Hàng Việt phục vụ Tết Trung thu chiếm lĩnh thị trường
Những ngày này, dạo quanh các tuyến đường chính trên địa bàn thành phố Kon Tum, người đi đường có thể cảm nhận không khí Tết Trung thu qua các cửa hàng bày bán bánh Trung thu hay các mặt hàng như lồng đèn, đầu lân… Điều đáng chú ý, các mặt hàng phục vụ Tết Trung thu năm nay đa số đều là hàng “made in Việt Nam”.
|
Như một thói quen, gần đến Tết Trung thu, tôi lại tự đi tìm mua các loại bánh nướng, bánh dẻo để nhớ lại hương vị tuổi thơ. Thuở còn bé, mỗi khi Trung thu đến, nhà trường, địa phương lại tổ chức đón Tết, tôi cũng như nhiều bạn cùng lứa khác, vừa háo hức xem múa lân lại có bánh kẹo mang về. Và trong túi bánh kẹo ấy, thường có bánh Trung thu.
Tôi vẫn nhớ vị bánh Trung thu ngày ấy, mộc mạc, dân dã vô cùng. Chiếc bánh được đóng gói đơn giản, không cầu kỳ, chỉ to hơn bàn tay và rất ít vị để lựa chọn. Đến hôm nay, những chiếc bánh ấy vẫn còn, vẫn là hương vị ấy nhưng cách đóng gói đã được cải tiến hơn rất nhiều. Cùng với đó, nhiều loại bánh, với nhiều hương vị khác nhau đã ra đời để phục vụ người tiêu dùng.
Nắm được nhu cầu của người tiêu dùng, những năm qua, các công ty chuyên sản xuất bánh Trung thu trong nước đã không ngừng cải tiến về mẫu mã, chất lượng của bánh để bánh Trung thu không chỉ cho trẻ nhỏ mà còn dùng để biếu, tặng. Các thương hiệu truyền thống sản xuất bánh Trung thu trong nước như Kinh Đô, Bibica, Đồng Khánh, Như Lan… có những cách đóng gói riêng, hương vị đa dạng như thập cẩm, trứng muối, phô mai, lạp xưởng, đậu xanh… để phục vụ sở thích của nhiều lứa tuổi khác nhau.
Tùy theo mỗi thương hiệu và hương vị, giá bánh Trung thu hiện nay dao động từ vài chục, vài trăm nghìn đồng đến cả triệu đồng một cái. Ví dụ, với thương hiệu Kinh Đô, bánh Trung thu “Bộ đôi Phú An” gồm 2 bánh x 150g vị thập cẩm và hạt sen có giá 140 nghìn đồng hay bánh Trung thu “Trăng vàng hoàng kim Vinh Hiển đỏ” gồm 4 bánh x 160g vị cua bát bửu, thịt sốt tương BBQ, gà quay tứ quý và đậu xanh hạnh nhân có giá 1,3 triệu đồng.
Không chỉ bánh Trung thu “made in Việt Nam” chiếm lĩnh thị trường, các mặt hàng phục vụ dịp Tết này như lồng đèn, đầu lân… cũng đa số được sản xuất trong nước. Ghé vào một cửa hàng bán đồ chơi trên đường Trần Hưng Đạo, tôi bị thu hút bởi các lồng đèn, đồ chơi truyền thống đến những lồng đèn, đồ chơi hiện đại, chạy bằng pin.
Những chiếc đèn ông sao với nhiều màu sắc rực rỡ, những chiếc lồng đèn bằng giấy, hay mặt nạ… với giá vài chục nghìn đồng vẫn thu hút nhiều bạn nhỏ và các bậc phụ huynh. Bởi loại đồ chơi này gần gũi, mang nét truyền thống và giá bán tương đối rẻ so với các đồ chơi chạy bằng pin. Còn các đồ chơi chạy bằng pin, mẫu mã bắt mắt với các hình ảnh thú cưng, nhân vật hoạt hình, nhiều màu sắc, có âm thanh sinh động có giá bán từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng một chiếc cũng được nhiều bạn nhỏ và phụ huynh ưa chuộng. Cùng với đó, đầu lân là thứ không thể thiếu trong những ngày này. Tùy theo kích cỡ, chất liệu, giá đầu lân có thể dao động từ vài trăm đến vài triệu đồng một chiếc.
Chị Nguyễn Thị Kim Anh – phường Duy Tân, thành phố Kon Tum cho biết: Năm nào cũng vậy, gia đình tôi đều có thói quen mua bánh Trung thu cho các cháu và biếu cho ông bà. Bánh Trung thu tôi chọn là do các công ty trong nước sản xuất, được đóng hộp rất sang trọng, bắt mắt, hương vị rất ngon và bán giá cũng phù hợp với túi tiền. Còn đồ chơi cho các cháu nhỏ trong dịp Tết Trung thu, nhìn chung tôi vẫn thích mua đồ chơi truyền thống được làm thủ công cho các cháu vì gần gũi hơn, nhưng các cháu vẫn thích chơi lồng đèn chạy bằng pin. Vì thế tôi phải xem kỹ để lựa chọn các mặt hàng lồng đèn được sản xuất trong nước cho an toàn.
Có thể thấy, thói quen ưa chuộng hàng Việt của người tiêu dùng không chỉ xuất hiện trong ngày thường mà còn thể hiện trong dịp Tết Trung thu. Kết quả đó, có sự đóng góp không nhỏ của những nhà sản xuất bánh Trung thu khi không ngừng cải tiến về mẫu mã, chất lượng các mặt hàng phục vụ trong dịp Tết này, đáp ứng thị hiếu, nhu cầu của người tiêu dùng.
Văn Tùng