Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tuấn mê bảo vệ động vật hoang dã
Nguồn thu nhập của giáo viên không thể “cứu giúp” những con vật hoang dã, anh đã tranh thủ nguồn ủng hộ từ người thân, các cựu sinh viên đã từng theo học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Kon Tum đang công tác trên địa bàn; viết thư gửi đến các tổ chức, cá nhân kêu gọi sự giúp đỡ trong công tác bảo tồn động vật hoang dã...
|
Gần 15 năm giảng dạy, Tiến sĩ Sinh học Nguyễn Thanh Tuấn - Phó phòng Đào tạo (Trường Cao đẳng Sư phạm Kon Tum) có 8 năm lặn lội khắp các khu rừng nguyên sinh ở hai tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum để nghiên cứu, khảo sát khu hệ thú động vật hoang dã nhằm kêu gọi sự quan tâm của xã hội đối với việc bảo vệ nhiều loài động vật quý hiếm đang có nguy cơ tận diệt…
Năm 1998, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Quy Nhơn với chuyên ngành Sinh học – Kỹ thuật nông nghiệp, anh Tuấn về công tác tại Trường Cao đẳng Sư phạm Kon Tum. Đến đầu năm 2013, anh bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ Sinh học với đề tài “Bước đầu nghiên cứu đa dạng khu hệ thú làm cơ sở khoa học cho quản lý và bảo tồn thú hoang dã” ở tỉnh Quảng Ngãi.
Chính 42 chuyến đi thực địa với gần 500 ngày ở 15 xã của các huyện Ba Tơ, Trà Bồng, Sơn Hà (Quảng Ngãi) đã giúp Nguyễn Thanh Tuấn khám phá nhiều sự tương đồng về môi trường sống và phát triển của một số loài động vật quý hiếm ở Kon Tum, trong đó có khu hệ trú Linh trưởng nói chung và họ Vooc Chà vá chân xám nói riêng đang có nguy cơ tuyệt chủng, được phân bố ở một số huyện thuộc các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định và Kon Tum.
Anh Tuấn cho biết: Năm 2013, sau khi hoàn thành chương trình tiến sĩ, với những tư liệu quý có trong tay, tôi càng thêm say mê nghiên cứu, khám phá khoa học về đời sống, phát triển của những động vật hoang dã. Năm 2008, tôi đã cùng một số thầy giáo ở Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) về khu lưu trú một số loài Linh trưởng, Vooc Chà vá chân xám khu vực vườn quốc gia Chư Mom Ray (huyện Sa Thầy) và các xã ở huyện Kon Plông.
“Mỗi chuyến đi, tôi học được rất nhiều điều thú vị về cuộc sống sinh tồn của các loài động vật quý, hiếm ở rừng. Nhiều khi chúng tôi khởi hành 7 giờ sáng và kết thúc 4 giờ chiều chỉ theo một đàn Chà vá chân xám để tìm hiểu nếp sinh hoạt hàng ngày của chúng, từ di chuyển trên cây, lúc nghỉ ngơi đến các phương thức tự nhiên chia nhau tìm thức ăn, quây quần tự vệ xua đuổi và tấn công trước mối đe dọa của các loài thú khác để sinh tồn” - anh Tuấn chia sẻ.
Từ tháng 9 đến tháng 12/2013, Tiến sĩ Tuấn tiếp tục nghiên cứu, xây dựng kế hoạch đi thực tế, sau đó hoàn thành bản thảo đề tài nghiên cứu khoa học với tên gọi “Nghiên cứu, giáo dục tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân góp phần bảo tồn động vật hoang dã quý hiếm ở huyện Kon Plông” nhằm kêu gọi tài trợ của các tổ chức trong và ngoài nước quan tâm đến công tác bảo vệ động vật hoang dã.
Trong thời gian chờ các tổ chức này có thông tin phản hồi, Tiến sĩ Tuấn tranh thủ các ngày nghỉ không có tiết dạy ở trường để trở lại những cánh rừng nguyên sinh ở các xã thuộc huyện Kon Plông. Ở đó, anh đã nhận được sự giúp đỡ của chính quyền, các ngành chức năng liên quan và mỗi chuyến đi đều được hỗ trợ từ 1 đến 2 người dân có kinh nghiệm đi rừng do thôn trưởng, già làng giới thiệu.
Không dưới 5 đợt đi rừng, Tiến sĩ Tuấn bắt gặp các tốp thợ săn bẫy thú trong rừng, sản phẩm thu về của họ chủ yếu là Chà vá chân xám và một vài con thú hoang khác như chồn, nhím, khỉ đuôi lợn, khỉ mặt đỏ... Anh Tuấn đã chọn cách thương lượng với thợ săn để mua lại những con vật còn sống nhưng bị thương do sập bẫy. Sau đó mang chúng về lán trại tự chăm sóc bằng kinh nghiệm của người đi rừng, chờ đến khi con vật khỏe lại thả về môi trường tự nhiên thân thuộc.
Tuy nhiên, với nguồn thu nhập của giáo viên chưa đủ cho những chuyến đi thực địa, nên việc ra tay “cứu giúp” những con vật hoang dã của anh Tuấn khá chật vật. Để bảo tồn động vật hoang dã, khi về các xã, anh đã tìm mọi nguồn ủng hộ từ người thân, đến vận động các cựu sinh viên đã từng theo học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Kon Tum đang công tác trên địa bàn... Anh còn viết thư gửi đến các giáo sư (ở Trường Đại học Khoa học Tự nhiên) đã từng hướng dẫn làm luận án để nhờ giới thiệu các tổ chức, cá nhân giúp đỡ trong công tác bảo tồn động vật hoang dã.
Đến tháng 10/2013, Trạm cứu hộ động vật hoang dã tại Thành phố Hồ Chí Minh (thuộc Tổ chức bảo vệ động vật hoang dã Wildlife At Riste - viết tắt là WAR, tổ chức phi Chính phủ Australia) đã nhận tài trợ 2.000USD cho giai đoạn 6 tháng, giúp Tiến sĩ Tuấn có kinh phí cứu động vật hoang dã quý hiếm tại địa bàn huyện Kon Plông.
Mặt khác, qua nhiều kênh thông tin khác nhau, nhiều người đã ủng hộ tấm lòng nhiệt tình của anh, trong đó có thầy giáo Trần Quốc Việt - Trường THCS Măng Bút (Kon Plông) đã cứu sống 9 cá thể Vooc Chà vá chân xám và cùng anh chăm sóc, chuyển các cá thể này về rừng.
Tiến sĩ Tuấn cho biết: Sau đợt khảo sát và có những số liệu tổng hợp cơ bản, tôi sẽ có báo cáo tổng thể và triển khai một số giải pháp khả thi hỗ trợ công tác tuyên truyền liên quan đến học sinh các trường học (nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa), người dân ở các khu dân cư về tham gia bảo vệ động vật hoang dã. Nhằm kêu gọi toàn xã hội nâng cao ý thức không “tận diệt” thú rừng bằng mọi cách như săn, bắn, bẫy động vật tự nhiên bừa bãi; cấm khai thác rừng tràn lan để làm nương rẫy; đồng thời, phối hợp với chính quyền các địa phương hình thành môi trường phát triển kinh tế gắn vườn ao chuồng và phát triển rừng bền vững trong chăn nuôi, trồng trọt.
Mai Trâm