Trưởng thành từ quân ngũ
Với kiến thức tích lũy được từ những năm trong quân ngũ, anh A Ngọc ở làng Đăk Viên, xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông đã khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để trở thành điển hình làm kinh tế giỏi.
Sau gần 10 năm lao động vất vả, vườn sâm Ngọc Linh trên 1.000 gốc của anh A Ngọc đã cho “quả ngọt”. Ngoài thu hoạch được hạt giống, lá sâm, vườn sâm của nhà A Ngọc đã có những cây sâm có giá trị hơn 30 triệu đồng. Đây cũng là lý do vào mỗi dịp cuối tuần, vườn sâm của A Ngọc luôn có nhiều thanh niên đến tham quan, học hỏi. Những dịp này, anh luôn tận tình chỉ bảo, hướng dẫn các bạn kỹ thuật lấy giống, cách trồng, chăm sóc cây sâm Ngọc Linh mà bản thân mình tích lũy được trong nhiều năm. Nhờ học hỏi từ A Ngọc, nhiều thanh niên của làng Đăk Viên đã từng bước hình thành vườn sâm Ngọc Linh riêng của mình.
Anh A Toàn, một thanh niên trong làng Đăk Viên cho biết: Sau khi đi bộ đội về, anh A Ngọc đã đem những kiến thức đã tiếp thu được trong quân đội áp dụng vào làm kinh tế, nay anh cũng đã xây được nhà, có xe máy, rồi tạo dựng được cả vườn sâm nữa. Tôi cũng học theo A Ngọc trồng được 300 cây sâm, sau này lấy giống, phát triển thêm thành vườn sâm Ngọc Linh của riêng mình.
|
Ngược dòng thời gian, năm 2009 chàng trai Xơ Đăng A Ngọc lên đường nhập ngũ khi tròn 22 tuổi. Quãng thời gian 3 năm quân ngũ, trải qua các cương vị từ chiến sĩ đến tiểu đội trưởng của Đại đội 188, Ban CHQS huyện Ngọc Hồi, rồi được cử đi đào tạo sĩ quan dự bị tại Trường Quân sự Quân khu 5. Nhờ được tôi luyện tính kỷ luật, làm việc khoa học trong quân đội, A Ngọc đã tự tin hơn, trưởng thành hơn rất nhiều. Anh tâm sự: Đi bộ đội, tôi học được rất nhiều điều, học tính cần cù, siêng năng, không ngại khó, ngại khổ, làm việc phải có kế hoạch; phải áp dụng khoa học kỹ thuật, phải đặt ra mục tiêu cụ thể để phấn đấu. Sau này, những lúc gặp khó khăn, tôi lại điện hỏi thủ trưởng ở đơn vị cũ để được chỉ bảo thêm.
Không chỉ dừng lại ở trồng sâm Ngọc Linh, A Ngọc còn tranh thủ nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước để đầu tư sản xuất nông nghiệp với phương châm lấy ngắn nuôi dài. Nhờ vậy, gia đình A Ngọc đã có 2ha cà phê, 2ha mì, 0,5ha bời lời, 0,2ha sâm dây và nuôi 10 con trâu, bò. Anh chia sẻ, nếu không đi bộ đội, có lẽ anh vẫn chưa thoát được vòng luẩn quẩn của đói nghèo. Tính cần cù chịu khó, gương mẫu, sáng tạo của A Ngọc không chỉ được bà con tin yêu, học hỏi, mà còn được các đoàn thể, địa phương ghi nhận. Anh là đầu tàu của thanh niên trên địa bàn xã Tê Xăng trong việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm trên vùng đất vốn nhiều gian khó này.
Đánh giá về mô hình kinh tế của A Ngọc, Phó Bí thư Đoàn xã Tê Xăng A Nghĩa cho biết: Hiện giờ mô hình tổ hợp của A Ngọc hoạt động rất hiệu quả, Đoàn xã đang lấy mô hình này để nhân rộng ra cho thanh niên trong xã học tập và làm theo. Đặc biệt là A Ngọc đã dám nói, dám làm, nghĩ được, làm được, tiên phong trong thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho thanh niên DTTS nơi đây.
Trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông nói riêng và ở tỉnh Kon Tum nói chung; những điển hình tiên tiến được tôi luyện, trưởng thành từ quân ngũ làm kinh tế giỏi như A Ngọc là điểm sáng, góp phần tô đẹp thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong cuộc sống đời thường.
Trung Kiên