Phiên chợ hàng Việt về nông thôn: Cơ hội cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng
Phiên chợ hàng Việt về nông thôn là một hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng thúc đẩy sản xuất, kích cầu tiêu dùng, góp phần tích cực vào thành công của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Mỗi phiên chợ thực sự là một cơ hội lớn cho cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng.
Nhằm tạo điều kiện cho người dân tại các khu vực nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa được tiếp cận với các loại hàng Việt chất lượng cao, đồng thời tạo cơ hội cho doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, trong những năm qua, Sở Công thương đã tổ chức rất nhiều phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn. Bình quân, mỗi năm Sở tổ chức từ 2 – 3 phiên chợ về các huyện Ngọc Hồi, Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Sa Thầy... Các phiên chợ đã tạo được cầu nối giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng nên được người dân rất quan tâm, mong đợi; thu hút được nhiều doanh nghiệp hào hứng tham gia.
|
Tại phiên chợ hàng Việt về huyện biên giới Ngọc Hồi diễn ra từ ngày 27/6 – 3/7 với sự tham gia của gần 50 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, khi được hỏi, các doanh nghiệp đều cho biết họ đã nhận thấy được nhiều lợi ích khi tham gia các phiên chợ như thế này. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu hình ảnh, sản phẩm của mình tới tận tay người tiêu dùng. Đồng thời, thông qua các phiên chợ, các nhà sản xuất, kinh doanh sẽ có đánh giá đầy đủ, tốt nhất về thị trường địa phương, doanh nghiệp sẽ trực tiếp biết được ý kiến của người tiêu dùng đối với sản phẩm của mình, từ đó có điều chỉnh sản xuất, kinh doanh phù hợp. Đây cũng là một cơ hội tốt giúp doanh nghiệp có thể gặp gỡ các nhà phân phối, các đại lý tiềm năng cũng như các nhà cung cấp dịch vụ và nguyên vật liệu để có kế hoạch hợp tác, đầu tư phát triển sau này.
Chị Ngô Thị Minh – Quản lý bán hàng của Công ty TNHH Nhã Thi (tỉnh Bình Dương) chia sẻ: Khi tham gia phiên chợ hàng Việt, mục tiêu của chúng tôi không phải là bán được bao nhiêu sản phẩm mà quan trọng hơn là làm sao quảng bá, giới thiệu được sản phẩm của mình tới khách hàng và tìm kiếm được các cơ hội hợp tác với các nhà phân phối, bán lẻ. Mặt khác, thông qua các phiên chợ, chúng tôi cũng thu thập được nhiều thông tin, góp ý để có thể xác định và lập ra được những chiến lược kinh doanh mới cho sản phẩm và dịch vụ của mình sao cho ngày càng phù hợp với thị trường và yêu cầu của khách hàng.
Về phía người tiêu dùng, các phiên chợ hàng Việt thực sự là những cơ hội rất tốt để nâng cao kiến thức tiêu dùng, nhận thức của người dân về trách nhiệm và niềm tự hào đối với sản phẩm hàng hoá trong nước, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với nguồn hàng Việt giá cả phải chăng, chất lượng đảm bảo mà không phải đi lại quá xa. Bên cạnh đó, tại các phiên chợ, người tiêu dùng khu vực nông thôn còn được giới thiệu, tư vấn và cung cấp thông tin về sản phẩm chính hiệu do các nhà sản xuất trực tiếp cung ứng.
Theo ông Võ Văn Mười – Giám đốc Trung tâm Khuyến công - Xúc tiến thương mại, Tư vấn công nghiệp tỉnh, nhu cầu sử dụng hàng Việt chất lượng, giá phải chăng của người dân trên địa bàn các huyện, nhất là ở những vùng khó khăn là rất lớn, trong khi đó, vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trôi nổi tràn lan đã làm giảm sút niềm tin của người tiêu dùng. Do đó, việc tổ chức các phiên chợ hàng Việt về nông thôn là cơ hội tốt để người dân được mua sắm những thứ mình cần với chất lượng bảo đảm, giá thành hợp lý. Tại các phiên chợ, người dân còn được nhiều doanh nghiệp tư vấn các thông tin cần thiết về cách phân biệt hàng thật- giả, cách sử dụng sản phẩm đúng kỹ thuật. Đồng thời, phiên chợ cũng sẽ góp phần tạo nên không khí vui tươi, điểm sinh hoạt thương mại ấn tượng tại những nơi vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới.
Tham khảo ý kiến của nhiều người tiêu dùng, chúng tôi nhận thấy, hầu hết người dân đều mong muốn có nhiều phiên chợ hàng Việt về nông thôn để người dân có điều kiện mua sắm hàng hoá đa dạng, an tâm về chất lượng, giá cả.
Có mặt ngay trong buổi khai mạc phiên chợ hàng Việt về huyện biên giới Ngọc Hồi, Chị Y Bếch (thôn Giang Lố 1, xã Sa Loong) chia sẻ: Nhà mình ở cách thị trấn gần 20 cây số, nhưng nghe nói có phiên chợ là mình ra liền, vừa để tham quan, vừa mua sắm. Mình rất hài lòng về hàng hoá được bày bán tại phiên chợ này cũng như các phiên chợ lần trước vì rất đa dạng, thiết thực, phù hợp với nhu cầu và túi tiền của người dân, giá thành nhiều sản phẩm được bán thấp hơn thị trường. Mình nghĩ, nếu mỗi năm, tổ chức được 1 – 2 phiên chợ hàng Việt thì sẽ rất hữu ích cho người tiêu dùng nông thôn.
Còn anh Bloong Nin (thôn Kà Nhảy, xã Đăk Nông) thì kể: Phiên chợ hàng Việt nào về huyện mình cũng đều tới xem hàng và mua sắm những mặt hàng cần thiết cho gia đình như quần áo, giày dép, dụng cụ nhà bếp... Mình thích nhất là mua hàng trong phiên chợ không lo bị hớ vì giá cả đã được niêm yết rõ ràng lại thường có nhiều quà khuyến mãi. Mình còn được nghe tuyên truyền, giải thích về ý nghĩa của việc sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước giúp mình hiểu và lựa chọn hàng hoá đúng đắn, ưu tiên cho hàng Việt.
Có thể nói việc tổ chức các phiên chợ hàng Việt về vùng nông thôn đã mang lại lợi ích kép cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Qua mỗi phiên chợ đã từng bước góp phần làm thay đổi nhận thức, hình thành thói quen tiêu dùng hàng hoá có chất lượng, có thương hiệu, hàng trong nước của người dân; đồng thời củng cố thêm niềm tin của doanh nghiệp vào thị trường nông thôn, tạo động lực để doanh nghiệp chủ động đưa hàng hoá về vùng sâu, vùng xa.
Thiên Hương