Tự hào chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh
Xuân Đinh Dậu 2017, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc huyện Đăk Tô hướng tới kỷ niệm 45 năm Chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh (24/4/1972- 24/4/2017). Đón năm mới, tin vui Di tích lịch sử Địa điểm chiến thắng này được xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt càng làm nức lòng những người đã và đang gắn bó với mảnh đất chiến trường xưa.
Mỗi lần có dịp thăm Nhà trưng bày Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh, ông Lại Hợp Phường và các đồng đội cựu chiến binh thị trấn Đăk Tô lại dâng tràn xúc động, nhớ về cuộc chiến đấu ác liệt của quân và dân cực bắc Tây Nguyên đã đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng vẻ vang.
Cách đây 45 năm, ông Lại Hợp Phường là Chính trị viên Đại đội 2, Huyện đội 67 nhận nhiệm vụ phối hợp với bộ đội chủ lực tham gia chiến dịch Đăk Tô - Tân Cảnh.
Ông Phường kể: Tháng 1/1972, chúng tôi nhận nhiệm vụ vừa tiêu diệt các chốt nhỏ của địch ở chiến trường Đăk Tô - Tân Cảnh vừa chuẩn bị đón các đơn vị lớn của ta, như Sư đoàn 2 vào chuẩn bị đảm nhiệm một hướng tấn công để giải phóng Đăk Tô - Tân Cảnh. Tháng 2/1972, đơn vị triển khai cho đồng bào ở khu vực phía bắc chiến trường, nay thuộc địa bàn các xã Bờ Y, Đăk Xú (huyện Ngọc Hồi) chuẩn bị gạo thóc, bố trí lực lượng dân quân, du kích, sẵn sàng vận chuyển vũ khí đạn dược phục vụ đánh lớn. Bộ đội địa phương do tôi phụ trách chịu trách nhiệm dẫn đường ra căn cứ.
|
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Đăk Tô - Tân Cảnh là căn cứ quân sự mạnh nhất của Ngụy quyền Sài Gòn ở Bắc Tây Nguyên. Đầu năm 1972, đánh hơi thấy quân ta chuẩn bị đánh lớn, địch tăng cường tại đây Trung đoàn 47 và Liên đoàn 2 biệt động quân, Sư đoàn dù … đưa lực lượng của chúng ở khu vực này lên tới 28 tiểu đoàn bộ binh, 6 tiểu đoàn pháo binh, 4 tiểu đoàn thiết giáp. Phần lớn lực lượng tăng cường được bố trí ở dãy cao điểm phía tây sông Pô Kô, hình thành tuyến phòng ngự lâm thời ngăn chặn ta từ xa.
Quân ta có lực lượng Sư đoàn 320a, Trung đoàn 24b, Sư đoàn 2 thuộc Quân khu 5 và một số binh chủng kỹ thuật khác được tập trung vào “Mặt trận cánh Đông” chuẩn bị chu đáo mọi điều kiện cần thiết để bước vào chiến dịch mùa hè.
Chiến dịch giải phóng Đăk Tô - Tân Cảnh bắt đầu từ cuối tháng 3/1972 bằng những trận đánh của Trung đoàn 64 (Sư đoàn 320) trên dãy điểm cao phía tây bờ sông Pô Kô, làm thiệt hại nặng Tiểu đoàn 2 (Lữ đoàn 2) của địch ở căn cứ Đenta (tức là điểm cao 1049 )và tiêu diệt hoàn toàn Tiểu đoàn 11 thuộc Lữ đoàn 3 ở căn cứ Sacly (điểm cao 1015).
Sau đó, liên tiếp từ các ngày 21 đến 23/4/1972, pháo binh của ta tập trung bắn vào căn cứ Tân Cảnh. Cao điểm chiến dịch diễn ra vào đêm 23/4/1972. Xe tăng của Đại đội 7 thiết giáp xuất kích, tấn công căn cứ Tân Cảnh theo đường công binh mới mở, kết hợp với tấn công bằng xe tăng theo tuyến đường 14 ở hướng đông.
5h10’ngày 24/4/1972, pháo binh ta giáng đòn sấm sét kết hợp với cùng với xe tăng cấp tập tấn công đánh chiếm các mục tiêu trong căn cứ E24 Tân Cảnh. 5 giờ 55 phút ngày 24/4/1972 thị trấn Tân Cảnh được giải phóng. 11h ngày 24/4, Trung đoàn 66 làm chủ căn cứ E24 Tân Cảnh.
Ông Lại Hợp Phường nhớ lại: Khi chúng tôi đến nhà thờ Đăk Mốt thì nhận được tin Trung đoàn 66, Trung đoàn 28 đã tiêu diệt toàn bộ quân địch và cắm cờ lên cao điểm 42. Toàn bộ trên 30 cây số đã được ta làm chủ, giải phóng hoàn toàn. Bộ đội tiếp quản các khu vực được phân công để đón dân, đưa dân về khu căn cứ, tránh pháo của địch. Không khí rất khẩn trương, sôi động. Phương tiện, vũ khí của địch ngổn ngang, sau đó, được Huyện đội H67 chúng tôi thu hồi, tập kết theo quy định.
Trong chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh, quân ta bắn rơi 8 máy bay, thu 9 xe tăng, 20 pháo 105 ly, gần 100 xe quân sự, hàng vạn quả pháo và toàn bộ phương tiện chiến tranh của địch, bắt 429 tù binh ngụy. Lần đầu tiên, các lực lượng vũ trang Tây Nguyên đã thực hiện thành công chiến lược “Tiến công địch bằng hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, tốc độ nhanh”.
Chiến thắng Đăk Tô- Tân Cảnh đã làm tan rã quân địch ở căn cứ quân sự mạnh nhất Bắc Tây Nguyên, giải phóng hoàn toàn một vùng dân cư rộng lớn, làm thay đổi cục diện trên chiến trường Tây Nguyên, góp phần giải phóng tỉnh lỵ Kon Tum, tiến đến giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.
Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh (24/4/1972) đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng ở mảnh đất cực bắc Tây Nguyên và cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước là một mốc son của cán bộ, chiến sĩ Đoàn Đăk Tô anh hùng và nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum một lòng thủy chung theo Đảng, theo cách mạng.
Chiến thắng là niềm tự hào, nhắc nhở Đảng bộ và nhân dân huyện Đăk Tô đoàn kết một lòng, góp sức chung tay dựng xây quê hương giàu đẹp.
Nghĩa Hà