuất huyết dưới 2 tuổi sẽ được chuyển vào Khoa Nhi. Khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu cũng sẵn sàng để đảm bảo quá trình điều trị” - bác sĩ chuyên khoa 2 truyền nhiễm Phạm Bá Đà cho biết.
|
Theo bác sĩ Đà, một trong những nguyên nhân gây bùng phát dịch sốt xuất huyết đó là dịch này có tính chu kỳ, thường 3-4 năm sẽ có một lần bùng phát mạnh, và năm nay đến chu kỳ bùng phát trở lại của bệnh. Cùng với đó, thời tiết năm nay diễn biến thất thường, hiện tượng El Nino làm tăng nhiệt độ của môi trường, tạo điều kiện cho các loại muỗi phát triển. Cũng vì đợt hạn hán, nhiều người dân trữ nước nhưng không biết cách xử lý, tạo điều kiện cho lăng quăng/bọ gậy phát triển. Cùng với đó, Kon Tum nay đang vào mùa mưa và đây thời điểm thích hợp để lăng quăng/bọ gậy sinh sôi, nảy nở. Hơn thế, người dân còn chủ quan với bệnh sốt xuất huyết, chưa chủ động, thậm chí còn ỷ lại trong việc dọn vệ sinh xung quanh nhà, để lăng quăng/bọ gậy sinh sôi nhanh, phát triển thành muỗi vằn, lây lan bệnh sốt xuất huyết.
Với những nguyên nhân trên, dịch sốt xuất huyết đã bùng phát mạnh trên hầu hết các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tháng 6 bệnh viện tiếp nhận điều trị 115 ca và tháng 7 tiếp nhận đến 269 ca; và tính từ ngày 1-9/8 đã có 54 ca, gấp gần 8 lần so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái.
Nếu như tháng 5, tháng 6, Đăk Tô, Đăk Hà là địa bàn có tỉ lệ sốt xuất huyết tăng cao thì từ giữa tháng 7 đến nay, tỉ lệ mắc sốt xuất huyết lại tăng mạnh ở thành phố Kon Tum. Và theo ghi nhận, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 3 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.
Với diễn biến bệnh phức tạp, ngoài việc tăng cường thêm giường bệnh, Ban giám đốc Bệnh viện còn họp bàn, tăng cường thêm nhân lực để đảm bảo tốt nhất việc điều trị. “Nếu như trước đây chỉ trực đơn thì nay tăng cường trực ca hai điều dưỡng. Và việc túc trực được thực hiện nghiêm ngặt, nhất là đối với những bệnh nhân nặng, các bác sĩ phải thường xuyên thăm khám 15 - 30 phút/lần” – bác sĩ Phạm Bá Đà cho biết.
Cùng với đó, Bệnh viện cũng tổ chức tập huấn lại các phác đồ điều trị, nhất là đối với các bệnh nhân nặng. Ngay từ đầu tháng 7, Bệnh viện cũng phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tổ chức tuyên truyền, phun thuốc tại các khoa, phòng để hạn chế tình trạng lây lan.
Khó khăn trong điều trị
Chị Nguyễn Thị Xuân ở tổ 4, phường Duy Tân (thành phố Kon Tum) chia sẻ, chồng và con của chị bị sốt xuất huyết, vừa mới từ bệnh viện trở về thì bây giờ chị lại phải đi chăm em và cháu tiếp tục bị sốt.
Chị Xuân cho biết, với con và chồng chị, thoạt đầu còn chủ quan nên khi bị sốt cao mới đưa vào viện. Còn em chị, sau khi sốt ngày đầu tiên, đến ngày thứ 2, gia đình đã đưa đi khám. Nhưng phải đến ngày thứ 3, khi thấy sức khỏe em yếu đi, không ổn, gia đình mới đưa vào bệnh viện.
Bác sĩ Phạm Bá Đà cho biết: Tâm lý người dân còn chủ quan đối với bệnh sốt xuất huyết. Khi có biểu hiện sốt, người dân thường tự mua thuốc uống, điều trị tại nhà. Đến khi bệnh nặng, người bệnh mới tìm đến bệnh viện để thăm khám. Bởi vậy, đa số các bệnh nhân nhập viện đều có diễn biến bệnh nặng.
“Đối với bệnh nhân sốt nhẹ, khi đến bệnh viện kịp thời, việc điều trị bệnh sẽ dễ dàng và mau khỏi hơn. Còn điều trị, chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết nặng, khi có biểu hiện sốc, chảy máu nặng, nhất là các bệnh nhân bị suy đa tạng rất khó khăn và dễ dẫn đến tử vong” – bác sĩ Đà cho hay.
Ngoài nguyên nhân từ sự chủ quan từ người dân thì một trong những khó khăn lớn nhất của bệnh viện hiện nay chính là không có máy lọc tiểu cầu. Khi bị sốt xuất huyết, nhiều bệnh nhân giảm tiểu cầu tới mức nghiêm trọng. Dù Bệnh viện đã phối hợp, có nguồn máu từ “Ngân hàng máu di động” của Tỉnh đoàn hay chủ động vận động các đoàn viên thanh niên của Bệnh viện cũng như Đoàn Thanh niên Trường Trung học Y tế hiến máu trong các trường hợp khẩn cấp nhưng nhiều trường hợp vẫn thiếu tiểu cầu.
“Vì bệnh nhân sốt xuất huyết cần tiểu cầu tươi nên khi thiếu, Ban giám đốc đã chỉ đạo Khoa Huyết học bằng các phương pháp thủ công để tách tiểu cầu. Mà làm thủ công thì rất lâu, hiệu quả lại không cao. Nếu có máy lọc tiểu cầu, việc tách lọc tiểu cầu sẽ được thực hiện nhanh chóng, dễ dàng hơn, đem lại hiệu quả trong điều trị” – bác sĩ Đà cho hay.
Nói về biện pháp phòng tránh, bác sĩ Đà khuyến cáo, người dân hãy chủ động diệt lăng quăng/bọ gậy để phòng bệnh. Nếu bị bệnh, hãy đến ngay các trạm Y tế, trung tâm Y tế hoặc bệnh viện để được điều trị kịp thời, tránh nguy hiểm đến tính mạng.
H.T