Nguyễn Quốc Tiến - bác sĩ của người nghèo
Chiều muộn, tại phòng khám nhỏ của bác sĩ Nguyễn Quốc Tiến (thôn Lâm Tùng, xã Ia Chim, thành phố Kon Tum), nhiều bệnh nhân nghèo vẫn còn ở đây để điều trị đợt thuốc cuối cùng. Hàng ngày, từ 6 giờ sáng đến 19 giờ tối, bác sĩ Tiến vẫn miệt mài làm công việc này miễn phí đối với các bệnh nhân nghèo ngay tại phòng khám của gia đình mình. Không những thế, bác sĩ Tiến còn tổ chức phát quà, quần áo từ thiện cho người dân trên địa bàn xã Ia Chim và các vùng lân cận…
Đến xã Ia Chim (thành phố Kon Tum), hỏi thăm bác sĩ từ thiện Nguyễn Quốc Tiến thì hầu như người dân nào cũng biết. Biết vì vị bác sĩ đáng kính này không những có tay nghề chuyên môn vững vàng, uy tín mà ở ông luôn có phong thái gần gũi, thân tình với bệnh nhân như chính người thân của mình. Vượt lên trên hết, đó là tấm lòng nhân ái, luôn sẵn sàng giúp đỡ những mảnh đời khó khăn, nghèo đói.
Sinh ra và lớn lên tại Thành phố Hồ Chí Minh, năm 1979 chàng thanh niên Nguyễn Quốc Tiến thi đỗ vào Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh. Sau hơn 4 năm theo học đại học, đến năm 1983 do hoàn cảnh khi tế gia đình quá khó khăn, Nguyễn Quốc Tiến đành bỏ học giữa chừng.
|
Sau khi nghỉ học, chàng thanh niên Nguyễn Quốc Tiến phải lăn lộn, làm rất nhiều nghề ở Thành phố Hồ Chí Minh để kiếm sống và cố gắng tích lũy tiền bạc nhằm tiếp tục đeo đuổi giấc mơ trở thành bác sĩ.
Với sự cần cù, chịu khó và quyết tâm của mình, đến năm 1994, một lần nữa Nguyễn Quốc Tiến lại thi đỗ vào Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh.
Sau 6 năm miệt mài học tập, năm 2000 ông Tiến cũng đã tốt nghiệp với tầm bằng Bác sĩ Đa khoa. Ra trường, bác sĩ Nguyễn Quốc Tiến vừa công tác ở Trung tâm Y tế quận 8 và vừa mở 1 salon mua bán, sửa chữa xe ô tô ở thành phố Hồ Chí Minh nên cuộc sống khá bận rộn.
Đến năm 2006, cuộc sống của bác sĩ Tiến lại gặp nhiều khó khăn, làm ăn thua lỗ nên ông Tiến đã phải “bỏ phố”, “lên rừng” và chọn mảnh đất Ia Chim để làm lại từ đầu.
Được bạn bè giới thiệu, bác sĩ Nguyễn Quốc Tiến xin về làm tại Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh Kon Tum và không lâu sau đó được phân công phụ trách Bệnh xá phong Đăk Kia. Trong thời gian công tác tại đây, hàng ngày bác sĩ Tiến chứng kiến cảnh khó khăn, thiếu thốn của những bệnh nhân nghèo nên ông luôn ao ước và tự hứa với bản thân mình nếu có cơ hội thì sẽ giúp đỡ người nghèo trong khả năng có thể…
Năm 2011, sau khi nhận quyết định nghỉ hưu, ông Tiến dành nhiều thời gian cho phòng khám nhỏ của gia đình mình. Trong thời gian khám, chữa bệnh tại gia đình, hàng ngày chứng kiến những mảnh đời khó khăn gánh chịu nỗi đau bệnh tật trong túng thiếu, ông Tiến rất cảm thương. Làm sao để san sẻ bớt những khó khăn với người nghèo là điều bác sĩ Tiến đau đáu khôn nguôi.
Sau nhiều lần suy nghĩ, bác sĩ Nguyễn Quốc Tiến mạnh dạn vận động, kêu gọi bạn bè, người quen trên cả nước cùng chung tay giúp đỡ người nghèo; đặc biệt là bạn bè thời học phổ thông cùng Trường Lý Tự Trọng Sài Gòn - Gia Định (ngôi trường dành riêng cho con liệt sĩ) và bạn bè thời sinh viên của mình hiện đang sinh sống, làm việc ở Thành phố Hồ Chí Minh giúp đỡ cho người vượt qua hoàn cảnh khó khăn.
Bác sĩ Nguyễn Quốc Tiến cũng đã tận dụng Facebook để kêu gọi mọi người trên cả nước cùng nhau chung tay giúp đỡ người nghèo. Bằng những việc làm ý nghĩa, rõ ràng, công khai về tài chính của mình, bác sĩ Tiến thường xuyên tổ chức các đợt làm từ thiện như phát quần áo, gạo, dầu ăn, mì tôm và tiền cho người nghèo trên địa bàn xã Ia Chim và các khu vực lân cận. Mỗi khi có bệnh nhân nghèo gặp những ca bệnh nặng, phải chuyển viện xuống Qui Nhơn, Thành phố Hồ Chí Minh hay Gia Lai bác sĩ Tiến đều giúp đỡ, hỗ trợ tiền xe đi lại, tiền ăn uống, tiền lưu trú…
Ông Phạm Lập - Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch UBND xã Ia Chim cho biết, trong thời gian bác sĩ Tiến sống tại địa phương luôn được bà con cảm kích vì những việc làm ý nghĩa của mình, ông luôn tìm cách giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Chính từ sự kết nối, tạo sự lan tỏa việc làm nhân văn trong cộng đồng, bác sĩ Tiến đã góp phần cùng với địa phương tạo điều kiện cho người dân có thêm cơ hội xóa đói, giảm nghèo...
Bên cạnh hàng trăm suất quà trao tận tay người dân, hàng trăm kilôgam quần áo, sách vở phát miễn phí, đến nay bác sĩ Tiến cũng đã khám, phát thuốc miễn phí cho trên 1.300 lượt bệnh nhân nghèo hoàn cảnh khó khăn, người đồng bào dân tộc thiểu số với tổng số tiền trên 130 triệu đồng. Trong đó, 30% số tiền là do gia đình ông Tiến tự bỏ ra, số còn lại là do gia đình mạnh thường quân Lâm Văn Cang (quận 8, thành phố Hồ Chí Minh) và một số người khác tài trợ.
Bác sĩ Nguyễn Quốc Tiến cho biết, hiện nay ông đang kêu gọi bạn bè ở Thành phố Hồ Chí Minh góp tiền để xây nhà tình nghĩa cho gia đình bà Y Lớk, ở thôn Lâm Tùng, xã Ia Chim vì gia đình thuộc diện khó khăn, nhà cửa xiêu vẹo, tạm bợ…
Chúng tôi chia tay bác sĩ Tiến, rời thôn Lâm Tùng vào buổi chiều muộn, mặt trời đã xuống núi. Đó đây, đèn điện được bật lên, ánh sáng như nhảy nhót, vui tươi trong ánh nhìn từ xa khi màn đêm dần buông xuống.
Tôi thầm nghĩ, trong câu chuyện của không ít gia đình người dân nghèo nơi đây vào bữa cơm tối, họ sẽ nhắc đến những việc làm thiện nguyện của bác sĩ Tiến với sự ấm áp, yêu thương. Trong lòng tôi dậy lên niềm vui khó tả.
Tôi tin rằng, người dân nơi đây sẽ luôn nghĩ về bác sĩ Nguyễn Quốc Tiến với tình cảm triều mến, thương yêu. Bởi, chính ông đã truyền cảm hứng cho họ về sự sẻ chia của những trái tim nhân hậu, biết sống vì người khác…
Đắc Vinh