Bệnh tim mạch và cách phòng tránh
Hiện nay, bệnh tim mạch là vấn đề sức khoẻ được mọi người đặc biệt quan tâm, bởi tỷ lệ tàn phế và tử vong do bệnh tim mạch gây ra luôn đứng hàng đầu trong các loại bệnh nguy hiểm. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, hàng năm, các bệnh lý tim mạch đã cướp đi mạng sống khoảng 17,5 triệu người trên thế giới. Bên cạnh đó, gánh nặng bệnh lý tim mạch đang ngày càng gia tăng, để lại những hậu quả nặng nề cho mỗi cá nhân, gia đình và xã hội. Dự đoán vào năm 2017, nước ta sẽ có trên 20% dân số, tức cứ 5 người thì có 1 người mắc bệnh tim mạch.
Điều đáng lưu ý là căn bệnh tim mạch đang ngày càng trẻ hóa, trong đó rất nhiều người dưới 30 tuổi mắc những căn bệnh suy tim, nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp… Tăng huyết áp và các bệnh lý tim mạch được xem là kẻ giết người thầm lặng gây ra các gánh nặng về kinh tế, bệnh tật và tử vong. Tuy nhiên, 90% bệnh lý tim mạch có thể dự phòng được nếu chúng ta hiểu biết và tôn trọng những quy tắc trong cuộc sống để ngăn ngừa các nguy cơ này.
Có nhiều yếu tố trong cuộc sống được chứng minh làm tăng khả năng xuất hiện và tiến triển bệnh lý tim mạch. Cụ thể như hút thuốc, bởi vì hút thuốc lá hoặc hút thuốc lào đều là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý động mạch vành, tăng huyết áp, bệnh động mạch ngoại biên… Lười hoạt động thể lực làm tăng khả năng xuất hiện bệnh tăng huyết áp, bệnh động mạch vành… Thừa cân là yếu tố nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh động mạch vành, vì vậy, chúng ta cần duy trì cân năng ở mức hợp lý. Căng thẳng trong cuộc sống, căng thẳng tâm lý đều được chứng minh làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch. Tăng cholesterol máu làm thúc đẩy quá trình xơ vữa động mạch, nó là yếu tố làm tăng khả năng mắc bệnh tăng huyết áp, bệnh lý động mạch cảnh, động mạch chủ, động mạch vành, động mạch chi dưới. Tăng huyết áp là kẻ giết người thầm lặng, nó là yếu tố nguy cơ làm xuất hiện và tiến triển bệnh lý động mạch vành, bệnh động mạch chủ, bệnh động mạch ngoại biên…, vì vậy, chúng ta cần điều trị tăng huyết áp theo phác đồ của bác sỹ tim mạch để làm giảm nguy cơ tiến triển bệnh lý tim mạch. Đái tháo đường là yếu tố nguy cơ rất mạnh mắc các bệnh lý tim mạch như bệnh lý động mạch vành, bệnh động mạch cảnh, bệnh động mạch chủ và bệnh động mạch ngoại biên… Yếu tố gia đình về một số bệnh lý tim mạch như: tăng huyết áp, bệnh lý cơ tim giãn, bệnh cơ tim phì đại, hội chứng Brugada có tính chất gia đình. Nam giới trên 55 tuổi hoặc nữ giới trên 65 tuổi có nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp, trong đó chủ yếu ở giới tính nam.
Để dự phòng tốt bệnh tim mạch, chúng ta cần phải điều chỉnh, kiểm soát và ngăn ngừa tác hại của bệnh lý tim mạch như: nhồi máu cơ tim, đột quỵ và các biến chứng khác của xơ vữa động mạch. Điều khuyên đầu tiên của thầy thuốc là khuyến cáo mọi người thường xuyên khám sức khỏe định kỳ. Bởi chỉ có thầy thuốc mới đo huyết áp, gửi máu đi làm xét nghiệm về cholesterol, triglycerid, đường trong máu, đồng thời khai thác tiền sử và tiến hành quá trình thăm khám. Thầy thuốc có thể ghi điện tâm đồ hoặc tiến hành một xét nghiệm chuyên biệt nào đó để xác định xem quả tim chúng ta có bị phì đại hay bất thường không. Bằng việc kết hợp những thông tin thu được về các yếu tố nguy cơ, thầy thuốc sẽ giúp chúng ta xác định được tổng nguy cơ về bệnh tim mạch.
Theo khuyến cáo của Hội Tim mạch Việt Nam, để bảo vệ trái tim cho bản thân, gia đình bạn và cộng đồng, chúng ta phải thực hiện chế độ ăn uống hợp lý, khẩu phần ăn có nhiều rau xanh, trái cây. Hạn chế ăn các chất béo bão hòa. Không nên ăn mặn. Tại nơi công sở cũng cần tránh ăn uống quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn hay các loại thức ăn nhanh. Tập thể dục thường xuyên, mỗi ngày tập từ 30 phút - 60 phút sẽ giúp cho phòng chống các bệnh lý tim mạch và sức lao động sẽ được cải thiện hơn. Không hút thuốc lá, thuốc lào, vì hút các loại thuốc này là nguyên nhân trực tiếp gây nhồi máu cơ tim, đột quỵ và nhiều bệnh lý tim mạch khác. Duy trì cân nặng hợp lý, cần giảm cân (nếu thừa cân) để làm giảm huyết áp, giảm các biến cố do bệnh lý tim mạch gây ra. Nên khám sức khỏe định kỳ để biết được số huyết áp động mạch, hàm lượng Cholesterol, hàm lượng đường trong máu, chỉ số vòng eo/vòng mông, chỉ số khối cơ thể. Nếu biết mình có nhiều yếu tố nguy cơ thì chúng ta càng cần phải có kế hoạch thực hiện lối sống lành mạnh một cách tích cực hơn để cải thiện sức khỏe của bản thân.
HỒNG NHUNG (tổng hợp)