Sáng tạo trong giảng dạy
Tìm tòi, sáng tạo, thầy Nguyễn Vĩnh Học - giáo viên bộ môn âm nhạc, Trường Trung học cơ sở Nguyễn Huệ (thành phố Kon Tum) đã đưa công cụ hỗ trợ dạy nhạc: “Bản nhạc được hỗ trợ âm thanh” do mình sáng chế vào trong công tác giảng dạy, học tập và đã đem lại hiệu quả cao...
Đến nay, thầy Nguyễn Vĩnh Học vẫn áp dụng công cụ hỗ trợ dạy nhạc: “Bản nhạc được hỗ trợ âm thanh” do chính mình sáng tạo từ năm 2013 vào việc giảng dạy. Công cụ hữu hiệu, thiết thực vừa giúp thầy thao tác dễ dàng hơn, tiết kiệm thời gian trong quá trình chuẩn bị, đồng thời giúp học sinh đồng bộ phản xạ nghe nhìn, đem lại hiệu quả cao trong học tập.
“Trước đây, trường có 2 giáo viên dạy âm nhạc, nay chỉ còn mình tôi dạy thôi. Cũng nhờ sáng chế “Bản nhạc được hỗ trợ âm thanh”, việc soạn giảng của tôi nhẹ nhàng hơn, qua đó, đảm nhận việc dạy học tốt hơn” – thầy Học chia sẻ.
|
Xuất phát từ thực tiễn của bộ môn âm nhạc, trong quá trình dạy, giáo viên phải vừa thuyết giảng về phần lời, vừa đánh đàn đệm nhạc, luyện giọng… gây khó khăn trong quan sát, kiểm soát việc học của học sinh. Thầy Học suy nghĩ: Phải tạo ra một công cụ hỗ trợ dạy nhạc để giúp giáo viên tiết kiệm được thời gian soạn giảng từ đó quan sát, theo dõi quá trình học của các em tốt hơn; gây hứng thú cho học sinh, đem lại hiệu quả trong việc học.
Năm học 2013-2014, cùng với việc dạy, thầy Học dành thời gian nghiên cứu, sáng tạo ra công cụ dạy nhạc. “Cũng trong năm học đó, tôi hoàn thành công cụ hỗ trợ dạy nhạc “Bản nhạc được hỗ trợ âm thanh”. Khi áp dụng thử, thấy hiệu quả, thật sự rất mừng. Thời điểm đó, nhà trường, đồng nghiệp rất ủng hộ, động viên, khích lệ để tôi hoàn thành” – thầy Học nhớ lại.
“Bản nhạc được hỗ trợ âm thanh” được thầy Học từng bước đưa vào trong bài giảng. Không còn phải tự đánh đàn hay vẽ từng nốt nhạc lên trên bảng, nhờ công cụ hỗ trợ, thầy Học trình diễn bài học lên máy chiếu. “Âm thanh chạy đến đâu, hiệu ứng ánh sáng chạy đến đấy. Các em vừa thấy nốt nhạc, nghe được âm thanh của từng nốt và cả lời bài hát. Ngày trước phải nhìn thầy giảng trên bảng xong rồi các em mới bắt đầu nghe và học hát theo đàn, khi có công cụ hỗ trợ, các em được đồng bộ phản xạ nghe nhìn, việc học dễ dàng hơn nhiều” – thầy Học cho biết.
Không chỉ giúp các em dễ dàng trong tiếp thu, nhờ có công cụ hỗ trợ, giáo viên tiết kiệm được thời gian chuẩn bị đàn, vẽ nốt nhạc lên bảng. Từ đó, có thêm thời gian luyện giọng cũng như quan sát các em trong giờ học.
Công cụ hỗ trợ dạy nhạc nhanh chóng được nhiều thầy cô trong trường cũng như ngoài trường biết đến, ủng hộ. Nhiều giáo viên từ các trường khác cũng đến tìm hiểu, nhờ thầy Học hướng dẫn cách sử dụng để áp dụng vào việc giảng dạy.
“Bản nhạc được hỗ trợ âm thanh” của thầy Học được đánh giá cao và đạt giải Khuyến khích trong Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Kon Tum năm 2015. Cũng trong năm đó, thầy Học được nhận Bằng Lao động sáng tạo do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng.
Với những hiệu quả do chính sáng tạo của mình đem lại, thầy Học cho biết, sẽ tiếp tục phát huy và đưa những ưu điểm của công cụ này vào giảng dạy. “Thực tế “Bản nhạc được hỗ trợ âm thanh” vẫn còn bộc lộ những hạn chế. Dù hữu ích nhưng tôi không lạm dụng, nhiều lúc vẫn dạy theo kiểu thủ công để thay đổi cũng như tạo hứng thú cho học sinh. Hiện tại, tôi chưa có thêm ý tưởng mới nào, sau này, nếu có, tôi sẽ tiếp tục mày mò, sáng tạo để việc dạy và học tốt hơn” – thầy Học chia sẻ.
Bình An