Ðưa các sản phẩm sản xuất trong tỉnh đến người tiêu dùng
Trong những năm qua, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”(viết tắt là Cuộc vận động) tỉnh chỉ đạo Sở Công thương phối hợp với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, sản xuất và tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh nâng cao trách nhiệm trong việc cung cấp các sản phẩm sản xuất trong tỉnh và trong nước đến với người tiêu dùng đảm bảo chất lượng.
Ông Trần Lạc- Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh cho biết, từ năm 2023 đến nay, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh tiếp tục giao Sở Công thương tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, kết nối giao thương giữa nhà sản xuất và các siêu thị, nhà phân phối, nhằm giới thiệu, kết nối việc cung ứng các sản phẩm của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, sản xuất và tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh. Theo đó, bước đầu định hướng cho người sản xuất biết được điều kiện cần thiết và đủ để đưa hàng hóa vào các siêu thị kinh doanh, ngược lại các siêu thị tạo điều kiện về pháp lý và mặt bằng để kinh doanh sản phẩm, góp phần quảng bá, tạo đầu ra cho các sản phẩm dược liệu và nông sản tỉnh.
|
Sở Công thương tích cực phối hợp với các ngành, các cấp, các đơn vị của tỉnh tổ chức tuyên truyền các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, nhằm tăng thị phần hàng Việt; xây dựng phương án dự trữ hàng hóa thiết yếu bình ổn thị trường hàng hóa trong mùa mưa bão và dịp Tết Nguyên đán. Đồng thời, cùng với các doanh nghiệp tham gia các hội nghị trực tiếp và trực tuyến về kết nối tiêu thụ sản phẩm với các tỉnh, thành, các siêu thị, nhà phân phối lớn, nhằm hỗ trợ đưa hàng hóa của tỉnh vào tiêu thụ tại thị trường trong nước. Bên cạnh đó, phối hợp với Cục Quản lý thị trường tập trung đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nhằm xây dựng văn hoá, thói quen tiêu dùng hàng Việt; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với các đối tượng có hành vi lợi dụng chính sách ưu đãi, khuyến khích tiêu dùng hàng Việt của nhà nước để trục lợi, kinh doanh, mua bán hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, hàng quá hạn sử dụng…
Chỉ đạo Trung tâm Khuyến công-Xúc tiến thương mại phối hợp với chính quyền các cấp tổ chức 13 đợt đưa hàng Việt về nông thôn. Thông qua đó, các doanh nghiệp cung cấp cho nhân dân những mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu đời sống cơ bản, thu hút gần 1.000 người dân hưởng ứng mua sắm, với tổng doanh số trên 470 triệu đồng, hoàn thành 100% kế hoạch đề ra. Các mặt hàng hóa đưa về nông thôn rất phong phú và đa dạng, ngoài những mặt hàng thực phẩm công nghệ, còn có thêm đồ điện gia dụng, thực phẩm ăn liền.
Hằng năm, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Công thương phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh và huyện thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, duy trì các tổ đội quản lý thị trường tăng cường làm tốt công tác kiểm tra nắm tình hình, thu thập và xử lý thông tin về hoạt động buôn lậu, kiểm soát thị trường. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực chủ yếu như: Kiểm tra, đấu tranh chống kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu; sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng; xử lý việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; hoạt động kinh doanh xăng dầu; sản xuất kinh doanh vật tự nông nghiệp; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; phát hiện và xử lý việc lưu hành các sản phẩm văn hóa độc hại nên các huyện, thành phố làm tốt công tác quản lý thị trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng khi mua sắm hàng Việt.
|
Các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, sản xuất và tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh ký kết hợp đồng tiêu thụ một số sản phẩm hàng hoá với Siêu thị Co.op Mart Kon Tum. Trong đó, có các sản phẩm nông nghiệp (như bơ, dưa hấu, bí đỏ), sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu vào tiêu thụ, như đương quy, hồng đẳng sâm, hạt mắc ca, mít sấy, chuối sấy, trà xanh dây ô long, trà xanh dây hoa cúc, trà sâm dây Ngọc Linh, nước tăng lực sâm Ngọc Linh K5, nước tăng lực sâm mật ong Ngọc Linh K5, trà xanh dây Ngọc Linh Đăk Tô, trà khổ qua rừng Ngọc Linh Đăk Tô, thịt heo, thịt gà, rau muống, rau cải, dưa leo, dưa lưới. Riêng Siêu thị Big C Miền Trung ký kết hợp đồng tiêu thụ một số sản phẩm như bắp cải, cà rốt, dâu tây, cà chua của huyện Kon Plông.
Ngoài ra, Sở Công thương còn tăng cường kết nối giao thương với các nhà cung ứng và đơn vị tiêu thụ các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng của tỉnh như cà phê, yến, trà các loại, rượu các loại, các loại dược liệu và các sản phẩm chế biến từ dược liệu như sâm dây, khổ qua rừng, sơn tra, măng khô vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng OCOP tại một số tỉnh, thành trong nước.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Trần Lạc khẳng định, việc tổ chức thực hiện Cuộc vận động được triển khai đến các tầng lớp nhân dân thông qua Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội. Qua đó, làm chuyển biến nhận thức, tính tự giác của các cấp, các ngành và nhận được sự hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân; khơi dậy ý thức tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, thể hiện lòng yêu nước của mỗi người dân. Người tiêu dùng quan tâm mua sắm các mặt hàng sản xuất trong tỉnh, trong nước. Các doanh nghiệp, đơn vị kinh tế nỗ lực cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện khả năng cạnh tranh của các loại hàng hoá, dịch vụ ở thị trường trong tỉnh và khu vực.
Trần Văn Phúc