Giữ nghề dệt truyền thống của người Ba Na
Nhằm giữ gìn văn hóa truyền thống của người Ba Na, trong đó có nghề dệt thổ cẩm, năm 2023, anh Huỳnh Nguyên Thông ở Làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu, xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum đã thành lập cơ sở dệt thủ công truyền thống, tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ người dân và du khách.
|
Lớn lên trên mảnh đất Kon Tum, anh Huỳnh Nguyên Thông thuộc thế hệ 8X có niềm đam mê đặc biệt với thổ cẩm của người DTTS, trong đó, anh rất ấn tượng với thổ cẩm của người Ba Na. Chính vì vậy, anh đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, sưu tầm phát triển thổ cẩm của người Ba Na. Đặc biệt, anh đã nỗ lực khôi phục lại nguyên liệu dệt có nguồn gốc từ tự nhiên. Cơ sở dệt thủ công truyền thống của anh có tên gọi là Thông Ba Nar.
Anh Huỳnh Nguyên Thông đã dành hơn 5 năm sưu tầm những mẫu hoa văn đặc trưng của người Ba Na, sau đó liên kết với các nghệ nhân dệt lại để làm mẫu. “Cách dệt của người Ba Na gọi là kiểu dệt hoa văn Inkle, hiện nay không còn nhiều người biết. Tôi và một số người già ở đây có thể dệt được theo cách đó, tạo ra những dòng hoa văn rất khác biệt, có thể gọi đó là hoa văn Bngai, tức là hoa văn hình người. Đây chính là hoa văn khác biệt với các dân tộc khác ở Tây Nguyên”- anh Huỳnh Nguyên Thông chia sẻ.
Nghệ nhân Y Nhẻo (làng Kon Kơ Tu, xã Đăk Rơ Wa)- một trong những nghệ nhân dệt các sản phẩm thổ cẩm thủ công tại cơ sở Thông Ba Nar cho biết, khi còn trẻ bà thường xuyên kéo bông gòn làm sợi dệt. Khoảng 40 năm nay, bà không còn quay sợi nữa mà chuyển sang dệt sợi công nghiệp. Từ năm 2023 đến nay, anh Huỳnh Nguyên Thông yêu cầu dệt sợi từ nguyên liệu truyền thống nên bà mới quay sợi từ cây bông trở lại.
|
Theo nghệ nhân Y Nhẻo, kéo sợi là một trong những công đoạn quan trọng tạo nên sản phẩm thổ cẩm. Tuy nhiên, hiện nay những người biết kéo sợi như bà không còn nhiều. Để làm được một tấm thổ cẩm phải trải qua nhiều công đoạn như lấy bông, se sợi, nhuộm sợi, mỗi công đoạn đều cần sự tỉ mỉ và khéo léo. Người Ba Na thường dùng các loại vỏ, lá, rễ, mủ hoặc lá của các loại cây rừng để nhuộm màu. “Muốn làm màu đen thì lấy lá gun trộn với bùn, muốn màu xanh thì nhuộm lá dứa, muốn màu vàng thì nhuộm với trái cari” - nghệ nhân Y Nhẻo nói.
Năm nay 70 tuổi, nghệ nhân Y Yin (làng Kon Kơ Tu, xã Đăk Rơ Wa) rất thích dệt thổ cẩm từ nguyên liệu truyền thống. Bà biết dệt từ năm 12 tuổi, đến năm 15 tuổi có thể tự làm sợi dệt từ nguyên liệu truyền thống. Khi được anh Huỳnh Nguyên Thông mời đến để dệt từ nguyên liệu truyền thống, bà rất vui. Công việc không chỉ giúp bà có thêm thu nhập mà còn là cơ hội để bà truyền dạy cho thế hệ trẻ biết cách quay sợi, nấu sợi, nhuộm sợi, tạo ra nguyên liệu dệt nên những tấm thổ cẩm truyền thống.
“Dệt là cách để mình giữ nghề truyền thống của dân tộc. Khi những người già như mình không còn nữa, các cháu phải biết để tiếp tục gìn giữ truyền thống”- nghệ nhân Y Yin chia sẻ.
Cơ sở dệt tay thủ công truyền thống của anh Huỳnh Nguyên Thông nằm cạnh nhà rông thôn Kon Kơ Tu, xã Đăk Rơ Wa. Trong không gian khoảng 30m2, anh trưng bày các nguyên liệu làm nên sợi dệt tự nhiên, có cả khung kéo sợi và khung dệt cổ. Nhằm đưa thổ cẩm Tây Nguyên đến gần với công chúng, cơ sở Thông Ba Nar đã tổ chức workshop để tập dệt cho những người có nhu cầu, đồng thời giới thiệu sản phẩm được làm từ nguyên liệu thổ cẩm. Hiện nay cơ sở có khá nhiều sản phẩm được thiết kế gắn liền với thổ cẩm của người Ba Na, gồm các mẫu áo dài nam, nữ, túi xách, đồ nội thất, giày dép.
Nghề dệt thổ cẩm đã có từ lâu đời, gắn liền với đời sống của người Ba Na trên địa bàn tỉnh. Trước nguy cơ bị mai một, những năm qua, ngành chức năng, chính quyền địa phương, nghệ nhân và những người đam mê thổ cẩm như anh Huỳnh Nguyên Thông đã và đang nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống nghề dệt thổ cẩm của người Ba Na.
Thanh Tùng