“Phạt nặng mới nhớ lâu”
Theo Nghị định 168/NĐ-CP, từ ngày 1/1/2025, nhiều hành vi vi phạm có mức xử phạt vi phạm hành chính tăng rất cao so với trước đây, như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều.
Khoảng 17h30, anh T. thất thểu chạy xe về nhà. Mọi khi, vừa dựng xe là anh lại tất bật với vườn rau, đàn gà, nhưng hôm nay, anh đi thẳng vào phòng, nằm vật xuống giường.
Vợ con không hiểu chuyện gì, hốt hoảng chạy vào gạn hỏi. Mãi rồi anh mới ấp úng nói vừa bị phạt vì chạy xe máy vượt đèn đỏ.
“Chỗ tôi làm gần ngã tư có tín hiệu đèn giao thông, mọi khi vẫn liều, cứ lên xe là chạy qua đường, không quan sát tín hiệu đèn. Hôm nay chạy theo thói quen, nhưng bị công an dừng xe, lập biên bản về hành vi "không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông". Theo quy định mới, tôi bị phạt tiền 5 triệu đồng, còn bị trừ điểm trên giấy phép lái xe nữa”- anh kể.
Chị vợ lặng người. Phạt như thế thì gần hết thu nhập cả tháng làm phụ hồ của anh rồi còn gì. Biết rằng anh vi phạm bị phạt là đúng, nhưng xót qua, ảnh hưởng đến cuộc sống cả nhà chứ chẳng chơi.
Nhìn vợ thất thần, anh T. an ủi: Thôi, cũng là bài học đắt giá. Phạt nặng như thế thì nhớ mãi, chừa đến già không vi phạm nữa.
|
Không phải là trước đây anh từng bị phạt một lần sao, chỉ có 800 nghìn thôi? Lên 5 triệu từ khi nào vậy? Chị vợ thắc mắc.
Anh T. gượng cười: Mấy anh công an giải thích là mức phạt tăng từ ngày 1/1/2025, theo nghị định mới của Chính phủ. Cũng do mình không chịu tìm hiểu thôi.
Sau đó, chuyện của anh T cũng được mọi người trong xóm chia sẻ, lấy đó làm bài học kinh nghiệm cho mình. Mọi người đều cho rằng, dù vô tình hay cố ý thì hành vi vượt đèn đỏ không chỉ vi phạm luật giao thông mà còn gây nguy hiểm có thể dẫn đến tai nạn.
Cũng không thể tìm lý do này lý do khác để biện minh cho hành vi này được. Vi phạm là vi phạm, phải bị xử lý. Xử phạt nặng mới nhớ lâu, mới có thể nâng cao ý thức chấp hành, góp phần hình thành văn hóa giao thông được.
Bản thân anh T. cũng nghĩ như vậy!
Vì đặc thù nghề nghiệp, tôi quan tâm hơn và có hiểu biết nhất định về vấn đề này so với mọi người, nên “xung phong” giải thích thêm.
Để đảm bảo triển khai thi hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 168/2024/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, thay thế Nghị định 100/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại nghị định 123/NĐ-CP). Trong đó, nhiều hành vi vi phạm có mức xử phạt vi phạm hành chính tăng rất cao so với trước đây, như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều.
Cụ thể: Người điều khiển xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ và các loại xe tương tự xe ô tô không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông sẽ bị phạt từ 18-20 triệu đồng (quy định cũ phạt tiền từ 4 - 6 triệu đồng).
Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; sẽ bị phạt tiền từ 4-6 triệu đồng (quy định cũ phạt từ 800 nghìn - 1 triệu đồng).
|
Chia sẻ với tôi, anh N.V.S (nhân viên văn phòng) bày tỏ sự đồng tình về việc xử lý mạnh tay với các hành vi vi phạm giao thông của lực lượng chức năng.
Tôi thấy việc tăng mức xử phạt, để răn đe với các hành vi vi phạm là cần thiết. Cứ mỗi lần nghĩ đến mức phạt, nghĩ đến miếng cơm manh áo thì bất cứ ai đều phải cẩn thận khi tham gia giao thông, từ đó tự giác tuân thủ pháp luật. Việc này cũng tạo ra một văn hóa tham gia giao thông tốt hơn- anh S. nhận định.
Tuy nhiên, theo anh S., đây là quy định mới, mức phạt mới, khó tránh khỏi gây “sốc” cho người vi phạm. Vì vậy, lực lượng chức năng không chỉ dừng lại ở việc kiểm tra, xử phạt, mà còn nên tập trung vào giáo dục, tuyên truyền kiến thức an toàn giao thông; làm kiên trì, lâu dài, giống như xử lý lỗi nồng độ cồn vậy.
Tôi chưa có số liệu thống kê về số vụ vượt đèn đỏ hay chạy ngược chiều bị lực lượng chức năng xử lý trong mấy ngày đầu áp dụng Nghị định 168, nhưng theo quan sát, đa số người dân đã chấp hành nghiêm túc luật giao thông đường bộ, đặc biệt là dừng chờ đèn đỏ.
Thực tế này khác nhiều so với trước khi Nghị định 168 có hiệu lực. Khi ấy, chỉ cần đứng ở bất cứ ngã tư nào có đèn tín hiệu giao thông sẽ thấy một thực tế đáng phiền lòng là rất nhiều người tham gia giao thông “vô tư” vượt đèn đỏ.
Lẽ dĩ nhiên, khi áp dụng mức phạt mới không thể tránh khỏi những dư luận trái chiều, tuy nhiên, đại đa số ý kiến ghi nhận được đều cho rằng điều này là rất cần thiết để lập lại trật tự, văn hóa giao thông.
Anh T.V.M (công chức) phân tích: Cũng giống như quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông vậy. Ban đầu cũng có những ý kiến phản đối, nhưng thực tế đã chứng minh, đây là quyết định đúng đắn, được đông đảo các tầng lớp nhân dân ủng hộ.
Việc thực hiện Nghị định 168 cũng vậy. Chắc hắn rằng, chế tài mạnh và sự nghiêm minh trong chấp pháp sẽ đem lại hiệu quả rõ rệt.
Hồng Lam