Chuyển đổi số để tồn tại và phát triển
Việc chuyển đổi số đang diễn ra từng ngày, từng giờ ở cấp độ quốc gia, khu vực, địa phương. Nhiều ngành, nhiều lĩnh vực đang khẩn trương triển khai mạnh mẽ việc chuyển đổi số nhằm đơn giản các thủ tục hành chính với người dân và doanh nghiệp, sử dụng và chia sẻ nguồn tài nguyên số đa dạng, phong phú, đem lại hiệu quả sản xuất, kinh doanh ở mức cao nhất. Trong xu thế này, Đài Phát thanh - Truyền hình tất yếu phải thực hiện chuyển đổi số để tồn tại và phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin báo chí của công chúng và phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Quyết liệt thực hiện số hóa
Có thể nói, chuyển đổi số là sự thay đổi toàn diện của mô hình và tổ chức thực hiện bằng các thông tin kỹ thuật số. Nền tảng của chuyển đổi số là số hóa để tạo ra dữ liệu mang thông tin dưới dạng số. Số hóa là quá trình chuyển đổi thông tin từ analog (tương tự) ở thế giới thực sang kỹ thuật số (Digital). Đây có thể được gọi là bước tin học hóa, là thành phần của quá trình chuyển đổi số. Việc chuyển đổi số đối với một đài phát thanh - truyền hình không những đổi mới mô hình hoạt động, xây dựng nội dung thông tin phù hợp với nhu cầu của độc giả trên các nền tảng số, mà còn ứng dụng công nghệ số để quản lý nội dung, sản xuất chương trình, đến phân phối, phát sóng sản phẩm trên nền tảng số.
|
Trong hệ thống tác nghiệp của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh (KRT), khâu đầu tiên có một vị trí rất quan trọng, đó là xây dựng kịch bản, viết lời bình, biên tập và tổng duyệt. Trước đây, việc viết tin, bài, xây dựng kịch bản, lên maket,… phóng viên, biên tập viên đều phải sử dụng bản viết tay và trình lãnh đạo ký duyệt. Từ năm 2010 đến nay, nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, phóng viên tác nghiệp trên máy tính cá nhân, thậm chí trên cả các thiết bị cầm tay nhỏ gọn, chuyển qua email cho cấp có thẩm quyền biên tập và tới lãnh đạo ký duyệt. Các khâu đều được biên tập, chỉnh sửa dễ dàng bằng các thao tác máy tính, không giới hạn về không gian và thời gian. Trong môi trường truyền thông hiện đại, phóng viên có thể tham khảo thêm các thông tin phát hiện các nội dung không phù hợp, nội dung sai phạm, không đúng tôn chỉ mục đích một cách nhanh chóng và có độ chính xác cao, phóng viên được thỏa sức sáng tạo những sản phẩm truyền thông mới, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung. Đây là bước đầu tiên thực hiện số hóa - số hóa văn bản và là khâu đầu tiên thực hiện chuyển đổi số của KRT.
Trong lĩnh vực kỹ thuật, muốn số hóa thì phải có hạ tầng số, hay nói cách khác là phải có hạ tầng kỹ thuật số. Nhận thức được điều này, song song với đầu tư, phát triển nguồn lực con người, việc sửa chữa, nâng cấp, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, hạ tầng số được KRT chú trọng. Có thể khẳng định KRT là một trong những đơn vị đưa công nghệ số vào sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình từ rất sớm. Năm 1999, ngoài sự trợ giúp của Đài Truyền hình Việt Nam, KRT đầu tư camera, máy ghi hình kỹ thuật số theo chuẩn DVCPro (Panasonic), sau đó là DVCam (Sony) đánh dấu quá trình cải tiến chất lượng, đồng thời tăng dần số lượng và chất lượng các chương trình phát sóng. Thời kỳ này mặc dù là công nghệ số nhưng vẫn sử dụng băng từ số để ghi và lưu trữ dữ liệu.
Năm 2001, bắt đầu chuyển sang công nghệ thu thanh kỹ thuật số sử dụng máy tính để thu và phát sóng thông qua môi trường mạng, tất cả các khâu trong công đoạn sản xuất và phát sóng phát thanh đã hoàn toàn số hoá dưới dạng file âm thanh kỹ thuật số và trao đổi các khâu thông qua môi trường mạng. Cả một không gian phòng rộng chứa các tủ băng VHS, băng cối, băng cát sét, đĩa CD,… đi kèm là hệ thống đèn sấy, điều hòa, thông gió chống ẩm mốc đều được số hóa thành các file dữ liệu số, lưu trữ gọn nhẹ, trao đổi tức thì thông qua hệ thống mạng, thuận lợi trong quá trình sản xuất cũng như truyền dẫn phát sóng.
|
Cùng với việc ứng dụng kỹ thuật trong lĩnh vực phát thanh, KRT từng bước nâng cấp, đầu tư các trang thiết bị kỹ thuật phục vụ sản xuất các chương trình truyền hình, nâng cao chất lượng chương trình đảm bảo chất lượng tốt nhất phục vụ công tác thông tin tuyên truyền. Năm 2007 đánh dấu sự chuyển đổi công nghệ sản xuất truyền hình từ dựng hình tuyến tính (Analog) bằng băng từ trên đầu máy sang dựng hình phi tuyến (Digital) trên máy tính và phát sóng tự động chương trình. Công nghệ phát triển, việc đầu tư các server lưu trữ dữ liệu đã tạo điều kiện thuận lợi khép kín trong khâu sản xuất chương trình và truyền dẫn phát sóng. Thực hiện dự án “Hiện đại hóa trang thiết bị kỹ thuật phát thanh, truyền hình và tổng khống chế giai đoạn 2016-2020”, đánh dấu sự thay đổi căn bản, toàn diện về công nghệ từ SD sang HD với âm thanh và hình ảnh chất lượng cao. Song song với đó là việc đầu tư nâng cấp trang thiết bị tổng khống chế truyền dẫn tín hiệu qua cáp quang, tất cả các khâu xử lý tín hiệu đều trên nền tảng kỹ thuật số tiêu chuẩn HD, hệ thống phát sóng chính và dự phòng cùng hệ thống phân phối đa nền tảng, đáp ứng nhu cầu cung cấp đến mọi hạ tầng truyền dẫn và phát sóng SD/HD.
Đa dạng các hình thức truyền dẫn và phát sóng
Trong những năm gần đây, KRT đẩy mạnh việc chuyển đổi số, thực hiện đa dạng các phương thức truyền dẫn, phát sóng đưa thông tin đến gần hơn với khán, thính giả, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khán, thính giả truy cập, theo dõi các chương trình phát thanh, truyền hình địa phương.
Thực hiện đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất của Thủ tướng Chính phủ, 12/9/2017, Đài Truyền hình Việt Nam chính thức bàn giao và đưa vào sử dụng máy phát hình số mặt đất chuẩn DVB-T2 tại Kon Tum, đi trước hơn hai năm so với lộ trình của Thủ tướng Chính phủ quy định. Máy phát sóng số này đã tăng số lượng chương trình phát sóng lên 10 kênh chương trình của VTV và chương trình địa phương KRT, tạo điều kiện cho khán giả có thêm sự lựa chọn kênh chương trình yêu thích với chất lượng cao.
Để tăng cường mở rộng vùng phủ sóng truyền hình ra toàn quốc và một số nước trong khu vực, năm 2019, KRT chính thức phát sóng truyền hình số qua vệ tinh, đưa sóng truyền hình Kon Tum đến tất cả vùng sâu, vùng xa của tỉnh, trong khi truyền hình mặt đất không phủ sóng được. Ngoài việc phát sóng truyền hình qua hệ thống máy phát số mặt đất, phát sóng số qua vệ tinh, KRT còn mở rộng diện phủ sóng thông qua các hạ tầng truyền dẫn như: MyTV, truyền hình Viettel, truyền hình FPT, truyền hình cáp SCTV và online trên trang thông tin điện tử tổng hợp kontumtv.vn.
Theo chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 thì Việt Nam sẽ phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh, thói quen và nhu cầu của khán thính giả phát thanh, truyền hình sẽ thay đổi theo hướng cá nhân hóa và xem trên các thiết bị di động. Hạ tầng phát sóng sẽ chuyển dịch sang môi trường số, đòi hỏi chương trình sản xuất phải phù hợp với đa nền tảng thiết bị công nghệ. Chính vì thế, năm 2020, KRT đã xây dựng ứng dụng KRT - kết nối trên cả hai nền tảng Android và IOS, thuận tiện cho khán, thính giả theo dõi KRT qua các thiết bị di động cầm tay khi kết nối internet bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào, không ngăn cách bởi không gian và thời gian.
Bên cạnh đó, các chương trình của truyền hình Kon Tum cũng thường xuyên được cập nhật trên mạng xã hội như Fanpage, Youtube truyền hình Kon Tum nhằm cập nhật liên tục các chương trình thời sự, các chuyên đề, chuyên mục, thông tin trong nước và quốc tế, góp phần quảng bá, giới thiệu tiềm năng, cơ hội, triển vọng đầu tư, văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc tỉnh Kon Tum với bạn bè trong nước và quốc tế.
|
Trong kỷ nguyên chuyển đổi số, cạnh tranh về thông tin, về tính nhanh nhạy của thông tin với mạng xã hội đã là một áp lực, một thách thức không dễ vượt qua của các báo đài, kênh sóng truyền thống. Cạnh tranh về số lượng người nghe, xem, về cách thức tiếp nhận thông tin lại càng khó khăn hơn, đòi hỏi các cơ quan báo chí phải thay đổi tư duy làm báo trong thời đại chuyển đổi số. Chuyển đối số là xu thế tất yếu, là yêu cầu bắt buộc đối với mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, mà báo chí, trong đó phát thanh, truyền hình lại càng yêu cầu nhanh hơn, mạnh hơn và quyết liệt hơn, không thể đứng ngoài cuộc hoặc dừng lại, bởi dừng lại đã lạc hậu, thụt lùi trong mắc xích phát triển của xã hội. Chuyển đổi số để tồn tại và phát triển là nhu cầu tự thân và đáp ứng nhu cầu đòi hỏi cấp bách của xã hội, phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương trước mắt và lâu dài.
Phan Cư - Hoàng Hải