Quốc hội thảo luận Tổ về các dự án luật
Chiều 15/5, các ĐBQH tỉnh tiếp tục thảo luận tại Tổ 16 cùng ĐBQH các tỉnh An Giang, Hà Nam và Lai Châu đối với Dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
|
Đồng chí U Huấn - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì phiên thảo luận.
Tại Phiên làm việc này, đại biểu Phạm Đình Thanh, Tô Văn Tám và Trần Thị Thu Phước đã cùng 5 ĐBQH của các Đoàn ĐBQH khác phát biểu ý kiến tham gia xây dựng luật.
Đại biểu Phạm Đình Thanh thống nhất việc xây dựng và ban hành nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân. Dự thảo nghị quyết đã dự kiến quy định chính sách đặc biệt cải thiện môi trường kinh doanh và các chính sách cụ thể về hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tài chính, tín dụng và mua sắm, hỗ trợ về khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, hỗ trợ hình thành, phát triển doanh nghiệp...
Để các chính sách này được phát huy, đạt kết quả như mong muốn, đề nghị bổ sung chính sách quan trọng đó là biện pháp đặc biệt trong việc hỗ trợ về pháp lý phục vụ phát triển kinh tế tư nhân, nhất là đối với địa bàn các tỉnh, vùng nông thôn, miền núi.
Trong thực tế,có rất nhiều chủ doanh nghiệp hiểu biết pháp luật còn hạn chế,không nắm vững và không tận dụng tốt chính sách mới của nhà nước, thậm chí có trường hợp vi phạm vì không hiểu đầy đủ quy định của pháp luật.
|
Theo đại biểu Phạm Đình Thanh, cần thiết phải có các biện pháp nhanh nhất để giúp các chủ thể của kinh tế tư nhân hiểu và tuân thủ pháp luật, nhằm giảm chi phí và rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp; đặc biệt là việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận chính sách ưu đãi mới như ưu đãi thuế, chính sách về đất đai, tín dụng dành cho kinh tế tư nhân.
Nếu không có việc hỗ trợ kịp thời về mặt pháp lý thì các chủ thể thuộc thành phần kinh tế tư nhân, nhất là ở các địa phương, vùng nông thôn, miền núi khó tiếp cận và khai thác, tận dụng hiệu quả các chính sách ưu việt nhà nước mới ban hành để phục vụ cho việc phát triển kinh tế tư nhân nhằm đạt mục tiêu Nghị quyết số 68 ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị.
Cần phải coi đây là vấn đề quan trọng trong cơ chế, chính sách đặc biệt để phát triển kinh tế tư nhân được xem xét, ban hành tại nghị quyết này; từ đó, yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm và tập trung thực hiện tốt vấn đề hỗ trợ pháp lý cho các chủ thể mà nghị quyết này hướng tới đó là doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Đại biểu Phạm Đình Thanh thống nhất nội dung Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
Về người được hưởng chính sách hỗ trợ hàng tháng, đại biểu đề nghị bổ sung thêm hai đối tượng: một là,công chức Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND các tỉnh trực tiếp tham mưu cho Đoàn ĐBQH và Thường trực HĐND tỉnh trong việc xây dựng, thẩm tra văn bản quy phạm pháp luật; hai là,ĐBQH hoạt động không chuyên trách.
Theo đại biểu Thanh đây là hai đối tượng có nhiều đóng góp quan trọng trong việc tham mưu xây dựng, thẩm tra hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật và trực tiếp giám sát việc thực thi pháp luật ở cả cấp Trung ương và địa phương nên xứng đáng được hưởng theo tỷ lệ phù hợp của chính sách hỗ trợ đối với người tham gia công tác xây dựng pháp luật được quy định tại Điều 7 Dự thảo Nghị quyết này.
Đối với Dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, đại biểu Trần Thị Thu Phước nhất trí với sự cần thiết ban hành luật này; đồng thời tham gia 3 ý kiến vào dự thảo luật.
Thứ nhất, tại khoản 4 Điều 11 quy định hành vi bị nghiêm cấm là “Phát tán hình ảnh sai lệch, lộ lọt thông tin bí mật Nhà nước”, theo đại biểu việc phát tán hình ảnh sai lệch và hành vi làm lộ lọt thông tin bí mật Nhà nước là hai nhóm hành vi có tính chất, mức độ nguy hiểm và đối tượng tác động khác nhau. Do đó, để đảm bảo tính răn đe, minh bạch và thuận lợi cho việc áp dụng pháp luật sau này, đề nghị Ban soạn thảo tách quy định tại khoản thành hai khoản riêng biệt, quy định cụ thể cho từng hành vi.
Thứ hai, tại khoản 11 Điều 3 có giải thích từ ngữ “Trường hợp khẩn cấp”. Đây là một nội dung quan trọng, liên quan trực tiếp đến các quyết định về rút quân, đảm bảo an toàn cho lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình.
Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Thị Thu Phước định nghĩa hiện tại “tình huống ngoại lệ, bất thường và nguy hiểm do thiên nhiên, con người gây ra, dịch bệnh lây lan trên diện rộng tại địa bàn vượt quá khả năng ứng phó của Liên hợp quốc, đe dọa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của cá nhân, vũ khí, trang bị kỹ thuật của lực lượng Việt Nam hoặc có nguy cơ ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia - dân tộc và vị thế, uy tín của Việt Nam” dù đã bao hàm một số yếu tố, nhưng vẫn cần được quy định thành một Điều riêng để đảm bảo cụ thể và bao quát hơn. Việc này nhằm tránh những cách hiểu khác nhau, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho các cấp có thẩm quyền khi đưa ra những quyết định quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh tình hình an ninh, chính trị tại các phái bộ thường diễn biến phức tạp, khó lường.
Đại biểu Tô Văn Tám đã phát biểu tham gia 5 ý kiến đối với Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân về sự cần thiết ban hành nghị quyết; về những hành vi bị nghiêm cấm; nguyên tắc xử lý các vi phạm, giải quyết các vụ việc; cần làm rõ khái niệm “Doanh nghiệp tiên phong”.
Phát biểu kết thúc Phiên thảo luận, đồng chí U Huấn đề nghị Tổ thư ký tổng hợp đầy đủ ý kiến phát biểu của các ĐBQH gửi về Tổng thư kí Quốc hội, Ban soạn thảo để nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện các dự án luật, nghị quyết này.
Hồ Nam