Xây dựng văn hóa cồng chiêng thành sản phẩm du lịch
Những năm qua, các lễ hội gắn liền với không gian văn hóa cồng chiêng được thành phố Kon Tum tổ chức thường xuyên đã thu hút du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm.
|
Trong xu thế hội nhập hiện nay, tiếng cồng, tiếng chiêng không còn gói gọn trong từng nếp nhà, mỗi thôn, làng mà đã lan tỏa đến từng góc phố, thậm chí vươn ra thế giới. Những giai điệu cồng chiêng cùng nhịp xoang uyển chuyển như sợi dây gắn kết giữa các nghệ nhân với du khách trong và ngoài tỉnh cùng những trải nghiệm khó quên khi đến với thành phố Kon Tum.
Thành phố Kon Tum có thế mạnh về du lịch, văn hóa cồng chiêng của dân tộc Ba Na, Gia Rai nơi đây dần trở thành sản phẩm văn hóa, sản phẩm du lịch không chỉ phục vụ du khách mà còn góp phần nâng cao đời sống người DTTS thông qua hoạt động biểu diễn, giao lưu văn hóa cồng chiêng.
Hội thi cồng chiêng, xoang các DTTS thành phố Kon Tum lần thứ II năm 2024 là một sự kiện với những phần biểu diễn xuất sắc của các đội thi qua các nội dung như: Tái hiện lễ hội truyền thống, đàn hát dân ca, kỹ thuật chỉnh chiêng, trình diễn các loại nhạc cụ dân tộc. Những diễn viên trình diễn chính là nghệ nhân, người dân bước ra từ thôn, làng; các nội dung trình diễn hầu hết cũng xuất phát trong đời sống cộng đồng và đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ nên được rất nhiều du khách yêu thích, tìm hiểu.
Đơn cử như phần tái hiện trích đoạn lễ hội “Mừng lúa mới” của dân tộc Gia Rai do đội nghệ nhân thôn Đăk Kia (xã Đoàn Kết) trình diễn. Lễ hội đã được các nghệ nhân phục dựng một cách tỉ mỉ, sinh động, qua đó tái hiện không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng gần gũi và thực tế.
Nghệ nhân A Thu (72 tuổi, thôn Đăk Kia) chia sẻ: Đây là lần đầu tiên đội nghệ nhân của thôn tham gia trình diễn lễ hội “Mừng lúa mới” tại sân khấu và trước nhiều du khách như vậy. Tuy có đôi chút hồi hộp nhưng chúng tôi rất vui, vì đây là truyền thống, là đời sống của người Gia Rai, nay lại được tái hiện cho mọi người cùng biết đến.
Ngoài những liên hoan, lễ hội, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, làng du lịch cộng đồng trên địa bàn thành phố Kon Tum cũng có nhiều hoạt động biểu diễn liên quan đến không gian văn hóa cồng chiêng.
Như ở Làng du lịch cộng đồng Kon K’tu (xã Đăk Rơ Wa), không gian văn hóa cồng chiêng tái hiện qua các hoạt động diễn tấu cồng chiêng, hát múa dân gian, tái hiện các lễ cúng của dân tộc Ba Na vào những dịp quan trọng trong năm, hay được tổ chức thường xuyên cũng tạo dấu ấn khó quên với du khách.
|
Hoạt động văn hóa diễn ra thường xuyên không chỉ là nơi để các nghệ nhân giao lưu với du khách, có thu nhập từ việc trình diễn những di sản của dân tộc mình; mà còn là dịp để quảng bá về giá trị độc đáo của không gian văn hóa cồng chiêng cùng với cảnh quan thiên nhiên, văn hóa và con người nơi đây.
Ông A Đưn- Bí thư chi bộ, Trưởng thôn cho biết: Hiện nay, Làng du lịch cộng đồng Kon K’tu chọn không gian văn hóa cồng chiêng là một điểm nhấn để thu hút du khách. Khi tới đây, du khách sẽ được trải nghiệm đêm giao lưu văn hóa của người Ba Na thông qua những điệu múa, tiếng cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc. Các đội cồng chiêng biểu diễn mang đậm bản sắc truyền thống, mộc mạc; điều này đã để lại nhiều ấn tượng, cảm xúc thú vị đối với du khách.
Các lần biểu diễn cồng chiêng đều có những đổi mới vừa phù hợp với thị hiếu, nhu cầu hưởng thụ văn hóa của du khách, vừa tạo điều kiện cho người dân, chủ thể của không gian văn hóa cồng chiêng có môi trường để thực hành, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản này.
Chị Thái Thị Thanh Tuyền (37 tuổi, du khách đến từ huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) chia sẻ: Khi đến với thành phố Kon Tum, ngoài tham quan những khu, điểm du lịch nổi tiếng, tôi cùng gia đình còn được trải nghiệm về văn hóa cồng chiêng, được múa xoang cùng các nghệ nhân, tôi cảm thấy vô cùng thích thú. Tôi sẽ đưa gia đình quay lại nơi đây để được hòa mình vào nét văn hóa độc đáo này.
Theo bà Phan Thị Lan - Phó trưởng Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin thành phố Kon Tum, thời gian qua, thành phố đã mở nhiều lớp dạy đánh cồng chiêng, múa xoang cho thế hệ trẻ. Các giá trị văn hóa đã được khôi phục và hồi sinh trong chính cộng đồng dân cư nơi đã sản sinh ra nó từ việc thành lập các đội cồng chiêng, múa xoang ở các thôn, làng. Hiện nay, trên địa bàn có trên 135 câu lạc bộ, đội, nhóm cồng chiêng. Các đội cồng chiêng đã tổ chức được chương trình biểu diễn cồng chiêng phục vụ du lịch, góp phần nâng cao đời sống cho người DTTS, đồng thời quảng bá hiệu quả các giá trị di sản văn hóa truyền thống đến du khách.
Mai Vàng