Người dân Đăk Tô tin dùng hàng Việt
Những năm qua, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” huyện Đăk Tô (Ban Chỉ đạo) đã làm tốt công tác quản lý, tuyên truyền, giúp người dân trên địa bàn nâng cao nhận thức, tin tưởng sử dụng hàng hoá Việt.
Bà Y Khảm – Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cho biết: Thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (Cuộc vận động), hơn 10 năm qua, MTTQ Việt Nam huyện Đăk Tô đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể, cơ quan chức năng liên quan làm tốt công tác quản lý, tuyên truyền đến các xã, các thôn để người dân nâng cao nhận thức về việc sử dụng hàng Việt và kiểm soát, ngăn chặn các mặt hàng giả, hàng kém chất lượng xâm nhập địa bàn, nhất là các thôn làng vùng sâu, vùng xa.
Theo bà Y Khảm, hằng năm, Ban Chỉ đạo phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành huyện tổ chức 2 lần kiểm tra, ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng kết hợp với việc kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm vào dịp Tết Nguyên đán và Tết Trung thu tại tất cả các xã và thị trấn. Riêng trong năm 2021, Đoàn đã kiểm tra 261 cơ sở buôn bán trên địa bàn huyện; qua đó phát hiện và nhắc nhở 54 cơ sở bán các sản phẩm như bánh mì ngọt, mì tôm các loại, cháo gói, sữa hộp, nước giải khát, các loại gia vị… kém chất lượng.
“Không chỉ là sự vào cuộc quyết liệt từ các cấp, các ngành, mà người dân cũng góp phần thực hiện tốt Cuộc vận động. Những nơi bán hàng giả, hàng kém chất lượng khi người dân phát hiện sẽ báo ngay cho chính quyền địa phương giải quyết. Bên cạnh đó, người dân ngày càng tin dùng hàng Việt bởi mẫu mã đa dạng, chất lượng nâng cao mà giá bán vừa túi tiền” – bà Y Khảm cho hay.
Ngoài việc đi kiểm tra, Ban Chỉ đạo còn thường xuyên tổ chức tuyên truyền nội dung Cuộc vận động đến các xã, thị trấn bằng nhiều hình thức khác nhau như tuyên truyền bằng loa phát thanh, treo băng rôn với khẩu hiệu “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ở những nơi đông dân cư; phối hợp với các tổ chức đoàn thể lồng ghép tuyên truyền trong các buổi họp; vận động các tổ chức, cơ quan nhà nước ưu tiên mua hàng Việt vào các đợt mua quà tặng, mua vật tư, thiết bị vật tư phục vụ hoạt động của cơ quan.
|
Mới đây, phóng viên Báo Kon Tum đã có cuộc khảo sát để tìm hiểu thói quen sử dụng hàng Việt Nam của người dân trên địa bàn huyện Đăk Tô. Tại cửa hàng Comcome (số 11, đường Hùng Vương, thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô), chị Nguyễn Thị Minh Hà- chủ cửa hàng- cho biết: Người dân có mức sống ngày càng cao, họ rất chú trọng đến sức khoẻ và chất lượng sản phẩm. Chính vì thế, khi mua thực phẩm, người dân xem rất kỹ nơi sản xuất, nếu thấy hàng hoá có “Made in VietNam” sẽ yên tâm, còn nếu được sản xuất ở các nước khác thì sẽ cân nhắc khi mua.
“Hàng hóa bày bán tại cửa hàng tôi hơn 95% là hàng được sản xuất trong nước, nguồn gốc rõ ràng, có dán tem, nhãn mác theo quy định; giá cả được niêm yết nên thu hút được tiêu dùng” – chị Hà cho biết thêm.
Là người dân sinh sống trên địa bàn huyện Đăk Tô, chị Y Huy ở thôn Tê Pen (xã Văn Lem) đã thay đổi thói quen mua hàng Trung Quốc sang mua hàng Việt Nam. Chị Huy tâm sự: Trước đây có một thời gian, báo đài tuyên truyền về những hiểm hoạ từ những hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ mang lại, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng nên gia đình tôi cùng nhiều bà con khác trong thôn đã ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Sau một thời gian sử dụng, tôi nhận thấy hàng Việt Nam có chất lượng rất tốt, mẫu mã không thua kém gì hàng nước ngoài mà giá bán cũng phù hợp với mức thu nhập của bà con vùng sâu, vùng xa.
Có thể thấy, sau hơn 10 năm triển khai Cuộc vận động, thói quen tiêu dùng của người dân huyện Đăk Tô đã có những chuyển biến tích cực, tin dùng hàng Việt. Đó là kết quả của sự đạ dạng tuyên truyền, vận động cũng như sự hỗ trợ sản xuất, kinh doanh của các cấp, các ngành trên địa bàn huyện Đăk Tô.
Văn Tùng