Cứu người trên đỉnh đèo Lò Xo
Không quản ngại khó khăn, gian khổ; bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng, hễ cứ nghe có tai nạn giao thông trên đèo là những thanh niên tình nguyện của đội ứng cứu, sơ cứu trên đèo Lò Xo và những người dân sống trên đỉnh đèo Lò Xo sẵn sàng có mặt để cứu người bị nạn. Sự có mặt kịp thời của họ đã giúp nhiều người thoát khỏi lưỡi hái tử thần, giữ được mạng sống…
Những người tiên phong
Dù mưa hay nắng, đêm hay ngày, hễ cứ nghe thấy tai nạn giao thông trên đèo Lò Xo là Đinh Văn Hoàng (người dân sửa xe tại xã Đăk Man) và Ngô Văn Giáp - Trạm Kiểm dịch động vật Măng Khênh tại xã Đăk Man (huyện Đăk Glei) lại tất bật, vội vàng đến hiện trường vụ tai nạn. Họ đến để cứu những người bị nạn. Việc này đã được Hoàng và Giáp âm thầm làm cả chục năm nay trên đỉnh đèo Lò Xo mù sương.
"Ban đêm cả nhà ngủ say. Em nghe điện thoại ai báo xong là mở cửa lấy dụng cụ là chiếc búa, xà beng, kích rồi đi liền. Vợ em cũng quen cảnh này rồi nên không bao giờ nói gì" - Hoàng cho biết.
|
Khi chúng tôi hỏi Hoàng có nhớ đã tham gia cứu nhiều người chưa, Hoàng chỉ cười và lắc đầu. Suốt 8 năm qua, Hoàng nói với chúng tôi không nhớ mình tham gia cứu nạn bao nhiêu vụ, bao nhiêu người, chỉ biết có tai nạn giao thông ở đèo Lò Xo là đều có mặt anh.
Tương tự như Hoàng, Ngô Văn Giáp cũng vậy. Anh đã gắn bó ở đỉnh đèo Lò Xo này cả chục năm nay. Cũng như Hoàng, đến nay Giáp cũng không thể nhớ hết đã tham gia cứu bao nhiêu người bị nạn trên đỉnh đèo này.
Đơn cử như mới đầu tháng 3 này, chiếc xe khách có 20 người trên xe từ Hà Nam vào Gia Lai đến đoạn đèo này đã lao xuống vực sâu gần cả trăm mét lúc hơn 2h sáng, ngay lập tức, Giáp và Hoàng là hai trong những người đầu tiên có mặt tại hiện trường. Khi tôi có mặt trên đèo gần 5h, cũng đúng lúc Hoàng và Giáp cùng đội cứu hộ tranh thủ nghỉ ngay vệ đường sau khi đưa được 20 người từ dưới vực sâu lên đường chuyển đi cấp cứu. Áo quần 2 anh lấm lem, dính đầy máu.
Cứu người không để được trả ơn
Từ chuyện cứu người của Hoàng và Giáp trên cung đường đèo Lò Xo này và hiểu được sự nguy hiểm của con đèo này nên từ năm 2014, Huyện đoàn Đăk Glei và xã Đăk Man đã thành lập Đội thanh niên tình nguyện cứu hộ, ứng cứu nhanh trên đèo Lò Xo gồm 10 người.
Trong 4 năm thành lập, Đội đã cứu hàng trăm người trong hoạn nạn, từ anh tài xế xe tải, đến xe khách, xe máy và cả những anh Tây "ba lô" chạy xe máy bị nạn trên đèo đã được họ cứu kịp thời.
Kể về những lần tham gia cùng Đội đi cứu người, đội trưởng A Chải không thể nhớ hết từng vụ việc và đã cứu được bao nhiêu người. Bởi anh cùng thành viên trong Đội đã tham gia rất nhiều, trực tiếp cứu sống nhiều người.
Theo A Chải, Đội của anh ngày đêm đều có người trực cứu nạn trên đèo. Khi Cảnh sát Giao thông trực chốt trên đèo Lò Xo báo có tai nạn, người trực của Đội cứu nạn thông tin hết cho các thành viên và đi đến ngay điểm cứu nạn bất cứ thời gian nào, dù là ban ngày hay đêm, mưa hay nắng. Cả Đội đều được trang bị điện thoại di động luôn mở máy nên huy động không khó.
Cũng theo A Chải, "trận" cứu người số lượng lớn đầu tiên của Đội lại không thuộc đất Kon Tum mà ở địa phận huyện Phước Sơn (Quảng Nam).
Đó là vụ tai nạn giao thông ngày 18/4/2015. Vụ này, Đội phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn cấp cứu 29 nạn nhân, trong đó 2 người tử vong, 17 người bị thương.
Tiếp đến ngày 23/6/2015, Đội lại tham gia cứu nạn vụ xe khách rớt xuống vực trên đèo Lò Xo cũng phía huyện Phước Sơn, có 34 nạn nhân, trong đó 1 người tử vong, 6 người bị thương nặng.
Đội phó Đội cứu nạn, anh Lê Huy Thanh (Trạm trưởng Trạm y tế xã Đăk Man) cho biết: Thời gian đầu, Đội tham gia ứng cứu nhiệt tình có thừa, nhưng rất thiếu kinh nghiệm, lúng túng. Nhưng sau vài vụ có kinh nghiệm hơn nên ứng cứu tốt hơn, vì vậy hạn chế được số lượng người tử vong.
“Khi đưa nạn nhân thoát khỏi hiện trường đầu tiên phải sơ cứu, băng bó tại chỗ mới đưa đi bệnh viện. Nếu đưa người bị nạn ra khỏi xe rồi xốc đi liền sẽ gây đau đớn cho bệnh nhân, có khi gây ra vết thương còn nặng hơn, nhất là với trường hợp gãy xương tay, chân…" - đội phó Thanh nói.
|
Điển hình như vụ tai nạn giao thông trên đèo Lò Xo xảy ra vào sáng ngày 1/3 vừa qua, nhờ có kinh nghiệm, nên dù giữa đêm tối bịt bùng, vực sâu đến gần 100m, nhưng chỉ 2 giờ đồng hồ, đội cùng người dân đã phá cửa xe khách giường nằm, sơ cứu, đưa 19 người đi cấp cứu ở Trung tâm Y tế huyện Đăk Glei kịp thời.
Ngoài những vụ tai nạn giao thông xe khách, hàng năm, trên con đèo này cũng có vài vụ xe tải bị mất thắng tông vào ta luy dương, cả tài xế, chủ xe bị kẹt trong cabin. Những lúc này, A Chải, anh Thanh cùng các thành viên trong Đội có mặt để cứu nạn nhân.
Gần nhất là đêm 21/1, chiếc xe ô tô tải biển kiểm soát 92C-089.78 có 4 người trên xe bị mất thắng, tông vào ta luy dương, cả 4 người bị kẹt trong xe. Đội có mặt giữa đêm giá lạnh, cứu kịp thời 3 người thoát chết, còn một người do va đập quá mạnh nên tử vong.
Hay vụ tai nạn giao thông tháng 11/2016, một xe tải bị lật trên đèo Lò Xo, từ 23h30’ đến gần 5h sáng ngày hôm sau mới đưa được 3 người ra khỏi xe, 2 người tử vong, nếu đến trễ nữa thì chắc cả 3 đều chết.
Hoặc vụ xảy ra tháng 2/2016, 3 người trên xe tải mang biển số Thừa Thiên - Huế bị tai nạn giao thông trong đêm, anh em trong Đội cứu về, nuôi ăn ở một tuần trong Trạm Y tế xã Đăk Man. Ngày chia tay, tài xế và chủ xe bịn rịn, hẹn ngày về thăm.
Chúng tôi hỏi, cứu nhiều người vậy nhưng có ai về thăm chưa? A Chải hồn nhiên: Chưa có ai đi ngang ghé vào cảm ơn Đội cứu nạn. Cứu người là trên hết, đâu cần cảm ơn đâu anh!
Chuyển biến nhận thức của người dân
Trước đây, bà con Giẻ Triêng thường tránh xa các vụ tai nạn giao thông, sợ “ma xấu” không muốn tham gia cứu giúp. Thế nhưng chứng kiến những việc làm của anh Hoàng, Giáp và Đội ứng cứu nhanh tai nạn giao thông Đăk Man, bà con đã có sự thay đổi trong suy nghĩ và hành động.
Theo A Chải, cái vượt qua lớn nhất của anh em chính là hủ tục. Nhớ vụ tai nạn ngày 21/5/2005, xe ô tô chở 31 cựu chiến binh từ phía bắc về thăm chiến trường xưa lao xuống vực sâu tại đèo Lò Xo, thiệt mạng 29 người. Khi ấy, chỉ có cảnh sát giao thông, công an, bộ đội và đội ngũ y tế tham gia cứu nạn. Còn người đồng bào Giẻ Triêng chỉ đứng xa nhìn xem, không ai dám lại gần đưa những người xấu số ra khỏi hiện trường.
Đội phó Đội cứu nạn, anh Lê Huy Thanh lên công tác tại Trạm Y tế xã Đăk Man từ năm 2001 nên anh biết nhiểu phong tục ở đây. "Cây cuốc, cái xẻng, cây rựa, con dao… đồng bào cho mượn để đào, khiêng, chặt cây cứu các vụ tai nạn giao thông, bà con đều vứt hết, không dùng nữa. Lý do là vì dụng cụ dính máu, người chết đều là ma xấu, sợ ma rừng bắt tội"- anh Thanh cho biết.
A Chải kể: Năm đầu tham gia cứu nạn, một số thành viên khi gọi đi đã "gãi đầu gãi tai" vì ngại. Tôi đi cứu hộ về, gia đình cũng nhắc nhở nhưng tôi giải thích luôn. Nhưng thời gian sau, cuộc sống gia đình bình yên, không có ma rừng nào hại, gia đình tôi từ đó quên hẳn quan niệm xưa cũ. Giờ bà con nơi đây cũng đã dần bỏ, không còn quan niệm lạc hậu xưa cũ nữa.
Vất vả, nguy hiểm là vậy, nhưng những thanh niên tình nguyện trên đỉnh đèo Lò Xo này đã giúp hàng trăm người bị nạn được cứu kịp thời, giữ được mạng sống. Những việc làm đầy tình người đó khiến chúng ta trân trọng và cần được biểu dương…
Văn Phương