Nhập nhèm hàng hóa gắn mác “made in Việt Nam”: Đánh đố người tiêu dùng
Niềm tin của người tiêu dùng vào hàng trong nước ít nhiều đang bị lợi dụng khi một số đối tượng làm ăn bất chính tìm cách “phù phép” hàng kém chất lượng thành hàng “made in Việt Nam”. Vì lợi nhuận, các gian thương đã không từ mọi thủ đoạn tìm cách đánh tráo nhãn mác để đánh lừa người tiêu dùng.
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đi qua chặng đường 10 năm, với sự nỗ lực của các nhà quản lý và các doanh nghiệp chân chính đã và đang tạo nên thành công trong việc thúc đẩy niềm tin của người tiêu dùng đối với hàng Việt. Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp, đối tượng làm ăn bất chính lợi dụng chủ trương này gắn mác “made in Việt Nam” cho những mặt hàng trôi nổi, kém chất lượng, đánh lừa người tiêu dùng.
Tại thị trường tỉnh ta, các loại hàng hóa được gắn nhãn mác “made in Việt Nam” vô cùng phong phú, được bày bán từ trong các siêu thị đến các cửa hàng bán lẻ, ngoài chợ dân sinh ra đến tận lề đường. Giá cả các mặt hàng cũng rất đa dạng, tất cả đều được quảng cáo và gắn mác hàng Việt Nam. Phổ biến nhất là các mặt hàng nông sản, quần áo, giày dép, chăn nệm, đồ dùng nhà bếp và cả hàng điện máy…
Trong những năm gần đây, đa số người dân đã thay đổi xu hướng tiêu dùng, ngày càng tin tưởng và lựa chọn hàng Việt thay vì hàng Trung Quốc giá rẻ, chất lượng “phập phù” hoặc hàng nhập ngoại giá quá cao như trước đây. Một số mặt hàng mang nhãn hiệu “made in Việt Nam” được người dân mua nhiều nhất là đồ gia dụng, thời trang may mặc, giày dép, túi xách…
Thế nhưng, điều đáng nói là niềm tin của người tiêu dùng vào hàng trong nước ít nhiều đang bị lợi dụng khi một số đối tượng làm ăn bất chính tìm cách “phù phép” hàng kém chất lượng thành hàng “made in Việt Nam”. Vì lợi nhuận, các gian thương đã không từ mọi thủ đoạn tìm cách đánh tráo nhãn mác để đánh lừa người tiêu dùng. Điều này đã làm méo mó hình ảnh hàng của Việt Nam trong lòng người tiêu dùng; làm giảm đi lòng tin của người dân về hàng Việt và cả những nỗ lực mà các cấp, các ngành đã tích cực thực hiện trong Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
|
Quả thực, bằng mắt thường, người tiêu dùng khó lòng phát hiện được đâu là hàng thật hay giả, hàng Việt Nam chất lượng cao hay hàng phẩm cấp thấp. Điều duy nhất để người tiêu dùng chọn mua hàng hóa là lòng tin, tin vào chủ cửa hàng, tin vào những nhãn mác được gắn lên sản phẩm. Với tâm lý dùng hàng Việt Nam để an tâm về chất lượng cũng như nguồn gốc xuất xứ…, thế nhưng, thực tế, không ít người dân bỏ tiền ra mua hàng Việt, nhưng lại không được dùng hàng Việt; nhất là người tiêu dùng ở vùng sâu, vùng xa ít có điều kiện tiếp cận với hàng Việt Nam chính hãng thì việc nhận diện và phân biệt hàng Việt lại càng khó khăn hơn.
Ngay tại một số hội chợ, phiên chợ hàng Việt về nông thôn, vẫn còn nhiều mặt hàng không phải hàng Việt, thậm chí là hàng thanh lý, hàng xổ, hàng kém chất lượng, nhưng không hiểu sao vẫn đàng hoàng gắn nhãn mác “made in Việt Nam” và được bày bán, rồi lôi kéo người dân mua hàng bằng niềm tin và sự ưu ái dành cho hàng Việt Nam.
Không chỉ trên thị trường, tại chợ online cũng có không ít đối tượng bán hàng đã lấy cắp và đưa hình ảnh từ các trang web bán hàng uy tín trong nước để chào hàng. Khách hàng khi nhìn thấy hình ảnh đẹp cùng những lời cam kết của các trang bán hàng, người tiêu dùng tin tưởng đặt mua, nhưng khi sản phẩm nhận được chỉ là những mặt hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Có trường hợp, nhãn trên hàng hóa ghi là “made in Việt Nam”, nhưng bên dưới nhãn này lại có một nhãn khác đã bị cắt/dán đè lên với toàn chữ Trung Quốc. Người tiêu dùng nếu không tinh ý thì sẽ bị lừa và đinh ninh rằng mình đang mua hàng Việt.
Tình trạng thị trường hàng hóa đang loạn nhãn mác “made in Việt Nam”, người tiêu dùng như rơi vào “ma trận”. Có người nói vui rằng, ngay cả các sản phẩm hàng hóa có thương hiệu quốc tế nổi tiếng như Nike, Gucci, Chanel, Levis... còn bị làm giả và hàng hóa được bày bán tràn lan trên thị trường thì chuyện hàng lậu, hàng giả được hô biến thành hàng Việt cũng chẳng có gì là lạ.
Về mặt kinh tế, hàng giả, hàng nhái gây ra ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận của những doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh chân chính. Ở tầm vĩ mô, việc đánh tráo, làm giả nhãn mác, thay đổi xuất xứ, biến hàng hóa chất lượng kém, hàng nước ngoài thành các mặt hàng “made in Việt Nam” đã từng bước “giết chết” thương hiệu Việt. Về phía người tiêu dùng, tình trạng hàng Việt bị gắn nhãn bừa bãi đã làm cho nhiều người dân hiểu không đúng về chủ trương của các cấp, các ngành; đánh giá sai về hàng Việt và giảm đi lòng tin về hàng Việt. Và, khi “vàng thau lẫn lộn”, thì chuyện người dân thờ ơ hoặc quay lưng với hàng hóa nội địa cũng là điều dễ hiễu.
Trước ma trận hàng hóa nhãn mác “made in Việt Nam”, các cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý, siết chặt hoạt động in nhãn mác; đấu tranh ngăn chặn hàng lậu, hàng giả để bảo vệ sản xuất trong nước và quyền lợi của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cần kiên quyết nói không với hàng giả, qua đó bảo vệ quyền lợi của chính mình, góp phần xây dựng thị trường hàng Việt uy tín, chất lượng.
Thiên Hương