“Điểm tựa” của dân làng Đăk Wâk
Với uy tín trong cộng đồng và bằng những việc làm cụ thể, các già làng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số góp phần không nhỏ để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, ổn định an ninh - trật tự, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc và phát triển kinh tế - xã hội ở khu dân cư. Già làng A Thông ở thôn Đăk Wâk, xã Đăk Kroong (huyện Đăk Glei) là một trong những điển hình như thế.
Thôn Đăk Wâk có 293 hộ với 1.202 khẩu, có 5 dân tộc anh em sinh sống, trong đó dân tộc Jẻ chiếm trên 96% dân số của cả thôn. Những năm trước đây, người dân của thôn Đăk Wâk chưa biết áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; họ chỉ sản xuất theo lối tự cung, tự cấp, ruộng lúa nước chỉ làm một vụ trong năm nên thường xuyên xảy ra đói giáp hạt…
Thấy được cuộc sống vất vả của bà con trong thôn, già làng A Thông đã trăn trở suy nghĩ, tìm cách để giúp đỡ bà con vươn lên trong cuộc sống. Nghĩ là làm, già làng A Thông đã bàn với người già cùng với các đoàn thể trong thôn tổ chức họp dân bàn cách làm ăn, vận động người dân chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi.
|
Nghe già làng A Thông tổ chức họp dân để tìm cách làm ăn, người dân trong làng Đăk Wâk đều "ưng cái bụng", nhưng người dân ở đây chỉ vốn quen độc canh lúa rẫy, lúa nước chỉ trồng được 1 vụ trong năm nên không nắm được các kỹ thuật để trồng lúa nước và các loại cây trồng khác để tăng năng suất, nâng cao thu nhập cho gia đình.
Già làng A Thông chủ động đăng ký làm việc với UBND xã Đăk Kroong để trình bày nguyện vọng của bà con trong thôn và đề nghị UBND xã tạo điều kiện giúp đỡ mời cán bộ nông nghiệp về tận thôn để hướng dẫn bà con áp dụng các khoa học, kỹ thuật cần thiết trong trồng trọt, chăn nuôi.
Sau khi được cán bộ hướng dẫn cách chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp và kỹ thuật trồng lúa nước, cao su, bời lời, cà phê…, bà con dân làng vẫn chưa tự tin nên chưa dám làm theo. Để làm gương cho bà con noi theo, già làng A Thông xung phong làm trước và động viên các con mình cùng làm. Ông đã chọn những nơi có nguồn nước thuận lợi để trồng lúa nước 2 vụ, ngoài ra còn trồng thêm trồng bời lời và một số cây ăn trái quanh vườn nhà…
Sau một thời gian, già A Thông triển khai kỹ thuật canh tác các loại cây trồng theo hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp, thấy cây trồng phát triển khỏe mạnh, lúa nước cho năng suất cao nên nhiều bà con trong thôn kéo đến nhà già làng A Thông học hỏi và bắt chước làm theo. Hộ gia đình nào khó khăn không có cây giống, ông vận động những hộ khá giả hỗ trợ cây giống. Nhờ cách làm tương trợ này, phong trào phát triển chăn nuôi và sản xuất ở thôn Đăk Wâk ngày càng được nhân rộng. Đến nay, bà con trong thôn Đăk Wâk đã có 60 con trâu bò, trồng được 14ha cây lúa nước 2 vụ, 220ha mì, gần 200ha cây cao su, 156ha cây bời lời và 6ha cây cà phê. Đời sống người dân trong thôn dần dần đã cải thiện đáng kể, nhà cửa được sửa sang, xây mới khang trang; đến nay trong thôn Đăk Wâk không còn hộ đói giáp hạt, hộ khá giả chiếm đến 65%.
Tại các buổi sinh hoạt thôn, già A Thông thường đưa ra những vấn đề về xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa, xây dựng nông thôn mới ra bàn bạc, vận động bà con thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, duy trì bản sắc văn hóa dân tộc. Với uy tín và hiểu biết của mình, già Thông luôn là người đứng ra hoà giải những mâu thuẫn, xích mích trong xóm làng. Từ việc thanh niên gây gổ đánh nhau, đến mâu thuẫn trong gia đình... mọi người đều tín nhiệm mời già Thông đến phân xử. Các vụ việc dù có khó đến đâu cũng được già Thông hòa giải công bằng, thấu tình đạt lý, vì thế mọi việc đều giải quyết êm thấm, xóa bỏ mâu thuẫn giữa mọi người.
Giờ đây, khi đã bước qua tuổi 71, già làng A Thông không còn bươn chải làm kinh tế nữa mà giao lại cho con cháu, nhưng ông vẫn tích cực với công tác xã hội trong vai trò già làng, người có uy tín trong cộng đồng, hết mình vì cuộc sống bà con trong thôn.
Như cây cổ thụ giữa rừng, già làng A Thông đã và đang có vai trò quan trọng đối với đời sống tinh thần của người dân thôn Đăk Wâk. Cái tâm, cái tình của già làng A Thông như hương thơm của hoa rừng lan tỏa khắp đại ngàn.
Đắc Vinh