Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”: Phát huy vai trò của MTTQVN và các tổ chức đoàn thể
Qua 10 năm thực hiện, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, tạo được chuyển biến rõ nét trong nhận thức của người dân, các cấp, các ngành về sử dụng hàng Việt. Đây là kết quả từ sự vào cuộc của hệ thống chính trị, trong đó, không thể không kể tới vai trò của MTTQVN và các tổ chức đoàn thể chính trị các cấp.
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (gọi tắt là Cuộc vận động) tỉnh, suốt những năm qua, MTTQVN và các tổ chức đoàn thể đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng Cuộc vận động bằng việc mua sắm các sản phẩm do các doanh nghiệp trên địa bàn sản xuất, tạo điều kiện để khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh phát triển.
Theo đó, hằng năm, MTTQVN các cấp và các tổ chức đoàn thể chính trị chủ động xây dựng kế hoạch triển khai Cuộc vận động gắn với thực hiện nhiệm vụ và các phong trào thi đua của tổ chức mình. Chẳng hạn như MTTQVN lồng ghép Cuộc vận động với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; Tỉnh đoàn triển khai phong trào “Thanh niên ưu tiên dùng hàng Việt”; Hội LHPN tỉnh tổ chức diễn đàn “Phụ nữ ưu tiên dùng hàng Việt”, “Phụ nữ trong văn hóa tiêu dùng”; Hội Nông dân tỉnh phát động phong trào “Nông dân sản xuất hàng hóa có chất lượng cao và ưu tiên sử dụng vật tư nông nhiệp trong nước”...
Trong 10 năm, MTTQVN các cấp và các tổ chức đoàn thể đã tổ chức được trên 7.400 cuộc tuyên truyền từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn thu hút trên 325.000 lượt người tham gia; hơn 400 hội nghị - tọa đàm, diễn đàn về thực hiện Cuộc vận động…
|
Với vai trò là Thường trực Ban chỉ đạo Cuộc vận động, 10 năm qua, MTTQVN tỉnh tổ chức 95 buổi tập huấn, hướng dẫn việc triển khai Cuộc vận động cho cán bộ mặt trận cơ sở, nhằm phát huy vai trò của đội ngũ này trong việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia, hưởng ứng Cuộc vận động.
MTTQVN các cấp đã lồng ghép việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” nay là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Ủy ban MTTQVN các cấp đã đưa các nội dung thực hiện Cuộc vận động vào Bộ tiêu chí xây dựng khu dân cư văn hóa, tổ chức đăng ký giao ước thi đua hàng năm theo cụm thi đua khối huyện, thành phố; khối xã, phường, thị trấn và cụm dân cư...Từ đó, khơi dậy lòng yêu nước, tự hào đối với hàng Việt của mỗi người dân, nhắc nhở nhau dùng hàng hóa trong nước.
Phụ nữ là đối tượng tiêu dùng đông đảo nhất, đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành văn hóa tiêu dùng. Để khuyến khích chị em dùng hàng Việt, trong 10 năm qua, các cấp Hội LHPN tích cực quán triệt, tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ hưởng ứng Cuộc vận động bằng những việc làm thiết thực như ưu tiên mua sắm hàng Việt, nêu cao ý thức sử dụng hàng hóa nội địa trong tiêu dùng hằng ngày.
Cụ thể, Hội LHPN tỉnh đăng tải 200 thông tin tuyên truyền về Cuộc vận động trên trang thông tin điện tử của Hội; phối hợp với Hội LHPN các huyện, thành phố tổ chức nhiều đợt tập huấn, truyền thông về Cuộc vận động thông qua diễn đàn “Phụ nữ ưu tiên dùng hàng Việt”, “Phụ nữ trong văn hóa tiêu dùng”.
Bên cạnh đó, các cấp Hội LHPN đã tổ chức các gian hàng, hỗ trợ quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm hàng hóa do hội viên phụ nữ sản xuất tại các sự kiện Ngày phụ nữ khởi nghiệp, đối thoại và truyền thông chính sách hỗ trợ phụ nữ DTTS khởi nghiệp, triển lãm sâm Ngọc Linh và các sản phẩm dược liệu của tỉnh…
Thanh niên cũng là lực lượng tiêu dùng khá đông, do vậy, để nâng cao nhận thức của đoàn viên, thanh niên, tích cực hưởng ứng Cuộc vận động, trong những năm qua, các cấp bộ Đoàn trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh triển khai phong trào “Thanh niên đồng hành cùng hàng Việt” , ưu tiên sử dụng các sản phẩm, dịch vụ do các doanh nghiệp trong nước sản xuất, cung ứng.
Bằng nhiều hoạt động như tổ chức quán triệt về mục đích, ý nghĩa của Cuộc vận động; tổ chức các diễn đàn “Thanh niên Kon Tum ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tổ chức sinh hoạt chuyên đề, hiến kế giải pháp cổ động cho Cuộc vận động; tổ chức các hội thi; tổ chức các sân chơi để quảng bá các thương hiệu hàng Việt Nam...Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức của đoàn viên thanh niên trong việc mua sắm, sử dụng hàng hóa, hướng tới các mặt hàng mang nhãn hiệu “made in Vietnam”…
Qua tìm hiểu phóng viên, hiện nay, các sản phẩm hàng hóa mà giới trẻ sử dụng nhiều nhất là quần áo, giày dép, mỹ phẩm và một số đồ dùng cá nhân khác. Nhìn chung, các sản phẩm hàng hóa Việt hiện có trên thị trường đều có chất lượng tốt, giá cả vừa phải, phù hợp với tâm lý, thị hiếu và nhu cầu của tầng lớp thanh thiếu niên. Đa số các các bạn trẻ khi được hỏi đều bày tỏ sự hài lòng, tin tưởng lựa chọn, sử dụng các loại hàng hoá trong nước.
Công tác tuyên truyền của MTTQVN các cấp và các tổ chức đoàn thể chính trị góp phần làm chuyển biến nhận thức của người dân trên địa bàn tỉnh và các cơ quan, đơn vị trong việc tiêu dùng hàng Việt. Khoảng 75% người tiêu dùng trong tỉnh đã tin tưởng lựa chọn và sử dụng hàng hóa do các nhà sản xuất trong nước cung ứng; các cơ quan, đơn vị khi mua sắm tài sản công cũng đã dành nhiều ưu tiên lựa chọn những sản phẩm, dịch vụ là hàng sản xuất tại Việt Nam; tâm lý “sính” hàng ngoại được hạn chế.
Thiên Hương