Tín hiệu vui từ “Điểm bán hàng Việt Nam”
Thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trong những năm qua, Sở Công thương phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan lựa chọn, xây dựng một số “Điểm bán hàng Việt Nam” với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”. Trong tháng 10, “Điểm bán hàng Việt Nam” thứ 3 được thành lập ở thị trấn Đăk Tô và nhận được sự ủng hộ lớn từ người dân.
Đến nay, tỉnh đã xây dựng được 3 “Điểm bán hàng Việt Nam” theo Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2015-2020. “Điểm bán hàng Việt Nam” đầu tiên đặt tại Siêu thị - nhà sách Hoàng Vũ (huyện Kon Plông), được đưa vào khai thác từ tháng 10/2016; điểm thứ hai đặt tại cửa hàng Comcome (số 348, đường Trần Hưng Đạo, thành phố Kon Tum) và tháng 10 vừa qua, Sở Công thương tiếp tục triển khai điểm bán hàng thứ 3 tại cửa hàng Comcome (số 11, đường Hùng Vương, thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô).
Đến tham quan, tìm hiểu “Điểm bán hàng Việt Nam” tại thị trấn Đăk Tô, chúng tôi nhận thấy cửa hàng có không gian rộng rãi, hàng hóa dồi dào, phong phú; khoảng 97% hàng hóa được bày bán tại cửa hàng đều được sản xuất trong nước, được trưng bày bắt mắt trên các kệ hàng. Các mặt hàng đều có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng, có dán tem, nhãn mác theo quy định; giá cả được niêm yết.
Chia sẻ với chúng tôi, chủ cửa hàng Nguyễn Thị Minh Hà (30 tuổi, ở thị trấn Đăk Tô) phấn khởi khoe: Từ ngày được Sở Công thương chọn đưa vào khai thác “Điểm bán hàng Việt Nam”, doanh thu cửa hàng tăng hơn so với trước đây. Biển giới thiệu “Điểm bán hàng Việt Nam” được đặt nổi bật trước cửa hàng đã thu hút không ít sự chú ý của người dân.
“Hàng hóa ở đây bán đúng giá, được niêm yết rõ ràng. Nếu mua sỉ, giá sẽ “mềm” hơn chút và nhận được các quà tặng đi kèm nên không ít chủ cửa hàng tạp hóa trên địa bàn huyện đã tới đây nhập hàng” – chị Hà cho biết thêm.
|
Là chủ cửa hàng tạp hóa ở thôn 3 (xã Tân Cảnh, thị trấn Đăk Tô), chị Đặng Thị Minh Thư cho biết: Tôi thường xuyên lấy hàng ở “Điểm bán hàng Việt Nam”. Bởi hàng hóa ở đây vừa đảm bảo về giá cả, vừa bảo đảm chất lượng và có nguồn gốc rõ ràng. Hơn nữa, nếu tôi mua số lượng nhiều sẽ được tính giá sỉ và còn được tặng quà khuyến mãi.
“Điểm bán hàng Việt Nam” không chỉ thu hút các chủ cửa hàng tạp hóa, mà những người dân mua lẻ cũng ưu tiên lựa chọn địa điểm này. Là khách “ruột” của cửa hàng, chị Nguyễn Thị Thu Hạnh (thị trấn Đăk Tô) chia sẻ: “Điểm bán hàng Việt Nam” không khác gì siêu thị mini với đủ chủng loại hàng hóa, giá cả rõ ràng. Bên cạnh hàng Việt, ở đây cũng bán một số hàng hóa nước ngoài như mì tôm, bim bim, bánh kẹo… tất cả đều có nhãn mác rõ ràng và có dán tem phụ bằng tiếng Việt nên chúng tôi rất yên tâm lựa chọn.
Cùng là điểm bán hàng Việt hoạt động gần 3 năm nay, cửa hàng Comcome đặt tại số 348 đường Trần Hưng Đạo (thành phố Kon Tum) đã trở thành nơi phân phối hàng Việt uy tín và có tác động tích cực đến thói quen mua hàng của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Chị Nguyễn Thúy Vương – chủ hệ thống cửa hàng này cho biết: Suốt 3 năm nay, cửa hàng đã trở thành nơi mua sắm quen thuộc người tiêu dùng. Năm 2019, cửa hàng vừa phát triển thêm một chi nhánh ở số nhà 319 đường Lê Hồng Phong (thành phố Kon Tum), tại đây, hàng Việt chiếm khoảng 95%. Cửa hàng không chỉ bán những mặt hàng thiết yếu mà còn trưng bày các đặc sản của địa phương, có thương hiệu rõ ràng như: Cà phê Sáu Nhung ở huyện Đăk Hà, trà sâm dây Ngọc Linh, trà khổ qua rừng DATO, nước sâm dây Ngọc Linh… để người tiêu dùng thoải mái lựa chọn.
Từ những “Điểm bán hàng Việt Nam” được đưa vào khai thác, có thể thấy mô hình này đã và đang tạo được kênh phân phối hàng Việt uy tín, tác động tích cực đến thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Hy vọng với những hiệu quả rõ rệt này, trong thời gian tới, các hộ kinh doanh, doanh nghiệp sẽ tích cực phối hợp, đồng hành với ngành Công thương trong việc nhân rộng mô hình tại các địa phương khác, vì lợi ích thiết thực của người tiêu dùng và các nhà sản xuất Việt Nam.
Văn Tùng