Những “hạt nhân” giữ nghề truyền thống ở Rờ Kơi
Về xã Rờ Kơi (huyện Sa Thầy), gặp những nghệ nhân đang “giữ lửa” nghề truyền thống mới thấy hết được tình yêu nghề, sự nỗ lực và nỗi niềm trăn trở của họ trong việc giữ gìn, bảo tồn giá trị văn hóa của dân tộc.
|
Tìm đến nhà nghệ nhân Y Rưa (ở thôn Rờ Kơi), chúng tôi gặp lúc bà đang hoàn thành bộ áo, váy cuối cùng trong số 6 bộ nhận làm từ đầu năm. Dù sức khỏe bà không còn như trước nhưng đôi tay vẫn dệt thoăn thoắt. Năm nay bước qua tuổi 70, nhưng bà đã có hơn 55 năm theo nghề dệt thổ cẩm.
Bà nhớ lại, năm 15 tuổi, bà đã bắt đầu học dệt thổ cẩm để tự tay làm những chiếc khăn, túi đeo và dần dần dệt những tấm áo, váy, chăn cho các anh chị em trong gia đình. Không những thế, lúc nông nhàn bà còn nhận dệt thuê cho người dân trong thôn để kiếm thêm tiền trang trải sinh hoạt. Đến nay, khi không còn đủ sức khỏe đi làm rẫy, nghề dệt trở thành công việc chính của bà.
|
Theo bà Y Rưa, trước đây để làm một tấm vải thổ cẩm, người phụ nữ Hà Lăng (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng) phải tốn nhiều công sức và thời gian, từ việc trồng, thu hoạch nguyên liệu bông để se sợi cho đến lên rừng tìm các loại cây phù hợp để làm màu nhuộm cho sợi chỉ. Ngày nay, các sợi chỉ công nghiệp trên thị trường đa dạng nên việc dệt thổ cẩm được rút ngắn về thời gian. Tuy nhiên, công đoạn khó khăn và mất thời gian nhất của quá trình dệt thổ cẩm là việc sáng tạo các hoa văn, họa tiết trên sản phẩm sao cho hài hòa về màu, cân đối giữa các đường chỉ.
“Thổ cẩm của người Hà Lăng có nền màu chủ đạo là trắng và đen. Tuy nhiên, để tấm thổ cẩm sinh động, bắt mắt thì người dệt phải thật sự khéo léo và am hiểu truyền thống dân tộc để sáng tạo các hoa văn phù hợp”- bà Y Rưa cho hay.
Hiện sản phẩm thổ cẩm do bà Y Rưa làm ra chủ yếu là tấm choàng, chăn đắp, khố, áo, váy. Nhờ có tay nghề cao nên các sản phẩm thổ cẩm của bà đẹp, bền chắc, được nhiều khách hàng trong và ngoài xã đặt mua. Cũng theo bà, hiện nay nhiều phụ nữ trong thôn ít mặn mà với nghề dệt thổ cẩm nên số người biết dệt chỉ đếm trên đầu ngón tay. Để giữ gìn nét văn hóa truyền thống, bà thường xuyên truyền dạy, chia sẻ kinh nghiệm cho các con của mình.
Chị Y Jen (35 tuổi, ở thôn Rờ Kơi) là một trong hai con gái của nghệ nhân Y Rưa biết dệt thổ cẩm. Chị chia sẻ: “Từ nhỏ, tôi được mẹ dạy là con gái Hà Lăng phải biết dệt thổ cẩm, sau còn dệt đồ cho mình, cho chồng và con. Chính vì thế, mỗi lần mẹ dệt, tôi đều đến ngồi bên cạnh học hỏi. Được mẹ tận tình chỉ bảo, cộng với sự chịu khó tìm tòi, năm 20 tuổi tôi đã biết dệt áo, váy, chăn”.
Nghệ nhân A Thiu (71 tuổi, ở thôn Gia Xiêng) đã gắn bó với nghề đan lát hơn 50 năm qua. Với ông, việc duy trì nghề đan lát không chỉ là để thỏa mãn đam mê mà còn góp phần giữ gìn nghề truyền thống của người Hà Lăng.
Mê đan lát từ nhỏ, ông A Thiu học hỏi rồi thành thục kỹ thuật đan, tạo ra những vật dụng dùng trong sinh hoạt hằng ngày từ vật liệu tre, nứa, lồ ô. Trong đó, chiếc gùi có hoa văn, còn gọi là gùi Hnom do ông làm ra được bà con ở thôn yêu thích bởi nó thể hiện sự khéo léo, tỉ mẩn của người đan. Để làm ra chiếc gùi này, ông phải vào rừng, tự tay tìm nguyên liệu. Những cây lồ ô, tre, nứa dùng đan không được non quá hay già quá mà phải vừa tuổi.
Để đan hoa văn trên thân gùi Hnom, ông A Thiu vót, chuốt rất tỉ mỉ các sợi nan sao cho đều, đẹp rồi cẩn thận nhuộm từng sợi trước khi đan. Khi đan ông phải tính toán, sắp xếp hợp lý các sợi màu để tạo ra những hoa văn độc đáo. Kỳ công như vậy nên mỗi chiếc gùi Hnom, ông phải mất từ 7 - 10 ngày mới xong.
Ngày nay, dù các vật dụng tiện lợi bằng nhựa và các sản phẩm công nghiệp rất nhiều nhưng ông A Thiu vẫn kiên trì với nghề đan lát, hằng ngày vẫn chăm chỉ, tỉ mẩn với công việc của mình. Bà con trong thôn cũng rất thích những đồ đan lát do ông làm ra.
Theo nghệ nhân A Thiu, giờ còn rất ít người biết và duy trì đan lát. Để hoàn thành một sản phẩm đan lát cần rất nhiều thời gian và công sức lắm, vì vậy, hiện nay người trẻ cũng không mấy mặn mà như thời của ông ngày xưa. Để lưu giữ nghề đan lát người Hà Lăng, ông vẫn thường xuyên nhắc nhở cho bà con về ý nghĩa nghề đan lát truyền thống trong các buổi sinh hoạt của thôn.
Bà Y Chít- Phó Chủ tịch UBND xã Rờ Kơi cho biết: Thời gian qua, xã đã quan tâm, hỗ trợ việc giữ gìn và khôi phục nghề truyền thống của người Hà Lăng trên địa bàn. Bằng tình yêu và niềm tự hào về nét đẹp của nghề truyền thống, những nghệ nhân đi trước nỗ lực “giữ lửa” và lớp con cháu sẵn sàng “tiếp lửa” để gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc.
Mai Vàng