Làm giàu từ chăn nuôi heo
Mạnh dạn phát triển mô hình chăn nuôi heo quy mô trang trại, gia đình ông Trần Văn Bản ở thôn Ia Kim, xã Đăk Năng (thành phố Kon Tum) đã vươn lên trở thành một trong những hộ được công nhận hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp thành phố.
Quê hương ông Trần Văn Bản ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình; năm 1980, ông theo gia đình vào Kon Tum lập nghiệp. Những năm đầu mới vào vùng đất mới này sinh sống, cũng như bao hộ dân đi kinh tế mới khác, gia đình ông chỉ biết trồng mỳ, lúa rẫy.
Năm 1990, cuộc sống dần ổn định, gia đình ông Bản bắt đầu trồng cây công nghiệp với hy vọng làm giàu trên vùng quê mới. Nhờ chịu khó làm ăn, gia đình ông Bản phát triển được 5ha cao su. Thời điểm vườn cao su cho thu hoạch, gia đình ông Bản trở thành một trong những hộ gia đình làm ăn khá giả trong vùng.
Năm 2014, thời điểm cao su bắt đầu rớt giá, ông Bản bàn với vợ đầu tư phát triển chăn nuôi heo theo hướng công nghiệp và quy mô trang trại. Dám nghĩ, dám làm, ông Bản bắt tay tìm tòi, nghiên cứu và dành khá nhiều thời gian cho những chuyến đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi heo tại nhiều tỉnh thành trong cả nước.
|
Tự tin vào những gì mình đã học được, ông Bản quyết tâm đầu tư 300 triệu đồng xây dựng 4 khu chuồng trại chăn nuôi heo theo hướng chăn nuôi công nghiệp gồm: khu chuồng nuôi heo bầu với 22 ô chuồng, khu chuồng nuôi heo nái đẻ với 6 ô chuồng, khu chuồng nuôi heo cai sữa với 3 ô chuồng, khu chuồng nuôi heo thịt với 9 ô chuồng; mua con giống ban đầu, thức ăn; lắp đặt các trang thiết bị, công nghệ hiện đại phục vụ cho việc chăn nuôi heo.
Nhiều người dân trong vùng cho rằng ông Bản quá mạo hiểm vì giá cả thị trường của vật nuôi này luôn biến động thất thường, phần nguy cơ dịch bệnh rủi ro cao. Còn đối với ông Bản, chuyển sang “làm ăn lớn” cũng thấy lo nhưng ông tin rằng với hướng chăn nuôi heo sạch sẽ mang lại thành công.
Để chủ động con giống trong chăn nuôi đồng thời hạn chế dịch bệnh khi mua heo giống từ bên ngoài về, ông Bản đã đầu tư mô hình chăn nuôi khép kín. Lúc nào trang trại chăn nuôi của ông Bản cũng có từ 22 con heo nái, 100 con heo thịt và vài chục con heo con. Heo mẹ đẻ ra heo con, số ít để giống, số còn lại ông nuôi heo thịt xuất chuồng, cứ thế xoay vòng.
Mỗi năm, trang trại heo của gia đình ông Bản xuất chuồng từ 350-400 con heo thịt, trung bình mỗi tháng xuất chuồng 1 đợt, tập trung thị trường trong tỉnh.
Để bảo vệ môi trường trong chăn nuôi, ông Bản còn lắp đặt hệ thống xử lý nước thải, hầm biogas…
Ông Bản cho biết, so với chăn nuôi truyền thống, chăn nuôi theo hướng công nghiệp khỏe hơn rất nhiều, nhất là không phải tốn nhiều thời gian để lo thức ăn cho vật nuôi hay việc tắm rửa, vệ sinh chuồng trại cho vật nuôi cũng đã có hệ thống bơm tưới tự động.
Tuy nhiên, khác với chăn nuôi heo theo kiểu truyền thống, chăn nuôi công nghiệp đòi hỏi nhà nông cũng phải có kiến thức thú y vững vàng; phải thường xuyên theo dõi sức khỏe đàn heo để kịp thời xử lý những mầm bệnh phát sinh, rồi định kỳ phải tiêm phòng các loại vắc xin cho vật nuôi. Việc làm này với ông Bản là không hề khó bởi trước khi đầu tư mô hình ông đã bỏ rất nhiều thời gian để học tập các bước, các khâu kỹ lưỡng.
Chỉ trong năm đầu tiên chăn nuôi heo theo mô hình trang trại, gia đình ông Bản đã thu hồi được nguồn vốn đầu tư ban đầu. Đến nay, mỗi năm, thu nhập trung bình từ trang trại nuôi heo của gia đình ông khoảng 1 tỷ đồng, sau khi trừ hết chi phí cũng còn lãi được 300 triệu đồng.
Tú Quyên