Hàng Việt chiếm ưu thế trên thị trường Tết
Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 cận kề, không khí mua sắm Tết bắt đầu nhộn nhịp. Nhìn chung năm nay hàng hoá phục vụ cho nhu cầu đón Tết đa số là hàng “made in Viet Nam”, với mẫu mã phong phú, đa dạng, chất lượng đảm bảo, giá thành phù hợp với người tiêu dùng.
Dạo quanh các tuyến đường chính trên thành phố Kon Tum, từ các cửa hàng tạp hoá nhỏ lẻ đến các siêu thị, hay trong các khu chợ truyền thống có thế thấy các sản phẩm phục vụ Tết được sản xuất trong nước có mẫu mã, màu sắc rất bắt mắt, thu hút người tiêu dùng.
Ngoài các mặt hàng chủ đạo như bánh, mứt, kẹo, đồ uống…, đồ gia dụng, quần áo, giày dép… sản xuất trong nước cũng được người tiêu dùng ưu tiên chọn lựa.
Theo đánh giá của các tiểu thương, nhờ tác động từ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” mà nhiều năm nay, các loại bánh kẹo sản xuất trong nước thực sự đã chiếm lĩnh thị trường Tết. Hơn nữa, những năm trở lại đây, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước vẫn không ngừng cải thiện mẫu mã, chất lượng sản phẩm và hơn hết là đưa ra giá thành phù hợp để người tiêu dùng thoải mái lựa chọn.
|
Thực tế cho thấy, trên các kệ trưng bày tại các cửa hàng tạp hoá, siêu thị, cùng một thương hiệu bánh nhưng được sản xuất với nhiều sản phẩm gồm hộp giấy, hộp nhôm, có kích cỡ, chủng loại, hương vị khác nhau. Từ đó, người tiêu dùng có thể chọn mua sao cho phù hợp mục đích sử dụng làm quà biếu hay trưng Tết, hoặc chọn mua theo khẩu vị của người tiêu dùng.
Chị Phạm Thu Hiền – đường Nguyễn Trường Tộ (phường Duy Tân, thành phố Kon Tum) cho biết: Năm nay, thị trường bánh kẹo Tết rất đa dạng với nhiều loại khác nhau, hàng nội, ngoại đều có. Mới đây tôi đi mua sắm bánh kẹo Tết nên nhận thấy hàng Việt Nam chiếm ưu thế tại các cửa hàng. Bánh kẹo Tết được sản xuất trong nước có mẫu mã bắt mắt không kém hàng ngoại, giá cả hợp lý, mà chất lượng đảm bảo nên tôi rất yên tâm khi chọn mua.
Ngoài bánh, kẹo, các loại mứt cũng là món ăn mà người Việt ưa chuộng trong ngày Tết. Trước đây, mứt Tết thường sản xuất theo hộ gia đình, còn thô sơ và hạn chế về mẫu mã, chủng loại. Giờ đây, nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, nhiều công ty, cơ sở sản xuất đã đưa ra nhiều sản phẩm với các loại mứt trái cây khác nhau, đóng hộp sang trọng, bắt mắt. Tuy nhiên, trên thị trường vẫn còn tồn đọng nhiều loại mứt “kí” được sản xuất không rõ nguồn gốc, được bán với giá rẻ hơn rất nhiều, do đó người tiêu dùng cần cân nhắc kĩ khi lựa chọn các loại mứt “kí” này.
Ngày Tết không thể thiếu món trái cây sấy, các loại thịt sấy như gà, bò, cá, mực khô… Vì nhu cầu tiêu dùng của khách hàng ngày càng nhiều, nên ngày càng có nhiều nhà sản xuất trái cây sấy có thương hiệu trong nước như Công ty Nam Huy Đồng Tháp, Cơ sở Việt chuối, Cửa hàng xoài sấy dẻo Việt Nam, Cửa hàng trái cây ASIA – Đà Nẵng… và một số nhà sản xuất thịt sấy có tên tuổi trong nước như Công ty TNHH Thịt bò khô Xuân Hương, Khô gà Nhu Lan, Khô gà cay Hoàng Anh…
Chị Hà Lê – một tiểu thương ở chợ Trung tâm thương mại (thành phố Kon Tum) cho biết: Ngoài các công ty, cơ sở sản xuất mang thương hiệu Việt, người tiêu dùng còn có thói quen lựa chọn các sản phẩm “nhà làm”. Cửa hàng tôi cũng nhập các mặt hàng do các hộ gia đình sản xuất uy tín, có nguồn gốc rõ ràng phục vụ nhu cầu Tết của người tiêu dùng. Nhìn chung, năm nay dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng thị trường Tết vẫn rất sôi động, hơn 90% là hàng Việt Nam, thu hút người tiêu dùng bởi mẫu mã, chủng loại và giá cả hợp lý.
Việc người tiêu dùng dành sự ưu ái, tin tưởng lựa chọn hàng Việt cho thấy sự thay đổi thói quen trong việc mua sắm của người dân hiện nay, từ đó góp phần giúp hàng Việt Nam giành phần thắng trên "sân nhà". Sự chuyển biến này có phần không nhỏ nhờ hiệu ứng tích cực từ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được các cấp, các ngành đẩy mạnh triển khai thực hiện thời gian qua.
Văn Tùng