Tạo chỗ đứng cho hàng Việt tại chợ truyền thống
Sau 9 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hàng Việt đã từng bước khẳng định được chỗ đứng trên thị trường thông qua nhiều kênh mua sắm. Trong đó, “kênh” chợ truyền thống có vai trò quan trọng trong việc đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng. Vì vậy, để thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt, “kênh” bán hàng này cần được tận dụng và phát huy hơn nữa.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 27 chợ truyền thống. Chợ truyền thống đóng vai trò nhất định trong cuộc sống của nhiều người dân, nhất là người dân ở khu vực nông thôn. Không chỉ là mua bán hàng hoá, đi chợ còn là niềm vui đối với nhiều người, đặc biệt là chị em phụ nữ... Do đó, chợ vẫn là “kênh” mua bán hàng hóa quen thuộc, quan trọng với người tiêu dùng, cho dù hiện nay hệ thống các siêu thị và cửa hàng tiện ích ngày càng nhiều.
Những năm gần đây, hàng hoá tại các chợ truyền thống có những bước khởi sắc đáng kể và điều đặc biệt là hàng Việt từng bước tạo dựng chỗ đứng ở những nơi này. Hàng hoá tại các chợ đa dạng, phong phú hơn, giá cả ngày càng cạnh tranh hơn, nhất là với những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như: lương thực, thực phẩm, các sản phẩm may mặc, đồ gia dụng...
|
Thêm vào đó, đội ngũ tiểu thương có nhiều thay đổi trong chiến lược kinh doanh, chú trọng nhập và bán các mặt hàng Việt Nam có chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Chính vì thế đã tạo yên tâm và tin tưởng của người tiêu dùng khi lựa chọn hàng Việt ở chợ.
Chị Đặng Thị Diệp (tiểu thương kinh doanh hàng gia dụng tại chợ Đăk Hà, huyện Đăk Hà) cho biết: Trước đây, người dân khi ra chợ mua sắm, đa số họ chỉ quan tâm đến việc giá cả đắt hay rẻ hoặc về hình thức bề ngoài đẹp hay xấu thế nên tôi cũng chỉ cố gắng tìm sao cho được nguồn hàng nào rẻ để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, chứ ít khi quan tâm xem đó là hàng gì, của nhà sản xuất nào. Tuy nhiên, gần đây, đa phần người dân quan tâm hơn đến nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, là người bán hàng tôi phải đáp ứng điều này; thậm chí còn phải đi trước trong việc tìm nguồn hàng có uy tín, có thương hiệu rõ ràng, ưu tiên những mặt hàng trong nước với giá thành hạ và chất lượng đảm bảo để bán...
Bà Nguyễn Thị Đông (tiểu thương kinh doanh hàng tạp hoá ở chợ Trung tâm thương mại, thành phố Kon Tum) thì chia sẻ: Tiểu thương chúng tôi bây giờ rất coi trọng việc tìm nguồn hàng, cố gắng nhập được những sản phẩm chất lượng, nhất là các sản phẩm trong nước sản xuất có thương hiệu với nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giá cả hợp lý để bán. Điều này không chỉ giúp khách hàng yên tâm lựa chọn, tin tưởng sử dụng hàng hoá mà mình bán ra, nâng cao hơn uy tín cho gian hàng của mình mà trên hết là để người dân thấy tự hào, tự tin sử dụng hàng hoá của nước mình.
Trong những năm qua, việc đưa hàng Việt vào chợ truyền thống là một trong những ưu tiên hàng đầu khi thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Nhờ đó, hàng Việt tạo dựng được chỗ đứng nhất định ở trong chợ. Tuy nhiên, vẫn còn những bất cập và hạn chế cần khắc phục để tạo “thế đứng” vững chắc hơn của hàng Việt ở “kênh phân phối” quan trọng này.
Hiện tại, nhiều chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh, nhất là các chợ ở nông thôn đã xuống cấp, hiệu quả hoạt động thấp, chưa thu hút được nhiều thương nhân và người dân đến chợ nên chưa phát huy được vai trò là “kênh phân phối”, tiêu dùng hàng Việt chủ lực. Mặt khác sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại, thương mại điện tử thời gian gần đây cũng khiến cho sức mua hàng hóa ở chợ truyền thống bị sụt giảm.
Nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng đến “kênh" phân phối và bán hàng là các chợ truyền thống. Hiện đa phần các doanh nghiệp, nhà phân phối trên địa bàn tỉnh mới chỉ chú trọng cung ứng hàng cho các đại lý, cửa hàng bán lẻ chứ ít chú ý đến các tiểu thương ở chợ. Tiểu thương chủ yếu vẫn phải tự tìm kiếm và nhập hàng tại các chợ, các cơ sở đầu mối ở Thành phố Hồ Chí Minh hoặc ở các tỉnh, thành phía Bắc về bán.
Ở tầm vĩ mô, việc hàng Việt “lép vế” tại các chợ truyền thống còn bởi nhiều nhà sản xuất trong nước chỉ quan tâm sản xuất hàng xuất khẩu, hàng chất lượng cao dành cho đối tượng có thu nhập trên trung bình còn phân khúc thị trường cho những người có thu nhập thấp vẫn đang bị bỏ ngỏ; trong khi đa số khách hàng mua sắm ở chợ thường có điều kiện kinh tế không mấy dư giả.
Những năm gần đây, khi Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được phát động, sự thay đổi thói quen, nhận thức của người tiêu dùng đã làm cho thị trường tiêu thụ hàng nội từng bước được mở rộng, tạo ra cơ hội cho các nhà sản xuất đẩy mạnh lưu thông hàng hoá. Song, để chiếm lĩnh “sân nhà”, cùng với các kênh bán hàng hiện đại, các nhà sản xuất, kinh doanh, ngành chức năng cũng cần có những cơ chế, giải pháp thiết thực để tạo dựng, nâng cao vị thế của hàng Việt ở chợ truyền thống; nhất là các chợ đầu mối bán buôn.
Thiên Hương