Ấm tình biên giới Ia H’Drai
Tôi hăm hở lên thôn 9, xã Ia Tơi (huyện Ia H’Drai), trong đầu ấp ủ kế hoạch viết về những ngôi nhà đại đoàn kết vững chãi, được xây nên từ tinh thần trách nhiệm, chia sẻ khó khăn với người nghèo của các nhà tài trợ. Nhưng đến nơi rồi, tôi nhận ra rằng, đằng sau ngôi nhà mới quét vôi trắng nằm ven đồi kia là câu chuyện ấm tình người nơi biên cương...
Từ Quốc lộ 14C, xe chúng tôi rẽ vào Tỉnh lộ 675A để vào thôn 9- thôn xa nhất, khó khăn nhất của xã Ia Tơi, nơi đa số hộ gia đình là đồng bào dân tộc Thái từ Thanh Hóa vào lập nghiệp. Điều khiến mọi người bất ngờ là so với trước đây đường khá dễ đi, mặt đường đã trải cấp phối, có rãnh thoát nước, vài ba đoạn phía ngoài còn được đổ bê tông.
Anh bạn đồng nghiệp bên truyền hình tỉnh cứ tấm tắc khen: đường như thế này là “ngon” quá rồi. Nhớ lại chuyến đi năm ngoái, con đường đất rách tướp với dốc cao, vực sâu. Chặng đường chưa tới 40km nhưng đi hết 3 tiếng đồng hồ. Thật dễ hiểu khi mọi người trò chuyện rôm rả vì được ngồi trên xe băng qua cầu Ia Tơi bê tông cốt thép bề thế thay vì phải vượt ngầm...
Anh A Khiên - Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện tranh thủ thông tin: Đợt này, huyện được Ủy ban MTTQVN tỉnh hỗ trợ kinh phí xây dựng 4 căn nhà đại đoàn kết (mức hỗ trợ 50 triệu đồng/căn), sau khi thống nhất tặng cho 4 hộ gia đình nghèo, khó khăn về nhà ở tại thôn 9, xã Ia Tơi, Mặt trận huyện đã cử cán bộ phối hợp với UBND xã xuống thôn tổ chức họp dân bình xét, lập danh sách hộ nghèo chưa có nhà ở hoặc nhà tạm bợ, dột nát; lựa chọn mẫu thiết kế; giới thiệu nhà thầu có đủ năng lực để xã ký hợp đồng xây dựng...
Nguyên tắc cơ bản nhất khi triển khai xây dựng nhà là phải đảm bảo 3 cứng: tường cứng, nền cứng, mái cứng; chiều cao từ nền đến trần la phông là 3,8m, diện tích tối thiểu 40m2/căn - anh A Khiên cho biết.
Thôn 9 hiện ra với những căn nhà vách gỗ, mái tôn đơn sơ nằm rải rác trên những sườn đồi, hàng cột điện đã kéo dây chạy dài tít tắp, nghe đâu chuẩn bị có điện lưới. Mấy ngôi nhà mới xây quét vôi trắng ngời lên trong nắng. Xe vừa đến con dốc đầu thôn, đã thấy thấp thoáng bóng người đứng chờ. Không chỉ có cán bộ thôn, 4 gia đình được hỗ trợ làm nhà mà còn có anh em họ hàng, xóm giềng tham gia “đoàn đón rước”. Ông Mai Viết Thách- Trưởng ban công tác Mặt trận thôn nắm tay tôi lắc lắc: Bà con chờ từ sáng sớm đấy.
Chợt thấy nghèn nghẹn trước tình cảm nồng hậu của bà con. Đã từng dự nhiều buổi trao tặng nhà cho hộ nghèo, nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên tôi thấy mọi người ra tận đầu thôn đón như thế này. Những lần khác, vui thì đương nhiên là vui, nhưng những ai liên quan đều tập trung ở vị trí định sẵn làm lễ mà thôi.
Vui quá, thế là có người đề nghị xuống xe, đi bộ thăm nhà Mạc Văn Đức, lãnh đạo Ủy ban MTTQVN tỉnh, huyện rồi Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết tỉnh (đơn vị tài trợ kinh phí xây nhà đại đoàn kết) đồng ý ngay. Đây rồi, nhà của Mạc Văn Đức. Cao ráo, rộng rãi, khang trang, nền lát gạch hoa, mái hiên phía trước lợp tôn đàng hoàng.
Đón khách vào nhà mới mà Đức cứ quýnh cả lên. 7 năm trước, Đức và vợ - Hà Thị Cao - từ xã Trần Tiến, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa vào đây làm công nhân Công ty CP Đầu tư phát triển Duy Tân, cuộc sống khó khăn mãi, do 2 vợ chồng nhận chăm sóc 6,5ha cao su, đúng vào thời điểm công ty làm ăn khó khăn nên lương thấp và chậm. Suốt mấy năm trời, gia đình nhỏ gồm 2 vợ chồng và 2 đứa con sống trong căn nhà lụp xụp. Cho đến ngày hôm nay...
Được hỗ trợ 50 triệu đồng, Đức mừng lắm. Dành dụm, chắt bóp được ít tiền, vay mượn thêm họ hàng, anh góp 25 triệu đồng để mở rộng diện tích lên hơn 50m2, lát gạch hoa trong nhà, làm mái hiên bên ngoài, cửa gỗ... Đứng nói lời cảm ơn nhà tài trợ, cán bộ Mặt trận mà giọng Đức nghèn nghẹn. Tôi chợt nhìn thấy giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt đen đúa của anh.
|
Đến nhà Vi Văn Thới, Cao Văn Diện, Vi Văn Nguyện, chúng tôi lại cuống quýt trong những câu chào hỏi, những cái bắt tay. Và lúc này tôi nhận ra rằng, cái kế hoạch mà mình vạch sẵn đã phá sản hoàn toàn. Dù tôi vẫn thấy ngôi nhà mới của gia đình anh Vi Văn Thới nằm đỏm dáng bên căn nhà cũ quây bạt xập xệ nhưng những nụ cười hồn hậu, những lời chúc mừng chân thành của những người hàng xóm đã thu hút tôi.
Chị Vi Thị Huệ - có cửa hàng tạp hóa nhỏ bán mấy thứ lặt vặt giữa thôn - cười hể hả: Ấy, nhà tôi cũng lụp xụp đấy, nhưng xét kỹ thì nhà chú Thới vẫn... lụp xụp hơn (cười). Ngày gió cứ rung bần bật, mưa dột tứ tung, mấy cha con nhà nó ở trong nhà cũng ướt. Hôm nay Thới được trao tặng nhà mới nên nhiều người nghỉ việc để ở nhà chia vui. Mình cũng dậy sớm, đi làm cỏ mì rồi về cho kịp giờ. Cảm ơn Đảng, Nhà nước, cảm ơn nhà tài trợ đã giúp những hộ nghèo ở thôn 9 xóa nhà tạm.
Ấy vậy mà khi được hỏi chị có mong được hỗ trợ làm nhà không, chị Huệ ngần ngừ một lúc rồi trả lời “vừa muốn vừa không”. Tôi cười: Sao lại thế? Muốn được hỗ trợ để xóa nhà lụp xụp, nhưng nghĩ kỹ thì thấy mình còn khỏe, còn làm được thì sẽ cố gắng dành dụm để làm nhà, nếu có tiền hỗ trợ thì để người khác cần hơn mình - chị đắn đo nói.
Tôi thấy sống mũi mình cay cay trước lời nói chân thành, mộc mạc của người phụ nữ ấy.
Như vậy là cho đến nay, thôn 9 được hỗ trợ xây dựng 9 căn nhà đại đoàn kết rồi - trưởng thôn Vi Văn Hơn bấm bấm đầu ngón tay rồi cho biết - trước Tết có 4 căn do Công ty TNHH MTV Xăng dầu Bắc Tây Nguyên - Chi nhánh Kon Tum và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển - Chi nhánh Kon Tum tài trợ (50 triệu đồng/căn), 1 căn do Hội Cựu chiến binh tỉnh vận động hỗ trợ .
Già làng Trương Văn Thành “khoe” khéo về sự đoàn kết ở thôn mình khi kể chuyện họp bình xét hộ nhận hỗ trợ: Thôn 9 có 120 hộ gia đình, thì có tới 90 hộ thuộc diện nghèo, số hộ gặp khó khăn về nhà ở nhiều, nhưng khi họp thôn, mọi người còn nhường nhau vì lý do “nhà tôi còn đỡ hơn nhà anh chị”, tuyệt đối không có chuyện tranh giành, đố kị nhau. Sau khi lập danh sách 4 gia đình, gồm Vi Văn Nguyện, Mạc Văn Đức, Vi Văn Thới, Cao Văn Diện, mọi người đều đồng ý. Những ngày làm nhà, bà con trong thôn thường qua lại thăm nom, sẵn sàng giúp đỡ ngày công lao động, vui như đang làm cho nhà mình vậy.
Trước khi rời thôn 9, tôi ghé vào chào Mạc Văn Đức, thấy anh đang lui cui sửa lại chuồng bò. Thì ra gia đình anh mới vay vốn mua được 3 con bò được nửa năm nay, thật vui khi có tới 2 con chuẩn bị đẻ. Tôi nhớ lại lời già làng Trương Văn Thành: Bây giờ ở thôn này gần như nhà nào cũng nuôi bò, trồng mì, bắp ở bờ lô cao su, tuy còn khó khăn nhưng tới đây, một số diện tích cao su đi vào khai thác, tin rằng đời sống sẽ dần khấm khá lên, người dân thôn 9 sẽ tự dựng được nhà mới, xóa nhà tạm…
Mong là như vậy! Và tin là như vậy!
Thành Hưng