Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị
Sáng 18/5, tại Hội trường Diên Hồng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
|
Dự Hội nghị có các đồng chí: Lương Cường - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; các đồng chí Ủy viên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương.
|
|
|
Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có các đồng chí: Dương Văn Trang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Ngọc Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; nguyên lãnh đạo các cơ quan Trung ương, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghỉ hưu trên địa bàn; lãnh đạo các sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể, cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày chuyên đề về những nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 68-NQ/TW và kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trình bày chuyên đề liên quan đến Nghị quyết số 66-NQ/TW và kế hoạch triển khai thực hiện.
Nghị quyết số 68-NQ/TW xác định mục tiêu đến năm 2030, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị và các chủ trương, đường lối khác của Đảng. Phấn đấu có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, 20 doanh nghiệp hoạt động/nghìn dân. Có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng bình quân của kinh tế tư nhân đạt khoảng 10-12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; đóng góp khoảng 55-58% GDP, khoảng 35-40% tổng thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho khoảng 84-85% tổng số lao động; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 8,5-9,5%/năm. Trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thuộc nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN và nhóm 5 nước đứng đầu khu vực châu Á.
Nghị quyết số 66-NQ/TW xác định mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam có hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi với cơ chế tổ chức thực hiện nghiêm minh, nhất quán, bảo đảm cơ sở pháp lý cho hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt của các cơ quan sau sắp xếp tổ chức bộ máy, tháo gỡ vướng mắc phát sinh từ thực tiễn, mở đường cho kiến tạo phát triển, huy động mọi người dân và doanh nghiệp tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội để đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Năm 2025, cơ bản hoàn thành việc tháo gỡ những "điểm nghẽn" do quy định pháp luật. Năm 2027, hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản pháp luật bảo đảm cơ sở pháp lý đồng bộ cho hoạt động của bộ máy nhà nước theo mô hình chính quyền 3 cấp. Năm 2028, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh, góp phần đưa môi trường đầu tư của Việt Nam nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, việc ban hành và triển khai thực hiện Nghị quyết 68 và Nghị quyết 66 thể hiện quyết tâm của Đảng trong việc tạo ra đột phá về thể chế và động lực phát triển mới. Cùng với Nghị quyết 57 và Nghị quyết 59, 2 nghị quyết lần này hợp thành “bộ tứ trụ cột” cho giai đoạn phát triển mới của đất nước. Mỗi nghị quyết tập trung vào một lĩnh vực trọng yếu, nhưng có mối liên kết chặt chẽ, bổ trợ lẫn nhau và cần được triển khai đồng bộ, hiệu quả.
Tổng Bí thư đề nghị toàn hệ thống chính trị khẩn trương thực hiện 8 nhiệm vụ trọng tâm để triển khai hiệu quả các nghị quyết, gồm: Hoàn thiện chương trình hành động quốc gia thực hiện 4 nghị quyết, bảo đảm gắn kết chặt chẽ, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, lộ trình và phân công cụ thể; rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật, ưu tiên các quy định liên quan đến quyền sở hữu, tự do kinh doanh, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế; khởi động các chương trình quốc gia về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đàm phán, thực thi hiệu quả các FTA thế hệ mới, đặc biệt là với Hoa Kỳ; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân phát triển; kiện toàn bộ máy chỉ đạo, thực hiện nghị quyết đồng bộ từ Trung ương đến địa phương; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là cán bộ trẻ có tư duy đổi mới, năng lực số và khả năng thích ứng toàn cầu; đẩy mạnh truyền thông, tạo đồng thuận xã hội trong triển khai nghị quyết.
Tổng Bí thư kêu gọi, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình; chủ động, sáng tạo, đoàn kết thi đua yêu nước, quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống nhân dân, làm cho nhân dân có đời sống thực sự ngày một tốt hơn. Mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân Việt Nam phải trở thành chiến sĩ tiên phong trên mặt trận phát triển đất nước. Lãnh đạo các cấp, từ Trung ương đến địa phương, phải gương mẫu, tiên phong trong đổi mới tư duy và hành động; dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích quốc gia, thậm chí dám hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung. Người dân và doanh nghiệp cần được xác định là trung tâm và chủ thể sáng tạo trong phát triển.
Đồng thời, Tổng Bí thư kêu gọi toàn hệ thống chính trị thắp lên ngọn lửa Đổi mới – Khát vọng – Hành động, vì một Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh, hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu vào năm 2045.
Y Đô