Khát vọng làm giàu trên vùng đất khó
Hoàn cảnh gia đình khó khăn, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, Phan Duy Linh (27 tuổi) phải từ bỏ ước mơ đại học, chuyển hướng làm nông nghiệp nơi vùng biên Ia H’Drai.
Sinh ra và lớn lên tại tỉnh Bình Định, tuổi thơ của Duy Linh chủ yếu gắn bó với ông bà, bởi ba mẹ anh phải bôn ba khắp nơi để mưu sinh. Đến năm 2008, ba mẹ Duy Linh cũng tìm được nơi để gắn bó lâu dài với mong muốn thoát nghèo, đó là xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, nay là huyện Ia H’Drai. Thương ba mẹ, Duy không ngừng nỗ lực học tập, những kỳ nghỉ hè anh lên phụ ba mẹ làm, từ việc phát cỏ cao su, đến khai hoang đất để làm rẫy, Duy đều thành thạo.
Tốt nghiệp THPT, dù muốn tiếp tục con đường học vấn, nhưng điều kiện gia đình không cho phép, Duy Linh đành bỏ sau lưng giấc mơ đại học. Anh rời Bình Định lên Kon Tum làm nông, khi đó Duy Linh được người ta biết đến là đội viên của Tổng đội Thanh niên xung phong Kon Tum đi theo dự án Làng thanh niên lập nghiệp biên giới xã Mô Rai, huyện Sa Thầy.
Khi ấy, Duy Linh là đội viên trẻ tuổi nhất “làng”. Lúc Duy Linh đến lập nghiệp, ba mẹ đã bàn giao cho anh 3ha đất để phát triển kinh tế.
|
Duy Linh tâm sự: 3 ha đất mà ba mẹ cho khi ấy chỉ là bãi sình lầy, cỏ cây mọc um tùm, không có khả năng trồng cây công nghiệp dài ngày như cao su, cà phê. Khi ấy, tiền ăn qua ngày còn không có nên không dám nghĩ đến chuyện đổ đất thịt để trồng cây.
Ngày qua ngày, cậu thanh niên theo ba làm cao su để tích góp tiền, rảnh rỗi lại ra mảnh đất phát quang bụi rậm, đào mương thoát nước. Nhiều mùa lũ đi qua, đất cát bồi đắp cao hơn, bãi sình ngày nào giờ đây có thể trồng được cây ngắn ngày, Duy Linh đã có thu nhập đầu tiên từ việc trồng bắp.
Sau nhiều năm nỗ lực làm việc, đến năm 2017, Duy Linh mạnh dạn vay thêm 60 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, quyết tâm bắt đất cằn “nở hoa”. Từ những kiến thức Duy Linh tìm hiểu trên mạng internet cùng với vốn sống, kinh nghiệm của người thân sống ở Bình Định, anh quyết định đầu tư trồng dừa hai bên sườn đất được bồi cao, phần thung lũng sẽ đào ao thả cá.
Vì lần đầu trồng, Duy Linh vẫn có chút lo ngại, anh chỉ trồng vài chục cây dừa xiêm thử nghiệm. Đâu ai ngờ, mảnh đất tưởng chừng như đã chết lại được hồi sinh bởi dừa xiêm lùn. Một năm sau, cây hợp đất, hợp khí hậu nhanh chóng bén rễ và sinh trưởng tốt. Thấy có khả quan, Duy Linh đã đầu tư tổng cộng 300 cây dừa trên vùng đất bị đất cát bồi lấp.
Ao cá ngày nào mới thả cũng đến lúc thu hoạch, năm đầu tiên gia đình bán cá đã có chút lợi nhuận, dù không nhiều nhưng coi như là phần thưởng cho công sức chịu khó lao động. Năm 2018, Duy Linh tiếp tục đầu tư thêm 1 ao cá, cải tạo 2 sào đất thịt để trồng ổi.
Qua mấy năm chăm sóc, đến nay, vườn dừa của Duy Linh đã trĩu quả; vườn ổi cũng cho thu bói năm 2021, nhưng cây sai quả như cây kinh doanh lâu năm. Vườn ổi được Duy Linh chăm sóc theo phương pháp hữu cơ, bề ngoài nhìn không được bắt mắt, nhưng chất lượng bảo đảm, được khách hàng đánh giá cao.
|
Duy Linh tâm sự: Mùa ổi vừa qua, gia đình thu hái đợt được hơn 8 tạ, thu về hơn 10 triệu đồng. Còn vườn dừa, năm đầu ra trái bói nên nước chưa được ngọt vì thế chưa mang đi bán, năm sau nhất định sẽ có thu nhập từ vườn dừa. Còn hai ao cá, ngoài việc giúp cải thiện bữa ăn, trung bình mỗi năm gia đình còn bán hơn 4 tạ cá, thu về hơn 50 triệu đồng. Hiện tại, gia đình vẫn đang nuôi gà, vịt cỏ, trồng thêm rau, năm vừa rồi lãi hơn 30 triệu đồng.
Thế nhưng, con đường làm giàu của Duy Linh không phải lúc nào cũng bằng phẳng, khi mới đây, anh gặp phải thất bại với chăn nuôi heo. Trong năm 2021, anh đã vay thêm 150 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để phát triển mô hình nuôi heo nái. Khi mô hình đang trong giai đoạn phát triển tốt, sắp đến thu hoạch thì gặp phải dịch bệnh, khiến đàn heo chết hết.
Thất bại đầu tiên khiến chàng thanh niên 27 tuổi có chút buồn bã, thế nhưng với sự quyết tâm làm giàu trên vùng đất khó, tiếp tục lấy ngắn nuôi dài, Duy Linh đã nhanh chóng vượt qua, tiếp tục làm việc, ngoài làm rẫy tại nhà, ai kêu gì, anh làm nấy, không chút nề hà.
Ông Nguyễn Tuấn Toàn – Bí thư Đảng ủy xã Ia Dom cho biết: Duy Linh là một thanh niên giàu nghị lực, dám nghĩ, dám làm. Chính quyền xã luôn quan tâm, tạo điều kiện cho những người trẻ tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển kinh tế tại địa phương. Tôi tin rằng, những mô hình mà Duy Linh đang thực hiện sẽ thành công trong thời gian tới, góp phần làm thay đổi diện mạo vùng biên này.
Văn Tùng