Những kết quả bước đầu trong phổ biến giáo dục pháp luật ở Đăk Nhoong
Ông Nguyễn Ba - Bí thư Đảng ủy xã Đăk Nhoong: Thực hiện đề án, giúp cán bộ và nhân dân địa phương nâng cao nhận thức về pháp luật, nhất là những nội dung pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của từng người dân và cộng đồng dân cư trên địa bàn.
Năm 2013, xã Đăk Nhoong (huyện Đăk Glei) được chọn là 1 trong 10 xã điểm của cả nước thực hiện Đề án “Tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2013- 2016” của Chính phủ. Sau gần 1 năm triển khai, bước đầu đã thu được những kết quả đáng ghi nhận…
Dưới sự chỉ đạo sâu sát của Ban chỉ đạo cấp tỉnh, Ban chỉ huy Đồn Biên phòng Đăk Nhoong đã tham mưu và cùng cấp ủy, chính quyền địa phương quán triệt, nắm vững nội dung, chương trình, kế hoạch, mục đích, yêu cầu của Đề án; kịp thời bổ sung nội dung thực hiện Đề án vào Nghị quyết lãnh đạo của Chi bộ đơn vị và của Đảng ủy xã; tổ chức Hội nghị quán triệt đến cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị và cán bộ địa phương hiểu rõ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới nói riêng, từ đó có nhận thức đầy đủ và nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực hiện Đề án; thành lập Tổ giúp việc, Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý tại Đồn Biên phòng và xã Đăk Nhoong.
|
Các nội dung quan trọng trong Đề án được quan tâm hoàn chỉnh trước như ngăn sách, tủ sách pháp luật, cụm loa truyền thanh, biên soạn chuyên đề pháp luật, công tác lựa chọn đội ngũ báo cáo viên…
Từ điều kiện thực tế ở cơ sở, Tổ giúp việc đã xây dựng tại Đồn biên phòng Đăk Nhoong một ngăn sách pháp luật với hơn 50 đầu sách, tại xã một tủ sách pháp luật với hơn 100 đầu sách, trong đó tập trung vào các đầu sách pháp luật, nhằm phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ, nhân dân địa phương và cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị.
Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu của nhân dân và yêu cầu của địa phương, đơn vị, Tổ giúp việc và Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý đã tiến hành biên soạn 8 nội dung chuyên đề để tuyên truyền như: Hiến pháp 2013, Luật Giao thông đường bộ, Luật Khoáng sản, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Biên giới quốc gia, Luật Đất đai, Luật Giáo dục Quốc phòng, Nghị định 34 của Chính phủ.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cũng từ đó đã đi vào nề nếp. Từ đầu tháng 6 đến nay, đơn vị và địa phương đã phối hợp tổ chức 11đợt tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn với hơn 2.508 lượt người dân và cán bộ, chiến sĩ tham gia. Việc tuyên truyền được lồng ghép vào các buổi sinh hoạt thôn, sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt đoàn thể hàng tháng hoặc các buổi sinh hoạt văn hóa văn nghệ nhân các dịp lễ, kỷ niệm.
Không chỉ vậy, hàng tuần, đội ngũ tuyên truyền viên, gồm cán bộ xã và cán bộ đội công tác của Đồn Biên phòng còn trực tiếp xuống các thôn, làng phối hợp với thôn trưởng, già làng, người có uy tín thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tới tận nhà dân. Nội dung tuyên truyền được soạn thảo ngắn gọn, theo dạng hỏi, đáp, liên quan trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
Chia sẻ với chúng tôi, ông A Nhông- trưởng thôn Đăk Ga (xã Đăk Nhoong) cho biết: Mình làm cán bộ thôn, nhưng trước đây mình nắm pháp luật không chắc, nhiều khi giải quyết công việc trong thôn cứ quen theo “lệ làng”, không theo quy định luật pháp. Từ ngày triển khai Đề án, mình được đi tập huấn, được hướng dẫn nhiều về các luật có liên quan đến đời sống như Luật Giao thông, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân, Luật Biên giới quốc gia… nên bây giờ mình đã hiểu biết thêm rất nhiều. Không chỉ vậy, mình còn tham gia để tuyên truyền, giáo dục dân làng nâng cao hiểu biết về pháp luật…
Ông Nguyễn Ba - Bí thư Đảng ủy xã Đăk Nhoong cho biết: Từ thực tế công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được triển khai ở xã Đăk Nhoong cũng như kết quả đạt được, chúng tôi thấy được sự cần thiết của Đề án. Thực hiện đề án, giúp cán bộ và nhân dân địa phương nâng cao nhận thức về pháp luật, nhất là những nội dung pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của từng người dân và cộng đồng dân cư trên địa bàn. Từ đó cán bộ và nhân dân đã có nhiều thay đổi tích cực về ý thức chấp hành pháp luật, hạn chế đến mức thấp nhất các vi phạm do thiếu kiến thức pháp luật.
Còn ông A Phương- Phó chủ tịch UBND huyện Đăk Glei đánh giá: Việc triển khai Đề án tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ và nhân dân vùng biên giới là hết sức cần thiết. Càng ở địa bàn biên giới, cán bộ và nhân dân càng cần am hiểu các nội dung liên quan đến pháp luật. Tôi cho rằng, mặc dù thời gian thực hiện Đề án còn ngắn, không tránh khỏi những vướng mắc nhưng bước đầu đã thu được những kết quả đáng ghi nhận...
Xuân Hoàng