Phiên chợ hàng Việt về nông thôn: Vẫn còn những lỗ hổng
Phiên chợ hàng Việt về nông thôn là một trong những nội dung quan trọng của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, bởi đây được coi là giải pháp quan trọng đưa hàng Việt đến với thị trường và người tiêu dùng nông thôn. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc tổ chức các phiên chợ vẫn còn những lỗ hổng làm giảm đi hiệu quả và ý nghĩa của chương trình này.
Lâu nay, ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hàng hóa đến tay người tiêu dùng chủ yếu thông qua các chợ và hệ thống cửa hàng bán lẻ của thương nhân. Hệ thống bán hàng của doanh nghiệp hầu như mới chỉ ở thành phố hoặc khu vực trung tâm của một số huyện thuận lợi, còn khu vực nông thôn chưa được các doanh nghiệp chú ý.
Do đó, hàng Việt ở nông thôn không đa dạng, tình trạng hàng Trung Quốc kém chất lượng, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc... tràn lan ở nhiều vùng quê, người dân thiếu kiến thức tiêu dùng, ít có cơ hội tiếp cận hàng Việt.
Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, trong đó, phiên chợ hàng Việt được xem như một giải pháp quan trọng khai thông cho hàng Việt về nông thôn nhằm đưa hàng hoá sản xuất trong nước thâm nhập sâu thị trường này, từng bước làm thay đổi nhận thức, nâng cao kiến thức tiêu dùng cho người dân, ủng hộ cho hàng Việt Nam, tẩy chay những loại hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc.
Để hỗ trợ cho các phiên chợ hàng Việt về nông thôn, vùng biên giới, hàng năm, từ nguồn vốn của chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, Bộ Công thương đã hỗ trợ một phần kinh phí để Sở Công thương tổ chức các phiên chợ.
Theo đó, mỗi phiên chợ được hỗ trợ 150 triệu đồng cho các doanh nghiệp trong tỉnh tham gia với tổng số 20 gian hàng, mỗi doanh nghiệp không quá 2 gian được hỗ trợ toàn bộ chi phí thuê gian hàng, vận chuyển hàng hoá, bảo đảm an ninh trật tự, chi phí dàn dựng, tổ chức... trong thời gian 3 ngày.
Tuy nhiên, để mở rộng quy mô, đa dạng hàng hoá nhằm tăng sức hút cho các phiên chợ, đồng thời tăng thời gian để người dân các khu vực vùng sâu, vùng xa có nhiều cơ hội mua sắm dài hơn; Sở Công thương đã mở rộng quy mô, lồng ghép thêm phần xã hội. Theo đó, đơn vị tổ chức đã huy động các doanh nghiệp ngoài tỉnh tham gia phiên chợ có thu phí, kéo dài thời gian tổ chức lên 1 tuần.
Thực tế cho thấy, tại các phiên chợ, để phục vụ nhu cầu mua sắm của bà con, các doanh nghiệp đã đưa về nhiều mặt hàng thiết yếu: thực phẩm, gia vị, hàng may mặc, điện máy, dụng cụ nhà bếp, hóa mỹ phẩm, đồ dùng gia đình...
|
Mặc dù các đơn vị tham gia tổ chức những phiên chợ hàng Việt trên địa bàn nông thôn đã có những cố gắng đa dạng hàng hóa, thế nhưng trong quá trình triển khai vẫn còn những lỗ hổng khiến cho nhiều phiên chợ chưa được như kỳ vọng.
Các phiên chợ hàng Việt về nông thôn diễn ra trên địa bàn tỉnh thời gian qua có quy mô nhỏ lẻ, hàng hoá nghèo nàn; hiệu quả của công tác tuyên truyền để nâng cao kiến thức, nhận thức của người tiêu dùng về hàng Việt thông qua các phiên chợ chưa cao.
Các doanh nghiệp trong tỉnh được mời tham gia chủ yếu với tinh thần “ủng hộ” nên đa số sau mỗi phiên chợ số lượng doanh nghiệp tham gia cứ ít dần, thưa dần.
Một số doanh nghiệp ngoài tỉnh đến với phiên chợ vẫn còn tư tưởng bán theo dạng bán buôn, bán lẻ thuần túy, thậm chí là dịp để xả hàng lỗi mốt, hàng tồn…; chưa có nhiều doanh nghiệp tính đến phương án dài hơi là lên kế hoạch quảng bá sản phẩm phù hợp, hay xây dựng hệ thống phân phối ở thị trường nông thôn nên người dân nhiều nơi cũng chỉ coi phiên chợ như những đợt “buôn chuyến” của các doanh nghiệp.
Đặc biệt, tại một số phiên chợ hàng Việt vẫn còn xuất hiện hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng trôi nổi, thậm chí bán cả hàng Trung Quốc. Điều này không chỉ làm giảm ý nghĩa của chương trình, mà đâu đó còn xuất hiện tình trạng cứ sau mỗi phiên chợ thì hàng hóa kém chất lượng lại xuất hiện nhiều ở vùng nông thôn.
Thực tế, không ít người dân vùng sâu, vùng xa sau khi mua hàng ở phiên chợ hàng Việt đã phàn nàn về chất lượng sản phẩm. “Hầu như phiên chợ nào về huyện mình cũng đi xem và mua hàng. Hàng hoá thấy khá đa dạng, phong phú, giá cả cũng khá hợp túi tiền, thế nhưng chỉ có điều một số sản phẩm sau khi mua về dùng không được bao lâu thì hỏng như quần áo, túi xách, nên nhiều khi mình cũng ngần ngại mua sắm. Để mỗi phiên chợ thực sự là cơ hội mua sắm hàng hoá đáng tin cậy cho người dân nông thôn, các doanh nghiệp, nhà bán lẻ cần nâng cao chất lượng hàng hoá, hạ giá bán nhưng cũng phải đảm bảo chất lượng thì người dân mới tin và ủng hộ”- anh Blong Nin, thôn Kà Nhảy, xã Đăk Nông (huyện Ngọc Hồi) chia sẻ.
Thị trường nông thôn rất rộng lớn và thực tế cho thấy, người dân đang từng bước nâng cao hơn ý thức tiêu dùng hàng Việt Nam, nhưng vì nhiều mặt hàng tại các phiên chợ chưa thật sự đáp ứng được nhu cầu, mong muốn của người tiêu dùng nên sức mua không cao. Vì vậy, để các phiên chợ hàng Việt phát huy được vai trò là giải pháp khơi thông hàng Việt ở nông thôn, các cơ quan chức năng cần khắc phục những tồn tại, lỗ hổng trong thời gian qua.
Thiên Hương