Tràn lan quần áo trẻ em nhãn mác Trung Quốc
Gần đây, một số cơ quan thông tin đại chúng cảnh báo về sản phẩm quần áo trẻ em có xuất xứ từ Trung Quốc có hàm lượng formaldehyde (chất có nguy cơ gây ung thư) cao quá mức cho phép, ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. Thế nhưng tại không ít cửa hàng, các chợ trên địa bàn tỉnh Kon Tum vẫn bày bán tràn lan quần áo trẻ em có xuất xứ “Made in China” (Trung Quốc)...
Đã lâu rồi mới có dịp dẫn con gái đi chợ mua sắm quần áo, nhờ vậy tôi nhận ra để chọn mua được bộ quần áo cho trẻ mà bản thân người mua ưng ý, có xuất xứ trong nước là việc không hề dễ dàng.
Chiều hôm đó, tôi đón con gái tan trường về và tìm cửa hàng quần áo để mua cho con gái. Đi dọc một số tuyến đường, góc phố chuyên kinh doanh quần áo thời trang gần khu trung tâm thương mại thành phố Kon Tum như: Ngô Quyền, Hoàng Văn Thụ, Lê Hồng Phong, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Đình Chiểu…, nơi đâu tôi cũng thấy tràn ngập những mặt hàng quần áo trẻ em các loại. Thậm chí quần áo được đổ đống, bày ra vỉa hè, dưới lòng đường với đủ màu, kiểu dáng với nhiều mức giá khác nhau.
Khi tôi hỏi mua quần áo trẻ em sản xuất trong nước, một chị bán hàng trên đường Ngô Quyền giới thiệu sản phẩm của cửa hàng là “Hàng Việt Nam chất lượng cao” và bảo tôi cứ an tâm.
|
Sau một hồi vào chọn lựa, cuối cùng tôi chọn được bộ quần áo ưng ý cho con gái, nhưng nhìn kỹ mới phát hiện phía bên trong bộ quần áo có dán kèm nhãn chữ Trung Quốc. Tôi thắc mắc vì sao nói cửa hàng bán “hàng Việt Nam chất lượng cao” nhưng lại có chữ Trung Quốc may kèm bên trong thì người bán hàng “vô tư khẳng định” đây chính là quần áo của Việt Nam, nhưng công nghệ sản xuất của Hàn Quốc, Hồng Kông chứ không phải chữ của Trung Quốc...
Tôi dạo quanh các shop quần áo trẻ em khác trên địa bàn thành phố Kon Tum, thì hầu hết các mặt hàng quần áo trẻ được bày bán đều có xuất xứ từ nước ngoài và chủ yếu là của Trung Quốc và giá bán không hề rẻ chút nào.
Qua khảo sát nhiều cửa hàng thời trang có kinh doanh quần áo trẻ trên địa bàn thành phố Kon Tum, để sở hữu bộ quần áo thời trang có xuất xứ từ Trung Quốc, màu sắc bắt mắt các bậc phụ huynh phải bỏ ra từ 100 - 200 ngàn đồng cho chiếc áo thun, áo sơ mi, áo khoác. Riêng quần Jean cho bé cũng có giá dao động từ 120 đến 350 ngàn đồng tùy theo dài ngắn, độ tuổi.
Ghé vào một shop chuyên kinh doanh hàng thời trang dành cho trẻ em nằm trên đường Hoàng Văn Thụ, tôi thật sự ngỡ ngàng vì hầu hết quần, áo trẻ em từ quần da, quần Jean, váy, áo thun, áo sơ mi, áo lạnh, áo đầm… được bày bán ở hàng này phần nhiều là các loại quần áo mang nhãn hiệu của Trung Quốc. Quần áo trẻ em sản xuất trong nước chỉ chiếm phần ít.
Chị Nguyễn Thị Cúc (ở phường Trần Hưng Đạo, thành phố Kon Tum) đang phân vân chựa chọn mua quần áo trẻ em cho biết: Tôi làm công nhân cho một công ty chuyên đóng và xuất khẩu dày dép có trụ sở đóng ở quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh. Lâu rồi tôi mới có dịp về thăm nhà, nhân tiện tôi dẫn hai đứa cháu gái 7 và 10 tuổi gọi bằng dì đi sắm quần áo cho các cháu. Thế nhưng, dạo quanh rất nhiều cửa hàng quần áo chuyên kinh doanh đồ trẻ em ở các phường nội thành Kon Tum, hầu như rất khó tìm thấy quần áo của trẻ em có xuất xứ trong nước ưng ý mà chỉ toàn thấy quần, áo trẻ em được bày bán tràn lan nhưng lại có nhãn mác in những dòng chữ Trung Quốc. Tôi từng nghe các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh quần áo có xuất xứ từ Trung Quốc được ngâm hóa chất độc hại có khả năng gây ung thư, ảnh hưởng sức khỏe người sử dụng… nhưng mặc hàng dệt may dành cho trẻ sản xuất trong nước được các cửa hàng bày bán quá ít nên khó lựa chọn. Vì vậy, sau một hồi loanh quanh rất nhiều cửa hàng quần áo, cuối cùng các cháu tôi đành chọn những bộ áo đầm, váy ưng ý mang nhãn hiệu của Trung Quốc.
Trước khi quyết định mua các bộ đầm, váy này, tôi cũng đã đưa các cháu vào Trung tâm thương mại Kon Tum để chọn lựa, nhiều người bán quần áo trẻ em nơi đây cho biết ở đây chuyên bán “hàng Việt Nam chất lượng cao” nhưng nhìn các loại quần áo trẻ em bày bán trong chợ hầu hết không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ mà sản phẩm lại quá đơn điệu, không bắt mắt, đường may không sắc sảo, quá sơ sài nên các cháu tôi không ưng ý…Chị Cúc cho biết thêm.
Không chỉ tại địa bàn thành phố Kon Tum, mà nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh Kon Tum cũng rơi vào cảnh tương tự. Khảo sát tại một số huyện, tình trạng quần áo trẻ em không nhãn mác hoặc mang nhãn mác Trung Quốc hoàn toàn chiếm ưu thế “áp đảo” tại các chợ.
Tại chợ Ya Xiêr (huyện Sa Thầy), một người bán hàng nhiệt tình giới thiệu: “Lựa vài bộ cho cháu nhỏ đi em, hàng mới về, màu sắc tươi và đủ loại, vải thun mịn và êm lắm. Lô này người nhà về thăm quê mới đem trực tiếp từ Hà Nội vào nên giá cả rất phải chăng”.
Chỉ tay vào bộ quần áo thun lửng có in hình búp bê barbie trước ngực dành cho bé khoảng 5 - 6 tuổi, người bán hàng ra giá 60 ngàn đồng/bộ, bộ đồ dài thì 80 ngàn đồng/bộ. Mặc dù được người bán hàng cho biết lô quần áo này được người nhà mới nhập trực tiếp từ Hà Nội về nhưng tôi nhìn thoáng qua thấy các nhãn mác đều có những dòng chữ Trung Quốc đính kèm phía trong quần áo còn nguyên.
Tại một số chợ tự phát hay tại các ngã ba, ngã tư ở nhiều địa phương, quần áo trẻ em không rõ nguồn gốc xuất xứ được đổ đống trên tấm bạt bán với giá rất bèo.
Cho dù quần áo Trung Quốc “có vấn đề” là vậy và đã được các chuyên gia cảnh báo, nhưng để tìm kiếm mặt hàng quần áo trẻ em có mẫu mã đẹp, giá cả ưng ý và được sản xuất trong nước mà các cửa hàng, các chợ trên địa bàn tỉnh bày bán là rất khó. Vì vậy, hầu hết người tiêu dùng vẫn lựa chọn hàng Trung Quốc nhằm thỏa mãn tính sở thích về mẫu mã mà “làm ngơ” những hậu quả về mặc sức khỏe có thể xảy ra với con em mình.
Thiết nghĩ, bên cạnh việc các cơ quan chức năng vào cuộc ngăn chặn những sản phẩm may mặc không đảm bảo chất lượng, có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng thì người dân hãy là “người tiêu dùng thông thái”.
Minh Quang