Những cánh chim không mỏi
Cả 2 cô giáo đều mang trong mình những căn bệnh hiểm nghèo, nhưng họ vẫn lạc quan, như những cánh chim không mỏi, vượt qua hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật, hàng ngày đến với đàn em thân yêu…
Đúng dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay – ngày toàn xã hội tôn vinh những người cần mẫn làm công việc “đưa đò trí thức”, chúng tôi đã được gặp gỡ, chuyện trò với 2 cô giáo “đặc biệt”.
Gọi là “đặc biệt” cả 2 cô đều mang trong mình những căn bệnh hiểm nghèo, thậm chí là đối mặt với “cái chết được báo trước”, nhưng các cô vẫn lạc quan, như những cánh chim không mỏi, vượt qua hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật, hàng ngày đến với đàn em thân yêu…
“Công việc cho tôi thêm nghị lực…”
Vui vẻ, thân thiện, yêu nghề là điều mà bất cứ ai cũng dễ dàng nhận thấy khi tiếp xúc, trò chuyện với cô giáo Nguyễn Lê Tường Vi – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Thì Nhậm (xã Ia Chim, thành phố Kon Tum). Nhưng ít ai biết rằng, đằng sau nụ cười tươi luôn thường trực trên môi ấy là sự những giờ phút cô phải gồng mình chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo: ung thư máu.
|
Cô Nguyễn Lê Tường Vi nhớ lại: Đó là vào cuối năm 2011, khi tôi mới được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Thì Nhậm thì phát bệnh. Đi khám nhiều nơi, kết quả cuối cùng là tôi đang mang trong người căn bệnh ung thư máu đã bắt đầu bước vào giai đoạn cuối. Sau khi thực hiện một loạt các xét nghiệm, chẩn đoán y khoa, tôi được chỉ định hóa trị nhưng cơ hội và thời gian sống cũng chỉ tính bằng tháng, bằng ngày.
Xác định hoàn cảnh, nhanh chóng vượt qua sự hoang mang, lo sợ ban đầu, cô Nguyễn Lê Tường Vi đã chuẩn bị cho mình một tinh thần lạc quan, một kế hoạch vừa đảm bảo công tác tốt vừa thực hiện đúng phác đồ điều trị.
Cô Vi cho biết: Lúc mới phát hiện bệnh, tôi cũng suy sụp lắm. Nhưng rồi chính sự động viên của bạn bè, người thân, đồng nghiệp, đặc biệt là những ánh mắt thân thương của học trò đã thúc giục tôi đứng dậy, không cho phép mình gục ngã. Lúc ấy chỉ suy nghĩ đơn giản: mình phải tôn trọng và thương yêu chính bản thân mình. Tôi cố gắng gạt sang bên những lo lắng về bệnh tật, tuân thủ đúng những lời khuyên của bác sĩ về chế độ dinh dưỡng để có sức khỏe thực hiện hóa trị, đồng thời chuẩn bị cho mình một tinh thần lạc quan, sống vui vẻ và dành hết thời gian cho công việc, cho học sinh để không còn chỗ cho những suy nghĩ tiêu cực. Tôi luôn tâm niệm, quãng thời gian còn lại sẽ cố gắng làm thật nhiều việc có ích cho những người xung quanh, dành hết trí lực cho nghề giáo mà mình đã đam mê và lựa chọn.
Hơn 3 năm ròng rã chiến đấu với căn bệnh ung thư máu, trải qua 4 lần hóa trị, như một phép màu kỳ diệu, sức khỏe của cô giáo Nguyễn Lê Tường Vi dần bình phục. Cô vẫn khỏe mạnh, lạc quan, hàng ngày vẫn đều đặn gắn bó với mái trường thân yêu, say mê ươm mầm xanh trí thức. Ngay cả những y, bác sĩ điều trị cho cô cũng ngạc nhiên về những chuyển biến này. Những lúc ấy, cô Vi cười vui: Chính công việc đã cho tôi thêm nghị lực để từng ngày đấu tranh với... thần chết.
“Tôi hạnh phúc khi ở bên các em”
48 tuổi đời, cô giáo Nguyễn Thị Kiều Thu – giáo viên Trường Tiểu học Quang Trung, thành phố Kon Tum có tuổi nghề và “tuổi bệnh” tương đương nhau. Hơn 20 năm chống chọi với căn bệnh tim nguy hiểm là từng ấy thời gian cô kiên trì bám lớp, bám trường, đến với những trẻ em khuyết tật điểm trường Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Trải qua ca phẫu thuật hở van tim 2 lá và 3 lá, hàng chục năm qua cô Thu mang trong người van tim cơ học nhân tạo mà cô vẫn hay gọi vui đấy là “người bạn thân thiết”.
|
Tếu táo là vậy, nhưng đằng sau nỗi đau bệnh tật, cô giáo Nguyễn Thị Kiều Thu còn có một hoàn cảnh gia đình không may mắn mà chỉ có người thân, đồng nghiệp mới thấu hiểu. Cô bảo, với cô bây giờ, ngoài sự trưởng thành của con cái thì hàng ngày được đứng trên bục giảng là niềm vui, nguồn an ủi lớn lao. Ở một khía cạnh nào đó, cô và những học trò nhỏ khuyết tật của mình đều là những số phận kém may mắn. Chính vì vậy, cô càng yêu nghề, càng thương các em hơn.
Cô tâm sự: Ngay từ nhỏ tôi đã mơ ước được làm cô giáo. Rồi được dạy các em nhỏ khuyết tật, tôi càng ý thức được trách nhiệm và tự hào với nghề hơn. Dù đau ốm, bệnh tật, hoàn cảnh riêng nhiều nỗi buồn nhưng tôi chưa bao giờ hết yêu nghề. Ngược lại, được đứng trên bục giảng, gần gũi, yêu thương trẻ khuyết tật đã tiếp cho tôi thêm nghị lực, niềm tin để tiếp tục sống và chữa bệnh. Tôi luôn cảm thấy hạnh phúc khi được ở bên các em…
Dạy trẻ tiểu học đã khó, dạy trẻ em tiểu học khuyết tật càng khó trăm phần. Điều này đòi hỏi giáo viên phải thật sự kiên trì, yêu nghề. Không đơn thuần chỉ là cô giáo, các cô còn phải đóng vai trò như người mẹ để chăm sóc, vỗ về những mảnh đời bất hạnh. Chính vì vậy, những đợt tái khám của cô Nguyễn Thị Kiều Thu đều được sắp xếp vào những ngày cuối tuần hay dịp nghỉ lễ. Mỗi ngày đến trường, bên cạnh giáo án và đồ dùng dạy học, cô luôn phải mang theo bên mình thuốc điều trị và toàn bộ hồ sơ bệnh án, bởi bệnh tình của cô có thể phát bất cứ lúc nào.
Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng cô giáo Nguyễn Lê Tường Vi và Nguyễn Thị Kiều Thu đều là những tấm gương sáng về nghị lực vươn lên và lòng say nghề, yêu trường, mến trẻ. Các cô là những bông hoa ngát hương trong vườn hoa đẹp, đáng được tôn vinh và học tập.
Đỗ Yến