Báo chí đa phương tiện, hướng tới tòa soạn hội tụ
Dự thảo Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2025 của Bộ Thông tin và Truyền thông xác định mục tiêu đến năm 2025, 2030, 2050, tập trung xây dựng cơ quan báo chí chủ lực địa phương, hoạt động theo mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện, xây dựng báo chí đa nền tảng, lấy độc giả, khán, thính giả làm trung tâm, ứng dụng công nghệ số để cung cấp thông tin nhanh chóng, chính xác, kịp thời và giá trị đến công chúng mọi lúc, mọi nơi, góp phần định hướng dư luận, củng cố sự đồng thuận và niềm tin xã hội.
Báo chí đa phương tiện, hướng tới tòa soạn hội tụ
Báo chí đa phương tiện đã phát triển khắp nơi trên thế giới. Ở Việt Nam, gần như các cơ quan báo chí đều phát triển theo hướng báo chí đa phương tiện. Một cơ quan báo chí có báo in, phiên bản báo điện tử hoặc một đài phát thanh, truyền hình có phiên bản điện tử, một số đài có thêm báo in. Tất cả các đơn vị này đều upload tin, bài trên trang thông tin điện tử tổng hợp hoặc báo điện tử. Nhiều cơ quan báo chí đã hình thành đầy đủ các loại hình báo chí (báo in, phát thanh, truyền hình và báo điện tử). Trong một tác phẩm báo chí, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên… sử dụng cả chữ viết, video, âm thanh và được chuyển tải trên mạng internet. Một tác phẩm báo chí dài hàng ngàn chữ được thiết kế, trình bày đặc sắc, hấp dẫn, công phu, được tích hợp cùng một lúc cả về hình ảnh, âm thanh, video, đồ họa…
Xu hướng phát triển và thích ứng của báo chí trong kỷ nguyên số là tất yếu, là yêu cầu bắt buộc đối với mỗi cơ quan báo chí nếu cơ quan báo chí muốn tồn tại và phát triển. Tương thích với báo chí đa phương tiện, các cơ quan báo chí phải chuyển từ tòa soạn truyền thống sang tòa soạn hội tụ. Tất nhiên việc xây dựng tòa soạn hội tụ phải bảo đảm yếu tố nguồn lực con người, điều kiện kinh tế, đầu tư các trang thiết bị, phương tiện đáp ứng yêu cầu trong kỷ nguyên số.
Tòa soạn hội tụ có khả năng giải quyết mọi vấn đề đến nội dung, thể loại, các loại hình báo chí. Yêu cầu bắt buộc xây dựng tòa soạn hội tụ phải sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức, bộ máy sản xuất nội dung theo một gói tin tức thống nhất khi đăng, phát trên các loại hình báo chí, tăng tốc độ sản xuất nội dung các chương trình, tránh sự trùng lắp về việc phân công các nhóm phóng viên, biên tập viên tổ chức thực hiện các chủ đề, chủ điểm theo yêu cầu của tòa soạn, giảm bớt chi phí, nguồn lực trong quá trình sản xuất. Trong đó, cơ quan báo chí phải đánh giá mức độ thể hiện, thời gian đăng tải cho phù hợp với mức độ thông tin và từng loại hình báo chí, luôn luôn kéo khán, thính giả, độc giả xem thông tin từ loại hình này sang các loại hình khác nhau.
Mặt khác, việc xây dựng tòa soạn hội tụ chú ý đến việc giải quyết mối tương tác giữa khán, thính giả, độc giả với cơ quan báo chí, tăng cường mối quan hệ, tương tác giữa cơ quan báo chí với công chúng - đối tượng các cơ quan báo chí đặc biệt quan tâm, cần hướng đến. Xây dựng mô hình tòa soạn hội tụ trong kỷ nguyên số sẽ sản xuất nội dung và phân phối nội dung trên nền tảng số. Công chúng được cung cấp thông tin báo chí theo nhu cầu, sở thích và mối quan tâm của từng cá nhân… trên các nền tảng mới như internet, đa màn hình, mạng xã hội…
KRT từng bước thích ứng để phát triển
|
Hiện nay, báo chí Việt Nam nói chung, phát thanh, truyền hình nói riêng ngày càng có vai trò quan trọng trong việc thể hiện chức năng thông tin, phản ánh và định hướng dư luận xã hội. Sự phát triển của báo chí trong xu thế hội tụ đòi hỏi mỗi cơ quan báo chí phải tự đổi mới, tạo bản sắc riêng, thích ứng với nhu cầu nội dung thông tin của khán thính giả, độc giả. Cùng với sự phát triển của khoa học, công nghệ, lĩnh vực báo chí phát triển mạnh mẽ cả về hình thức, nội dung, phân phối nội dung trên nền tảng số.
Xu hướng hội tụ công nghệ đã thúc đẩy phát triển mô hình báo chí đa phương tiện, xây dựng tòa soạn hội tụ. Hướng phát triển mới này đang là một cơ hội, đồng thời là một thách thức đối với các cơ quan báo chí trong việc tìm kiếm cho mình một mô hình phát triển phù hợp, đồng thời, báo chí đa phương tiện, xây dựng tòa soạn hội tụ đòi hỏi những người nhà báo được trang bị những kiến thức nghiệp vụ chuyên sâu, kỹ năng tác nghiệp trong môi trường đa phương tiện, đòi hỏi tính năng động, sáng tạo của mỗi phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, người quản lý... nhằm tạo ra những sản phẩm báo chí chất lượng cao.
Từ những yêu cầu của thực tiễn đòi hỏi mỗi cơ quan báo chí, trong đó có Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Kon Tum (KRT) không ngừng đổi mới, từng bước thích ứng và phát triển. Trước tiên đầu tư phát triển về nguồn lực con người, trong đó đội ngũ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, phát thanh viên cần đặc biệt quan tâm. KRT cử đội ngũ này tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng tác nghiệp do Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức, đồng thời mời các chuyên gia, các nhà báo kinh nghiệm truyền đạt kỹ năng, kinh nghiệm làm báo và tăng cường trao đổi, sinh hoạt nghiệp vụ tại đơn vị.
Bên cạnh đó, KRT khuyến khích, động viên đội ngũ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên không ngừng tự học tập, tự nghiên cứu đổi mới hình thức thể hiện, nâng cao chất lượng nội dung các chương trình, thích ứng với môi trường tác nghiệp trong kỷ nguyên số. KRT chú trọng nghiên cứu, ứng dụng số trong kỹ thuật sản xuất chương trình và truyền dẫn, phát sóng. Bắt đầu từ việc ứng dụng công nghệ thông tin, sản xuất các sản phẩm phát thanh, truyền hình phù hợp với nền tảng số, đầu tư, nâng cấp các trang thiết bị, phương tiện theo hướng công nghệ tiên tiến, hiện đại. Cùng với chuyển đổi, đổi mới nâng cao chất lượng nội dung, thay đổi hình thức thể hiện, phân phối nội dung trên các nền tảng số, đáp ứng nhu cầu thông tin báo chí đối với khán thính giả, độc giả.
Trong những năm sắp tới, KRT sẽ nghiên cứu, học tập kinh nghiệm mô hình tổ chức, quản lý của một số cơ quan báo chí đã xây dựng báo chí đa phương tiện, tòa soạn hội tụ để vận dụng, áp dụng phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội… đặc thù của địa phương. KRT tiếp tục bổ sung, kiện toàn, củng cố nguồn lực con người, nhất là phóng viên quay phim, biên tập, đạo diễn, đồ họa, phát thanh viên, công nghệ thông tin… Về nội dung, KRT chú trọng sản xuất một số chương trình mang bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc Bắc Tây Nguyên, thực kiện các ký sự, phim tài liệu dài kỳ tìm hiểu, khám phá mảnh đất, con người Bắc Tây Nguyên; tạo các sân chơi bổ ích hướng đến các đối tượng trong xã hội phát trên sóng phát thanh, truyền hình; thực hiện các chương trình truyền hình trực tiếp tương tác với khán, thính giả trên các nền tảng số. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hợp tác, trao đổi, sản xuất chương trình truyền hình với các Đài Phát thanh - Truyền hình, góp phần làm đa dạng, phong phú các chương trình phát sóng, đáp ứng nhu cầu thông tin báo chí của đồng bào các dân tộc trong tỉnh nói riêng và cả nước nói chung…
|
Đặc biệt, UBND tỉnh đã phê duyệt tại Quyết định số 483/QĐ-UBND ngày 4/6/2021 về xây dựng đề án “Nâng cao chất lượng phát thanh, truyền hình tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Đề án đưa ra nhiều nhóm giải pháp trên tất cả mọi lĩnh vực hoạt động, trong đó KRT tập trung phát triển chuyển đổi số mạnh mẽ ở tất cả các khâu từ quy trình quản lý, vận hành đến nội dung và kỹ thuật công nghệ. Đây chính là nền tảng, là cơ sở vững chắc để KRT phát triển đúng hướng, mạnh mẽ, phấn đấu “Xây dựng Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Kon Tum thành một đài phát triển ở khu vực Tây Nguyên với trang thiết bị hiện đại, đồng bộ; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong tổ chức sản xuất chương trình, kiểm duyệt thông tin và truyền dẫn phát sóng” theo mục tiêu chung của Đề án đã xác định.
Phan Cư