Sa Thầy: Người tiêu dùng chuộng hàng nội
Với người tiêu dùng huyện Sa Thầy, sử dụng hàng nội chất lượng cao là cách lựa chọn tốt nhất vừa để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa phù hợp với điều kiện thu nhập, lại giúp các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong nước có cơ hội phát triển.
Đầu tháng 3, chúng tôi được cán bộ Ủy ban MTTQ Việt Nam thị trấn Sa Thầy (huyện Sa Thầy) đưa đi thăm một số quầy hàng kinh doanh buôn bán các mặt hàng tạp hóa trên địa bàn. Qua quan sát thực tế, chúng tôi thấy phần lớn các quầy hàng tạp hóa đều bày bán trên 80% các mặt hàng được sản xuất trong nước.
Tâm sự với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Nhàn - chủ một tạp hóa tại Trung tâm thương mại huyện Sa Thầy - cho biết đã bán hàng tạp hóa này tại đây hơn chục năm nay. Qua thực tế, từ khi Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (viết tắt là Cuộc vận động) do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động đến nay đã trên 10 năm, người dân tìm đến với hàng sản xuất trong nước ngày càng nhiều, từ đó quầy tạp hóa của chị đã bày bán 100% các mặt hàng được sản xuất tại Việt Nam.
Anh Trần Kế Văn - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thị trấn Sa Thầy cho biết: Trong hơn 10 năm qua, Mặt trận thị trấn đã triển khai Cuộc vận động đến từng hộ gia đình của 8/8 thôn, tổ dân phố. Đặc biệt, năm 2019 vừa qua, Mặt trận thị trấn đã tổ chức 16 lần tuyên truyền về Cuộc vận động, trong đó chủ yếu là giới thiệu về chất lượng, mẫu mã hàng hóa, mối nguy hại khi mua và sử dụng hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng.
|
“Định kỳ 1 lần/tháng, Mặt trận thị trấn phối hợp với Tổ công tác đặc biệt về vệ sinh an toàn thực phẩm huyện tổ chức kiểm tra đột xuất tại các nơi sản xuất, kinh doanh, buôn bán các mặt hàng tạp hóa và ăn uống trên địa bàn. Cụ thể, năm 2019 vừa qua, Tổ công tác đặc biệt đã tổ chức kiểm tra tại 171 cơ sở sản xuất, kinh doanh, buôn bán các mặt hàng như: giò chả, bún tươi, rau thủy canh, bánh kẹo các loại… Qua kiểm tra không phát hiện có hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng… Nhờ đó, toàn thị trấn không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào”- ông Trần Kế Văn cho biết thêm.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động huyện Sa Thầy, trong 10 năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội lồng ghép các buổi họp đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trong huyện tích cực hưởng ứng Cuộc vận động và đã tổ chức được 74 buổi với 13.018 lượt người tham gia, đồng thời phối hợp với Phòng Văn hóa-Thông tin huyện tuyên truyền trên hệ thống loa, ti vi, băng rôn khẩu hiệu, tuyên truyền bằng xe lưu động đến các xã, thị trấn và khu dân cư được 11 đợt/năm.
UBND huyện Sa Thầy phối hợp với các đơn vị tổ chức 10 phiên hội chợ hàng tiêu dùng, mỗi phiên kéo dài 7 ngày, bình quân có 70 gian hàng với 15.000 lượt người tham quan/1 hội chợ, doanh thu đạt trên 2 tỷ đồng/1 hội chợ. Các mặt hàng tập trung chủ yếu là: dầu ăn, bột ngọt, nước mắm, bột giặt, các loại áo quần may sẵn, đồ điện gia dụng… Nhìn chung, chất lượng hàng hóa tương đối tốt, đảm bảo yêu cầu về chất lượng cũng như số lượng, đáp ứng một phần nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng.
Ngoài ra, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động huyện còn phối hợp với Trung tâm Khuyến công tỉnh tổ chức 5 chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” tại các xã: Mô Rai, Rờ Kơi, Ya Xiêr, Ya Ly, Hơ Moong. Mỗi chương trình đều có sự tham gia của 4 doanh nghiệp với doanh thu bình quân 20 triệu đồng/1 chương trình.
Riêng năm 2019, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Sa Thầy đã tổ chức đoàn liên ngành của huyện kiểm tra, khảo sát các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân tại các quán, tiệm tạp hóa, chợ…trên địa bàn các xã: Ya Xiêr, Sa Bình, Hơ Moong, Rờ Kơi, Mô Rai. Qua kiểm tra, đoàn đã phát hiện tại các chợ có nhiều mặt hàng không rõ xuất xứ nguồn gốc, hàng nhái, hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng…và đã thu hồi, tiêu hủy, đồng thời đề xuất, kiến nghị đến cấp có thẩm quyền tăng cường công tác kiểm tra, quản lý hơn nữa để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người dân.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, nên nhận thức của người dân đã có chuyển biến tích cực, khi mua sắm đã lựa chọn những sản phẩm mang nhãn hiệu “Made in Vietnam” chất lượng cao. Đặc biệt, Chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” đã tạo được ấn tượng tốt giúp cho người dân có cơ hội tiếp cận với nhiều hàng hóa chính phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, với giá ưu đãi, góp phần bình ổn thị trường nông thôn để người dân vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới có điều kiện tiếp cận hàng Việt Nam với giá cả vừa phải, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt.
Phát huy tinh thần đó, trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động huyện Sa Thầy tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm hàng hóa dịch vụ trên địa bàn huyện, các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; đồng thời tổ chức tọa đàm giữa các nhà sản xuất kinh doanh, nhà phân phối và người tiêu dùng để tìm hướng đi và xác định giải pháp đúng đắn, phù hợp nhằm thúc đẩy phát triển của các doanh nghiệp.
Hà Nguyên