Sa Thầy: Người dân tin dùng hàng Việt
Để người dân tin dùng hàng Việt, thời gian qua, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (Cuộc vận động) huyện Sa Thầy đã làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nhiều kế hoạch, nội dung nhằm giúp người dân thay đổi thói quen, ưu tiên chọn lựa hàng Việt mỗi khi mua sắm.
Ông Nguyễn Đình Thi – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, Phó Ban chỉ đạo Cuộc vận động cho biết: Nhằm đẩy mạnh Cuộc vận động trên địa bàn huyện, Ban Chỉ đạo đã ban hành Kế hoạch số 01-KH/BCĐ, ngày 14/2/2020 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam giai đoạn 2020 – 2024 và Kế hoạch số 04-KH/BCĐ, ngày 22/02/2021 về tổ chức thực hiện Cuộc vận động trên địa bàn huyện năm 2021.
Theo đó, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động huyện đã triển khai, hướng dẫn đến các cơ quan, đơn vị và địa phương tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, công chức, viên chức, các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với các doanh nghiệp, các cửa hàng thương mại, cửa hàng tạp hóa trên địa bàn về mục đích, ý nghĩa của Cuộc vận động; phối hợp với Phòng Văn hóa, Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Truyền thông huyện, UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về Cuộc vận động đến cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị thuộc huyện; vận động các doanh nghiệp ưu tiên chọn hàng hóa có xuất xứ Việt Nam để trưng bày, bán tại cơ sở kinh doanh của đơn vị với nhiều hình thức phong phú, thiết thực.
Để người dân yên tâm về nguồn gốc, chất lượng của hàng hóa, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động phối hợp với các cơ quan chức năng thành lập các Đoàn kiểm tra các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh để phát hiện và xử lý các trường hợp sản xuất mua bán hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, niêm yết giá không rõ ràng…
|
Kết quả, trong năm 2021, Đoàn đã tiến hành kiểm tra tại 277 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, phát hiện 46 cơ sở vi phạm với nội dung như: Kinh doanh thực phẩm hết hạn sử dụng, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ; thực phẩm có tem nhãn không đúng quy định; nơi kinh doanh thực phẩm bị côn trùng gây hại xâm nhập, còn để lẫn giữa thực phẩm sống và thực phẩm chín; không thực hiện việc khám sức khỏe định kỳ theo quy định. Đoàn kiểm tra đã nhắc nhở 38 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính gần 4,5 triệu đồng đối với 8 cơ sở, tiêu hủy 79,3kg thực phẩm không đảm bảo.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động còn phối hợp Đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm của huyện tiến hành lấy 102 mẫu kiểm tra bằng test nhanh 4 loại hóa chất trên các loại thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn toàn huyện. Kết quả kiểm tra có 98 test âm tính và 4 test dương tính, chủ yếu là dư lượng thuốc trừ sâu. Từ đầu năm đến nay, huyện Sa Thầy không có vụ ngộ độc thực phẩm nào xảy ra.
Mặc khác, UBND huyện Sa Thầy chỉ đạo Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện tăng cường công tác quản lý, thực hiện kiểm soát chặt chẽ việc mua sắm tài sản công từ ngân sách Nhà nước; ưu tiên và khuyến khích các đơn vị sử dụng hàng hóa nội địa khi thực hiện mua sắm công; thường xuyên cập nhật thông tin giá cả thị trường để kịp thời theo dõi những biến động giá cả nhằm bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết và thị phần hàng nội địa...
Ông Nguyễn Đình Thi cho biết, trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tiếp tục tăng cường các hình thức tuyên truyền quảng bá ưu tiên dùng hàng Việt Nam như: Tổ chức hội chợ, triển lãm, quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, mở rộng mạng lưới đưa hàng về vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, để phục vụ nhân dân, nhất là dịp Tết Nguyên đán; phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định về đăng ký kinh doanh, mẫu mã, nhãn hiệu hàng hoá, chất lượng hàng hoá sản phẩm, niêm yết giá, tăng cường công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại, sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng không đảm bảo chất lượng để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng … Từ đó củng cố được niềm tin của người tiêu dùng với hàng Việt.
Văn Tùng