Chuyển đổi số là tất yếu
Trong những năm gần đây, các khái niệm như số hóa, chuyển đổi số, kinh tế số… đã trở nên quen thuộc và tác động mạnh mẽ đến các lĩnh vực của đời sống xã hội. Cùng với sự phát triển vượt bậc của các thành tựu khoa học, công nghệ, đặc biệt là hạ tầng bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, trong đó nền tảng internet và web đã tạo điều kiện cho các loại hình báo chí phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin báo chí của nhân dân.
Báo chí phát triển gắn liền với sự phát triển của khoa học kỹ thuật
Nói đến báo chí truyền thống thì đề cập đến 4 loại hình, đó là báo in (báo viết), báo nói (phát thanh), báo hình (truyền hình) và báo điện tử - xuất hiện những năm thập niên 90 của thế kỷ XX. Trong lịch sử phát triển của báo chí, báo in xuất hiện sớm nhất. Theo nhiều nhà nghiên cứu lịch sử báo chí, báo in thực sự bắt đầu từ sau thời điểm năm 1447 khi máy in ra đời từ phát minh của Johann Gutenberg. Việc sáng chế ra máy in cùng với kỹ thuật sản xuất ra giấy là cơ sở quan trọng, tiền đề cho in ấn báo in từ đầu thế kỷ XVIII. Từ các nước châu Âu, báo chí phát triển sang khu vực châu Mỹ, châu Á và dần trở thành loại hình phổ biến trên thế giới. Sau này, nhờ cải tiến công nghệ in ấn, phát hành, công nghệ thông tin… đã giúp báo in có những bước tiến về đổi mới hình thức, nâng cao chất lượng nội dung, đáp ứng nhu cầu bạn đọc khổng lồ trên toàn thế giới.
Báo nói ra đời gắn liền với việc phát minh angten vô tuyến điện vào năm 1895, tuy xuất hiện sau báo in, song nhờ sự phát triển của kỹ thuật phát sóng, công nghệ sản xuất radio, các phương thức truyền dẫn, phát sóng, báo nói đã có mặt khắp nơi trên thế giới. Với những tiện ích của báo nói, chỉ cần chiếc radio bán dẫn, mọi người có thể tiếp cận nhiều nguồn thông tin khác nhau trong lúc làm việc, nghỉ ngơi… Báo nói đã ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt của đời sống xã hội.
Năm 1925, John Logie Baird phát minh ra tivi. Ban đầu, tivi có thể chạy 30 khung hình trong 5 giây, sau đó cải tiến 12,5 khung hình/giây vào năm 1928. Năm 1927, việc phát minh tín hiệu điện tử được xem là bước đột phá lớn đối với ngành truyền hình. Việc phát minh ra tivi gắn liền với việc ra đời ngành truyền hình trên thế giới. Nhờ công nghệ truyền hình, mọi người trên thế giới có thể chia sẻ, trao đổi, thông tin với nhau qua hình ảnh, tiếng nói, giúp mọi người kết nối với nhau dễ dàng hơn.
Mặc dù sinh sau đẻ muộn so với các loại hình báo chí khác, báo điện tử tồn tại và phát triển ào ạt, mạnh mẽ gắn liền với sự phát triển của các trang thông tin điện tử trên môi trường internet. Năm 1993, Khoa báo chí Đại học Florida (Mỹ) đưa ra tờ báo internet đầu tiên. Năm 1994, phiên bản online của tạp chí Hotwired chạy những banner quảng cáo đầu tiên; tiếp đó hàng loạt các báo khác ở Mỹ ào ạt mở báo điện tử… Việc phát triển báo điện tử trên môi trường internet đã tạo nên một bước tiến dài của báo chí, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người truy cập, khám phá, tìm hiểu thông tin, sự kiện do báo chí phản ánh một cách nhanh nhất, sớm nhất, không bị ngăn cách bởi không gian, thời gian giữa các quốc gia, châu lục.
|
Xu hướng phát triển báo chí trong kỷ nguyên chuyển đổi số
Trong kỷ nguyên số, nhiều ngành, lĩnh vực đã đi tiên phong trong việc chuyển đổi số đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội rõ rệt, nhất là các ngành tài chính, ngân hàng, điện lực… Chính việc chuyển đổi số mạnh mẽ đã giúp ngành tài chính, ngân hàng, điện lực tái cấu trúc, cải tổ lại mô hình sản xuất, kinh doanh gần hơn, tiện ích, thuận lợi cho khách hàng trong thực hiện các cuộc giao dịch. Bảo hiểm xã hội đã chuyển đổi số là ứng dụng VssID với nhiều tính năng và tiện ích cho người tham gia và thụ hưởng chính sách BHYT, BHXH. Triển khai Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử các tỉnh, thành; xây dựng trung tâm điều hành thông minh đã nâng cao hiệu quả hoạt động, quản lý của cơ quan Nhà nước, tăng tính công khai, minh bạch, tương tác giữa Nhà nước với doanh nghiệp và người dân…
Việc chuyển đổi số là xu hướng tất yếu nhằm ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ trong quản lý, điều hành của mỗi cơ quan, đơn vị hướng đến nâng cao năng suất lao động, đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội lớn hơn. Trước xu thế này, ngành báo chí cần phải chuyển đổi mạnh mẽ để vận dụng, tận dụng, thích ứng trong kỷ nguyên số, đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân. Báo chí xuất hiện một số dạng thức mới, như Xu hướng đa nền tảng và sự phát triển của Báo chí di động, Báo chí sáng tạo, Báo chí xã hội, Báo chí dữ liệu…
|
Trước đây, khán thính giả, độc giả không có nhiều cơ hội, điều kiện để lựa chọn, tiếp cận các nguồn thông tin khác nhau, việc tiếp nhận thông tin trong khuôn khổ, giới hạn trên các trang giấy của báo in hoặc trên màn hình tivi truyền thống, chương trình phát thanh hàng ngày trong mỗi khung giờ phát sóng cố định. Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin, internet, chỉ cần nhấp chuột khi máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh kết nối internet, mọi người dễ dàng tiếp cận các nguồn thông tin đa dạng, phong phú, khổng lồ. Với các nguồn thông tin này, mọi người có thể nghiên cứu, tham khảo, học tập … tùy theo khả năng, sở thích.
Xu hướng người dùng chuyển từ trạng thái xem bị động sang trạng thái xem chủ động và theo sở thích trên nền tảng internet. Theo báo cáo Digital 2019 của GobalwebIndex, phát hành tháng 01/2019, có đến 92% người dùng internet xem video trên mạng internet và 58% người dùng internet xem các chương trình truyền hình qua mạng. Tất nhiên, mọi công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật dù tiên tiến, hiện đại đến cỡ nào rồi đến lúc cũng phải lạc hậu trước nhu cầu đòi hỏi và sự phát triển của xã hội, nhưng con người biết cách nắm bắt, vận dụng, tận dụng và không ngừng học hỏi, thay đổi, đổi mới thì công nghệ không bao giờ lạc hậu.
Ngày nay, con người cần thông tin, tiếp cận thông tin một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, trở thành một phần của sự việc, hiện tượng, cần thông tin thời sự trước thông tin chuyên sâu. Khán, thính giả, độc giả bây giờ không chỉ là người đọc, xem, nghe thông tin, mà còn tham gia trực tiếp vào quá trình cung cấp, chia sẻ, sản xuất, phát hành. Mỗi công dân cũng có thể thu thập, phân tích, phổ biến, lan truyền các chương trình phát thanh, truyền hình trên mạng internet thông qua các mạng xã hội như facebook, youtube, webblog, chatroom… Trên báo điện tử, một bài viết, phóng sự dài vài ngàn chữ được thực hiện một cách công phu, không chia cột, không thực hiện in ấn dài kỳ trên mặt báo, mà được thực hiện, tích hợp cả về hình ảnh, âm thanh, video, đồ họa,… Nội dung bài viết, phóng sự, hình thức trình bày sẽ hấp dẫn hơn, phong phú, đặc sắc hơn với người đọc, người đọc tương tác tối đa với nội dung. Khán, thính giả theo dõi các chương trình truyền hình, phát thanh trên máy tính, các thiết bị di động kết nối internet dễ dàng lưu trữ và xem lại nội dung các chương trình và tương tác trực tiếp khi các chương trình đang phát sóng.
Báo chí cung cấp các giải pháp hướng tới nhu cầu người đọc, xem chương trình theo hướng cá nhân hóa, gợi ý các nội dung yêu thích của khán, thính giả. Đơn cử như ứng dụng trí tuệ nhân tạo (Al) để nhận diện và phân tích hành vi của khách hàng trên tivi thông minh, điện thoại thông minh, các ứng dụng gợi ý nội dung (recommendation), tương tác với khán giả dựa trên nhận diện giọng nói, cử chỉ, thái độ gương mặt, đồng bộ ngữ cảnh nội dung dựa trên phân tích dữ liệu lớn (Big Data) và mạng xã hội, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và phân tích dữ liệu lớn để tối ưu sản xuất, biên tập kiểm duyệt tự động… Chuyển đổi số báo chí là sản xuất nội dung và phân phối nội dung trên môi trường số, đổi mới mô hình quản lý và tác nghiệp của cơ quan báo chí, tạo ra cơ hội và các giá trị gia tăng, đa dạng nguồn thu, làm chủ nền tảng phân phối nội dung trên không gian mạng.
|
Trong kỷ nguyên số, ngoài những áp lực cạnh tranh khốc liệt với mạng xã hội, các cơ quan báo chí biết áp dụng, vận dụng các thành tựu, tiến bộ khoa học kỹ thuật sẽ là nền tảng quan trọng thúc đẩy báo chí phát triển, vẫn bảo đảm chất lượng và tính chuyên nghiệp của báo chí. Nhiều nhà nghiên cứu về báo chí cho rằng: Nếu báo chí biết kết nối, tận dụng mạng xã hội sẽ lan tỏa mạnh mẽ thông tin, chiếm lĩnh được công chúng và thị phần truyền thông.
Trong xu thế phát triển mạnh của nền tảng số, mỗi nhà báo cần phải là nhà kết nối; mỗi cơ quan báo chí là trung tâm kết nối tạo ra sức mạnh xã hội và kiến tạo xã hội. Phát biểu tại Hội nghị Sơ kết công tác thông tin và truyền thông 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã từng cảnh báo: “Nếu cứ tiếp tục giật tít, câu view thì thành lá cải. Mà lá cải thì giá cũng lá cải thôi. Nếu vẫn tiếp tục đưa tin ai, ở đâu, làm gì, khi nào thì tờ báo chắc không thể bằng một phần ngàn mạng xã hội, vì họ có hàng chục triệu phóng viên ở khắp mọi nơi”. Đây chính là chìa khóa, đòn bẩy cho báo chí phát triển trong thời gian tới, để báo chí mãi nhận được sự tin yêu và đón nhận của khán, thính giả, bạn đọc.
Phan Cư