Hoàng "Lò Xo" và nghĩa cử đẹp cứu người gặp nạn
Không quản nắng mưa, đêm hay ngày, hễ nghe có tin tai nạn giao thông trên đèo Lò Xo là anh bỏ mọi công việc gia đình chạy đến để cứu giúp người bị nạn mà không cần trả ơn. Đó là việc làm mà hơn 7 năm qua, Đinh Văn Hoàng- 30 tuổi, ở làng Măng Khênh, xã Đăk Man, huyện Đăk Glei vẫn âm thầm làm.
Câu chuyện về Hoàng tôi đã được nghe từ lâu, nhưng những ngày cuối năm này tôi mới có dịp đến gặp Hoàng và nghe Hoàng kể về chuyện cứu người của mình suốt 7 năm qua.
Trên đỉnh đèo Lò Xo, trời rét cắt da cắt thịt, mưa phùn và sương mù dày đặc. Khi hỏi chuyện cứu người, Hoàng chỉ nói: "chuyện đáng làm thì làm thôi anh!".
Cái "chuyện đáng làm" cứu người bị nạn ấy xuất phát từ một đêm cuối tháng 11/2009. Khi ấy, Hoàng đang ở nhà thì nghe nói có vụ tai nạn giao thông ở đầu đèo Lò Xo về hướng huyện Đăk Glei. Lúc này trong thâm tâm anh xuất hiện suy nghĩ phải xuống cứu người dù khi ấy Hoàng cũng mới mổ dạ dày được hơn một tháng, sức khỏe chưa hoàn toàn bình phục. Đi một mình hơi ngại, Hoàng chở theo chị gái (hiện công tác ở Trạm Y tế xã Đăk Man) đến hiện trường.
|
Trời tối đen như mực, anh cầm chiếc đèn pin lần mò leo xuống nơi xe lật. Hoàng tìm thấy tài xế và phụ xe nằm bất động. Hoàng cõng từng người leo con dốc dựng đứng từ vực sâu khoảng 40m lên mặt đường, nhưng do vết thương quá nặng, lại gặp trời quá lạnh không được cứu kịp thời nên hai người ấy đã tử vong.
"Tại sao họ phải chết!", một ý nghĩ đau xót trong đầu ám ảnh Hoàng ngày ấy. Nếu như có ai đó, hay mình có mặt kịp thời thì có thể hai người này được cứu sống (khi ấy chưa có tổ trực của Cảnh sát Giao thông tỉnh). Chính từ suy nghĩ ấy, từ ngày đó đến nay, bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng, hoặc trời có lạnh đến mấy, cứ nghe tai nạn giao thông ở con đèo dài hơn 20km quanh co nguy hiểm này là Hoàng bỏ ngay công việc để đến hiện trường làm công việc cứu người bị nạn.
Quê ở Thanh Hóa, Hoàng theo anh chị vào lập nghiệp ở đèo Lò Xo từ năm 2008. Tại đây, không có việc làm, Hoàng mở tiệm sửa xe máy và bán tạp hóa ở làng Măng Khênh, sống với vợ và hai con ở trên đỉnh đèo Lò Xo.
Theo thói quen, đa số mọi người đi ngủ tối đều tắt điện thoại để cho giấc ngủ sâu, nhưng với Hoàng máy điện thoại không bao giờ tắt. Theo Hoàng, mục đích chính là để nếu có tai nạn giao thông, người dân, chính quyền và nhất là lực lượng Cảnh sát Giao thông tuần tra qua đoạn đường này gọi cho Hoàng đến ứng cứu.
"Ban đêm cả nhà ngủ say. Em nghe điện thoại ai báo xong là đi ra ngoài mở cửa cầm theo dụng cụ là chiếc búa, xà beng, kích rồi đi liền. Vợ em cũng quen cảnh này rồi nên không bao giờ nói gì"- Hoàng cho biết.
Khi chúng tôi hỏi Hoàng có nhớ đã tham gia cứu nhiều người chưa, Hoàng chỉ cười và lắc đầu. Suốt 7 năm qua, Hoàng nói với chúng tôi không nhớ mình tham gia cứu nạn bao nhiêu vụ, bao nhiêu người, chỉ biết có tai nạn giao thông ở đèo Lò Xo là anh đều có mặt anh.
Mỗi vụ như thế, sau khi Hoàng cứu, đưa người mắc kẹt trong những xe ô tô lao xuống vực, hoặc xe lật người bị kẹt trong xe ra ngoài an toàn và được lực lượng Cảnh sát Giao thông đưa đi cấp cứu là anh về nhà, tiếp tục cuộc sống mưu sinh thường nhật.
Với Hoàng, dù ai đó có nói và nghĩ về mình ra sao Hoàng không quan tâm, mà chỉ có một suy nghĩ duy nhất là cứu được càng nhiều người càng tốt.
Hoàng kể: Em nhớ nhất là vụ xe khách Hoàng Sơn 48B.000.16 lao xuống vực khoảng 12h trưa ngày 23/6/2015, trên xe có 42 người. Lúc này trời mưa phùn, nơi lật xe thuộc địa phận huyện Phước Sơn (Quảng Nam) cách nhà 6 cây số. Khi nghe tin báo, em mang xà beng, cưa, búa, đục… chạy đến hiện trường và leo xuống chui vào trong xe. Kinh nghiệm cứu nạn quen nên trước khi cứu người, em quan sát ai bị thương nặng thì cứu trước. Hôm đó, khi chui vào trong xe, nhưng do không hiểu về xe ô tô nên em mở máy điện thoại nhờ một cán bộ Cảnh sát Giao thông hỗ trợ, hướng dẫn nên đục cái nào ra trước, cắt cái gì sau để đảm bảo an toàn.
"Vụ này, trên xe có bình ắc quy lớn, điện vẫn hoạt động, nếu không khéo thì nguy hiểm lắm"- Hoàng nói. Hôm đó, hì hục đục, cắt, tì, vác, đưa người bị thương trong xe ra ngoài… từ 12h đến 16h, Hoàng rã rời, chân bị tê 4 ngày sau mới khỏi, vụ tai nạn chỉ có một người bị chết, còn lại đã tất cả đều qua khỏi, trong đó có công sức của anh đóng góp không nhỏ để cứu người một cách kịp thời.
|
Tham gia cứu nạn gần đây nhất là khoảng hơn 2 tháng, Hoàng đã cứu được một người đang cận kề giữa sự sống và cái chết. Hoàng kể, một chiếc xe tải chở đầy xi măng bị lật nghiêng khi đổ đèo lúc đêm khuya, tài xế bị kẹt gãy chân và sau gần 2 giờ cưa, cắt… mới đưa được ra ngoài.
“Khi đưa ra ngoài, tôi thấy người lái xe lạnh và rất yếu do mất nhiều máu nên vội cởi chiếc áo khoác mặc cho lái xe, sau đó các anh Cảnh sát Giao thông đưa đi cấp cứu kịp thời nên lái xe đã qua khỏi. Nếu hôm đó, lái xe không được cứu kịp thời thì rất khó giữ được tính mạng”- Hoàng kể.
Hỏi ngần ấy năm, có ai quay lại để cảm ơn không? Hoàng cười: "Chưa có ai đâu anh! Mà em cũng không cần đâu, mình giúp họ, có ai đó sẽ giúp mình".
Trao đổi với chúng tôi, trung tá Nguyễn Ích Hòa - Trạm trưởng Trạm Cảnh sát Giao thông Ngọc Hồi (Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh) cho hay, hầu như vụ tai nạn giao thông nào đơn vị cũng gọi cho Đinh Văn Hoàng để phối hợp cứu người gặp nạn và có hàng chục trường hợp như thế không thể nào nhớ hết. Nhờ sự giúp đỡ kịp thời của chàng trai này mà nhiều người đã thoát chết.
Cứu người không cần trả ơn - đó là việc mà Đinh Văn Hoàng đã và đang làm giúp người bị nạn trên đỉnh đèo Lò Xo trong nhiều năm qua. Đây là hành động và nghĩa cử đẹp khiến chúng tôi cảm động và trân trọng. Mong rằng những hành động đó sẽ được nối dài, nối dài, rộng khắp…
Văn Phương