Ghi nhận từ một phiên chợ
“Cần có nhiều phiên chợ nông nghiệp sạch đúng nghĩa “hàng Việt Nam chất lượng cao” như thế này để người tiêu dùng yên tâm chọn lựa và sử dụng” – đó là lời bày tỏ chung từ nhiều khách mua sắm tại phiên chợ Nông nghiệp sạch được UBND huyện Đăk Hà tổ chức vào 2 ngày 10-11/10 tại Quảng trường 24/3.
Phiên chợ Nông nghiệp sạch được tổ chức với quy mô 20 gian hàng của các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn huyện và một số gian hàng của các huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông và Đăk Tô. Hàng hóa được trưng bày giới thiệu rất đa dạng và phong phú như các sản phẩm chế biến từ cà phê, gạo thơm, nếp than, mật ong, các loại rau củ quả, giống cây, dược liệu, các loại trái cây sấy, măng khô, các loại rượu, hàng thủ công mỹ nghệ, chế phẩm vi sinh phục vụ sản xuất nông nghiệp…
Đến với phiên chợ sạch, người tiêu dùng thoải mái và yên tâm lựa chọn vì những sản phẩm rau củ quả ở đây được chăm sóc theo phương thức hữu cơ; một số mặt hàng như chế phẩm sinh học, thảo dược, rượu, trái cây sấy… đều được sản xuất tại Kon Tum.
|
Lặn lội từ thị trấn Sa Thầy đến tham quan phiên chợ, chị Lê Thị Tuyết Trinh (42 tuổi) tỏ ra hào hứng với những sản phẩm trái cây sấy: “Từ 6 giờ sáng, gia đình chúng tôi đã sắp xếp đến đây tham quan với mong muốn mua được nhiều mặt hàng sạch, chất lượng. Trước đây, gia đình tôi thường chọn mua các loại trái cây sấy của Thái Lan. Tới phiên chợ này, tôi rất ngạc nhiên khi biết ở Kon Tum có cả công ty sản xuất trái cây sấy, đủ các loại chuối, mít, khoai… ngon không thua kém gì trái cây sấy Thái Lan, lại còn sạch nữa”.
Là nhân viên quản lý gian hàng trái cây sấy của Công ty TNHH A PANAX ở thôn 10, xã Đăk Hring (huyện Đăk Hà), anh Phan Đình Trúc (43 tuổi) chia sẻ: Công ty chúng tôi mới thành lập nên nhiều người chưa biết đến. Qua phiên chợ này, chúng tôi mong muốn đem đến cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh các loại trái cây sấy đảm bảo chất lượng, vệ sinh và giá cả phù hợp.
|
Cũng tấp nập khách ra vào như gian hàng trái cây sấy, mặt hàng trái cây tươi hữu cơ nhận được sự ủng hộ rất lớn từ người dân. Chị Lê Thị Cúc – chủ gian hàng trái cây hữu cơ xã Ngọc Wang (huyện Đăk Hà) cho biết: “Gian hàng của tôi gồm nhiều loại trái cây như ổi, mận, cam, quýt, bưởi, sầu riêng, hồng xiêm… được trồng theo phương thức hữu cơ. Tham gia phiên chợ, chúng tôi mong muốn đưa các loại trái cây sạch đến với người tiêu dùng. Tôi nhận thấy trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại trái cây Trung Quốc được bán tràn lan tại các chợ, siêu thị… mà toàn bán với giá “trên trời”, trong khi trái cây trồng ở địa phương vừa sạch, tươi, rẻ nữa nên được nhiều người ưa chuộng”.
|
Thấy nhiều người tỏ vẻ nghi ngờ về độ “sạch” của trái cây, chị Cúc chỉ tay sang gian hàng chế phẩm sinh học, nói chắc nịch: “Để trồng cây ăn trái theo phương thức hữu cơ, tôi dùng các loại phân bón hữu cơ và phòng trừ sâu bệnh bằng chế phẩm sinh học được sản xuất tại Việt Nam. Chế phẩm tôi dùng cũng đang được bày bán tại phiên chợ này nên các bạn có thể tìm hiểu rõ hơn về công dụng và thành phần của chúng”.
Không riêng các loại rau củ quả, các mặt hàng dược liệu cũng nhận được sự quan tâm lớn từ khách tham quan phiên chợ. Sắp xếp công việc nhà lên tham quan phiên chợ, chị Lý Thị Yến – đường Huỳnh Thúc Kháng (phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) phấn khởi cho biết: Chồng tôi rất thích sưu tầm và thưởng thức các loại rượu. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại rượu, nếu dùng mắt thường rất khó phân biệt được hàng giả và thật. Đối với rượu ngoại, giá cả đã cao mà còn mua nhầm phải hàng giả nữa thì chỉ biết “kêu trời”. Chính vì thế, thay vì sưu tầm rượu ngoại thì gia đình tôi mua các loại dược liệu như sâm dây, sâm Ngọc Linh, mật ong, hạt ngũ vị tử… về ngâm cho an toàn, vừa đẹp còn chất lượng.
|
Chia sẻ với phóng viên, chị Mai Thị Luân (42 tuổi) – chủ gian hàng sản phẩm đặc trưng huyện Tu Mơ Rông cho biết: Đến với gian hàng lần này, gia đình tôi đem những sản vật trời ban cho rừng Tu Mơ Rông đến với mọi người. Đây không chỉ là những sản phẩm sạch, tốt cho sức khỏe mà còn là hàng thật nên người tiêu dùng có thể yên tâm. Hiện nay, thú sưu tầm rượu dần phổ biến với nhiều gia đình, thay vì sưu tầm rượu ngoại, sâm Hàn Quốc vừa đắt lại sợ hàng giả, người sưu tầm dùng các hàng rừng tự nhiên vừa sạch, lại còn chuẩn hàng Việt.
Từ phiên chợ, có thể thấy, việc lựa chọn, sử dụng hàng nội của người tiêu dùng đã có những chuyển biến tích cực. Cũng dễ hiểu bởi hàng hóa của Việt Nam ngày càng được cải thiện về mẫu mã, chất lượng và giá cả nên ngày càng thu hút người tiêu dùng. Hy vọng trong thời gian tới, để chiếm lĩnh “sân nhà”, cùng với các kênh bán hàng hiện đại, các nhà sản xuất, kinh doanh, ngành chức năng cần tạo ra nhiều phiên chợ hàng Việt chuẩn sạch; cùng với đó cũng cần có những cơ chế, giải pháp thiết thực để tạo dựng, nâng cao vị thế của hàng Việt ở chợ truyền thống, nhất là các chợ đầu mối bán buôn.
Văn Tùng