8 anh em mồ côi cần lắm sự sẻ chia
Từ khi cha mẹ mất, A Xương (25 tuổi, ở thôn Kon Pao Kơ La, xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà) đã gồng gánh nuôi 7 đứa em thơ.
Chúng tôi tìm đến căn nhà lụp xụp ở thôn Kon Pao Kơ La - nơi sinh sống của 8 anh em mồ côi. Ngồi bên cửa nhà, A Xương kể, cách đây 3 năm, trong lúc đi soi ếch ngoài ruộng, người cha không may bị rắn cắn rồi qua đời. Cùng thời điểm đó, người mẹ cũng phát hiện bị bệnh gan và không thể đi làm. Thế là mọi gánh nặng đều dồn hết lên vai A Xương khi các em đang trong tuổi ăn, tuổi học. Bao lo toan, tính toán để chạy từng bữa ăn, lo từng cây bút cuốn vở cho các em đều do đôi vai anh gánh lấy.
|
Vì những đứa em thơ và người mẹ đang bị bệnh, A Xương ngày ngày đi làm thuê đủ thứ việc, từ làm cỏ mì đến hái cà phê, miễn sao có tiền. Tuy nhiên, số tiền làm thuê cũng không đủ để A Xương lo thuốc thang cho mẹ và các em ăn học. Với mong muốn cuộc sống đỡ khổ, năm 2020, A Xương quyết định vào tỉnh Bình Dương để làm công nhân cho trang trại nuôi heo với mức lương 6 triệu đồng/tháng.
“Khi tìm được công việc ở Bình Dương, tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì có tiền để gửi về nhà mua thuốc cho mẹ và chăm các em, lo vì không biết những đứa em ở nhà ăn uống và đi học đầy đủ không. Thời điểm đó, tâm trí của tôi chỉ nghĩ tới việc cố gắng làm việc thật tốt để các em ở nhà có cái ăn cái mặc”- A Xương bộc bạch.
Sau 3 năm bị dày vò vì bệnh gan quái ác, tháng 9/2023, người mẹ của A Xương qua đời, 8 anh em nhà A Xương thành trẻ mồ côi. Sau khi mẹ mất, A Xương trở về nhà thay cha, mẹ để chăm 7 đứa em. Trước đây, A Xương đi làm công nhân còn có tiền gửi về nhà từ 3-4 triệu đồng/tháng. Nhưng nay A Xương nghỉ làm thì tiền trang trải cuộc sống chỉ trông chờ vào 3 sào mì ở sườn đồi, mỗi năm cũng chỉ thu được khoảng 10 triệu đồng. Những lúc không có tiền mua đồ ăn, A Xương phải ra quán tạp hóa gần nhà mua nợ, có ngày phải xin gạo của hàng xóm cho các em.
|
Được biết, A Xương có 9 người em, nhưng 2 em gái đã lập gia đình và ở riêng. 7 em còn lại, có 2 em đã nghỉ học và 5 em đang đi học; em nhỏ nhất cũng đang học mẫu giáo. Do quá khó khăn, 2 đứa em là Y Thảo (14 tuổi) và A Xuân (5 tuổi) được Mái ấm Cô nhi Vinh Sơn (thành phố Kon Tum) nhận nuôi.
Cũng giống như anh A Xương, do cuộc sống khó khăn em Y Thin (18 tuổi) đã nghỉ học từ năm lớp 9. Giờ đây, Y Thin đã thay mẹ làm tất cả, lo cho các em từ miếng ăn, giấc ngủ đến việc mặc áo quần, thắt khăn quàng cho các em đi học.
Vào những buổi sáng, Y Thin cũng vác cuốc đi theo anh, ai thuê gì thì làm nấy. Từ cuốc đất trồng mì, xuống ruộng cấy lúa, phun thuốc sâu, việc gì Y Thin cũng làm để mong có tiền mua gạo về nhà nuôi các em. Chiều tối, tranh thủ thời gian, Y Thin lại vào rừng tìm măng, lấy củi bán kiếm tiền ăn học cho các em. Khi mùa gặt xong, Y Thin cùng các em cầm túi đi mót từng hạt lúa còn sót lại, cứ như thế, mùa khoai mót khoai, mùa mì mót mì, ai cho gì, anh em ăn cái đó.
Khi được hỏi về chuyện học hành của các em, trên nét mặt Y Thin và A Xương không giấu nổi nét thoáng buồn. Tuy nhiên, do nhận thức được tầm quan trọng của việc học, đồng thời được sự động viên hỗ trợ của chính quyền địa phương, A Xương và Y Thin vẫn tích cực, chăm chỉ lao động để kiếm tiền, quyết tâm cho 3 đứa em của mình theo học đến nơi đến chốn. Hằng ngày, những đứa em của A Xương, Y Thin phải đi bộ gần 20 phút đến trường bên kia sông. Hôm nào rảnh, Xương tranh thủ chạy xe máy chở các em đi, còn không, các em lại đội nắng, đội mưa tự đi học. A Xương luôn động viên các em cố gắng học chữ để mai sau, cuộc sống đỡ khó khăn. Thương anh, chị những đứa trẻ đều ngoan ngoãn và cố gắng học tập.
Ông Hà Đức Mỹ - Chủ tịch UBND xã Đăk Pxi cho biết, gia đình A Xương là trường hợp đặc biệt khó khăn của xã. Chính vì vậy, chính quyền địa phương thường xuyên thăm hỏi, động viên và đặc biệt quan tâm đến gia đình; kêu gọi các nhà hảo tâm, doanh nghiệp giúp đỡ để gia đình vơi bớt khó khăn, tuy nhiên cũng chỉ giải quyết được tạm thời. Thời gian tới, rất mong nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các nhà hảo tâm để 8 anh em A Xương vượt qua khó khăn.
Nay Săt