Hành trình 10 năm bền bỉ
Sau 10 năm thực hiện trên địa bàn tỉnh, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngày càng đi vào chiều sâu, tạo được sự quan tâm, hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp, địa phương và có sức lan tỏa mạnh mẽ. Đây là kết quả từ sự vào cuộc bền bỉ của cả hệ thống chính trị ở các cấp với những hành động, việc làm thiết thực, cụ thể.
Tuyên truyền làm thay đổi nhận thức
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, 10 năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức đoàn thể đã tổ chức được 7.400 buổi tuyên truyền từ tỉnh đến các địa phương, thu hút 325.000 lượt người tham gia, hơn 400 hội nghị, buổi tọa đàm về Cuộc vận động.
Công tác truyền thông báo chí về Cuộc vận động cũng được quan tâm đúng mức, góp phần tạo sự lan tỏa trong xã hội, thay đổi nhận thức của người tiêu dùng. Các cơ quan thông tấn báo chí của tỉnh tích cực đưa thông tin, xây dựng và duy trì các chuyên mục tuyên truyền về việc thực hiện Cuộc vận động.
Trong 10 năm qua, Báo Kon Tum đã đăng tải 1.050 tác phẩm có nội dung thông tin về Cuộc vận động, hằng tháng duy trì chuyên mục “Giá cả thị trường” và “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đã thực hiện phát sóng 834 tin, bài; hằng tuần phát sóng chuyên mục bản tin thị trường trên cả hai kênh phát thanh và truyền hình bằng 4 thứ tiếng: Kinh, Ba Na, Xơ Đăng và Giẻ Triêng.
Công tác tuyên truyền lưu động, cổ động trực quan được chính quyền các địa phương chỉ đạo triển khai thực hiện. Các huyện, thành phố cũng tăng cường tuyên truyền qua các pano, áp phích và thực hiện được hơn 1.000 buổi tuyên truyền trên xe loa lưu động, loa phát thanh…
MTTQ và các tổ chức thành viên xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện, cụ thể hóa nội dung của Cuộc vận động vào các phong trào thi đua, cuộc vận động của ngành, đơn vị mình và tuyên truyền vận động đến đoàn viên, hội viên.
Nhìn chung, công tác tuyên truyền đã tạo hiệu ứng tích cực, làm chuyển biến nhận thức của người dân về khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam và chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ do Việt Nam cung ứng. Tâm lý sính ngoại của một bộ phận người tiêu dùng đã có sự thay đổi, phong cách tiêu dùng mới từng bước được hình thành - người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng Việt.
Các cơ quan, đơn vị khi thực hiện mua sắm tài sản công đã ưu tiên lựa chọn những sản phẩm, dịch vụ là hàng hóa sản xuất trong nước, nhất là trong việc mua sắm văn phòng phẩm; các máy móc, thiết bị như bàn ghế, máy tính, máy điều hoà…
Đối với các gói thầu mua sắm hàng hóa, các đơn vị chỉ tổ chức đấu thầu quốc tế khi hàng hóa, vật tư, thiết bị trong nước không đáp ứng được yêu cầu của gói thầu hoặc trong nước chưa đủ khả năng đáp ứng yêu cầu của nhà tài trợ đối với những gói thầu thuộc dự án sử dụng vốn ODA.
Chỉ tính riêng từ năm 2015 – 2019, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương cho 167 dự án với tổng vốn 23.720,8 tỷ đồng, thẩm định và phê duyệt 58 gói thầu mua sắm hàng hóa từ nguồn ngân sách, thực hiện mua sắm hàng hóa, máy móc thiết bị và sử dụng các loại vật tư xây dựng sản xuất trong nước với tổng số vốn hơn 77 tỷ đồng…
Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp
Song song với việc tuyên truyền, vận động người dân ưu tiên dùng hàng Việt, trong 10 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong phân phối, tiêu thụ hàng hóa, mở rộng thị trường cũng được các cấp, các ngành chức năng của tỉnh đặc biệt quan tâm.
Đây chính là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực trong sản xuất, kinh doanh để đưa ra thị trường nhiều sản phẩm có chất lượng, có uy tín cũng như phân phối hàng hóa rộng khắp để đáp ứng nhu cầu dùng hàng Việt của người dân.
Theo đó, hằng năm, Sở Công thương phối hợp với các ngành liên quan đã xây dựng các chương trình, kế hoạch xúc tiến thương mại địa phương như hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ trong và ngoài nước, tổ chức các phiên chợ, các hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới để quảng bá thương hiệu sản phẩm.
|
Từ năm 2009 đến nay, Sở Công thương và các ngành, các huyện, thành phố đã tổ chức 66 hội chợ triển lãm trên địa bàn tỉnh thu hút 3.159 lượt doanh nghiệp của tỉnh, trong nước và quốc tế tham gia với 7.307 gian hàng; tổng doanh thu đạt được là trên 125 tỷ đồng; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà phân phối trong tỉnh tham gia 15 hội chợ ngoài tỉnh và 6 hội chợ quốc tế tại Lào, Campuchia, Thái Lan...
Thực hiện chương trình bình ổn giá nhân dịp Tết cổ truyền, mỗi năm, UBND tỉnh đã trích 12 - 13 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nhà phân phối vay không lãi suất để tạm trữ hàng hóa, bán hàng bình ổn giá phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân; đồng thời tổ chức đưa hàng hóa về bán cho người dân ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Những năm qua, việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm hàng hóa của tỉnh luôn được tỉnh ta quan tâm thực hiện. UBND tỉnh đã có cơ chế, chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất; xây dựng uy tín, thương hiệu cho một số sản phẩm chủ lực của tỉnh như cao su, cà phê, sâm Ngọc Linh, rau hoa xứ lạnh, rượu sim, rượu gạo lúa đỏ, hồng đẳng sâm, đương quy… Đến nay, nhiều sản phẩm lợi thế của tỉnh đã bắt đầu xây dựng được thương hiệu và được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng.
Không chỉ tại thị trường nội địa, các năm qua, nhiều doanh nghiệp tỉnh ta còn được hỗ trợ đưa hàng hóa có chất lượng của tỉnh sang các thị trường Lào và Campuchia để quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Từ đó, một số sản phẩm hàng hóa của tỉnh đã tạo dựng được ấn tượng và chỗ đứng trên thị trường các nước.
Sau 10 năm triển khai thực hiện, Cuộc vận động đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức; khơi dậy được ý chí tự lực, tự cường và lòng tự tôn dân tộc của người tiêu dùng; từ đó, mỗi người đã tự nguyện, tự giác trong việc ưu tiên, ưu ái dùng hàng Việt. Người dân quan tâm đến hàng Việt có xu hướng ngày càng tăng với khoảng 75% người tiêu dùng được hỏi đánh giá cao chất lượng, độ tin cậy và chọn mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước.
Có thể khẳng định, với 10 năm bền bỉ, kiên trì và nỗ lực thực hiện của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đạt được những kết quả đáng kể; góp phần cùng cả nước tạo nên thành công của Cuộc vận động. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thùy Hương