Có "của để dành" nhờ vườn cà phê
Nhờ kiên trì giữ vườn và chăm sóc cẩn thận, sau mấy năm "bĩ cực", khi cây cà phê "hồi giá" và có hướng phát triển ổn định, gia đình ông A Luân đã thu nhập đều đặn mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Không chỉ thoát nghèo, gia đình ông đã có “của dể dành”, trở thành một trong những hộ khá giả nhất làng Giăng Lố 1 (xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi).
Đến muộn, nhưng mùa mưa năm nay ở vùng biên cũng đi sớm. Nắng ráo cho những đồi cà phê nhanh ươm màu, chín rộ. Với 2ha cà phê vối đang trong thời kỳ kinh doanh ổn định, ông A Luân cho hay: Tuy năng suất bị giảm đến 20-30%, do ảnh hưởng nặng từ mùa khô hạn năm 2016; song bù vào, lại "được giá" nên gia đình có khả năng thu gần 150 triệu đồng.
Thấm thoát, năm nay đã là năm thứ 18, ông A Luân và gia đình "làm quen" với cây cà phê. Ngày ấy - ông A Luân kể - ở vùng biên giới xa xôi, gian khổ, đường rẫy rất khó khăn, mùa mưa, không loại xe nào đi lại được, trừ U-oát "đặc chủng" của BĐBP ra vào khu vực biên giới.
|
Sống nhờ nương rẫy, nhưng mỗi năm chỉ làm được một mùa từ tháng 3 tháng 4 đến tháng 11, 12, nên cố gắng lắm, lúa cũng chỉ đủ ăn 7-8 tháng. Bắp mì đến kỳ thu hoạch, bán được ít tiền, song mọi khoản chi tiêu trong gia đình đều trông vào đấy, nên chẳng khi nào hết thiếu trước hụt sau. Mùa giáp hạt, không năm nào tránh khỏi thiếu đói. Vợ chồng con cái phải đi làm thuê đắp đổi.
Những năm 1998-1999, huyện Ngọc Hồi đã cơ bản ổn định sau ngày thành lập (15/10/1991). Phong trào vận động chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, mà trọng tâm là trồng cao su, cà phê phát triển mạnh.
Được tuyên truyền, vận động, lại có dịp tiếp xúc, gần gũi với các hộ làm ăn khá, giỏi ở xã Sa Loong, đầu mùa mưa năm 1998, ông A Luân đã mạnh dạn vay 2,5 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội (lúc đó, tương đương với hơn 2 chỉ vàng) để đầu tư trồng 2ha cà phê.
Ông cũng là một trong số nông dân người Ka Dong đầu tiên ở vùng biên giới của huyện Ngọc Hồi chủ động áp dụng tiến bộ kỹ thuật cơ bản vào trồng, chăm sóc cây cà phê; nuôi bò để lấy nguồn phân hữu cơ chăm bón cà phê.
Nhờ chịu khó học hỏi và tuân thủ quy trình kỹ thuật, vườn cà phê của gia đình sinh trưởng và phát triển khá tốt. Tuy vậy, đến kỳ thu bói và những năm sau đó, rơi trúng chu kỳ cà phê rớt giá, nên hiệu quả chưa thấy đâu. Trong giai đoạn khó khăn đó, không ít bà con nông dân ở xã Sa Loong trồng cà phê đã tự ý phá bỏ, quay lại trồng mì, hoặc chuyển sang trồng cao su và một số loại cây trồng khác, những mong có thu nhập ổn định hơn.
Nhờ chịu khó tìm hiểu kinh nghiệm sản xuất, nắm bắt thông tin, nên ông A Luân đã quyết tâm giữ vườn. Trong lúc nguồn thu từ cà phê ít, ông xác định chủ yếu "lấy công làm lời", luôn chủ động tìm nguồn phân chuồng, phân xanh để chăm bón; kết hợp với làm cỏ, tưới nước chu đáo vào mùa khô.
Đặc biệt, ông thường dùng phân bò trộn với trấu, ủ bằng phương pháp lên men, kết hợp với sử dụng phân vi sinh với liều lượng thích hợp, để bổ sung độ màu cho đất, dưỡng chất cho cây cà phê phát triển tổng thể, bền vững. Ông tưới cà phê bằng máy dầu, tuy đường từ suối lên vườn đồi khá xa, nhưng luôn đảm bảo đủ nước vào cao điểm mùa khô hạn.
Nhờ kiên trì giữ vườn và chăm sóc cẩn thận, sau mấy năm "bĩ cực", khi cây cà phê "hồi giá" và có hướng phát triển ổn định, gia đình ông A Luân đã nhanh chóng thu hoạch ổn định, thu nhập đều đặn. Những năm 2010- 2015, năm nào, mỗi vụ cà phê, gia đình ông A Luân cũng thu bình quân 200 triệu đồng.
Ổn định thu nhập, lại khéo chi tiêu, dành dụm, năm 2012, gia đình ông A Luân là hộ đồng bào Ka Dong đầu tiên ở làng Giăng Lố 1 đầu tư xây nhà ở khang trang, trị giá hơn 450 triệu đồng.
“Không chỉ sản xuất giỏi, ông A Luân còn là hội viên nông dân gương mẫu, sống chan hòa, gắn bó với bà con, nhiệt tình tham gia các phong trào quần chúng ở địa phương” - Chủ tịch UBND xã Sa Loong - Nguyễn Sĩ Hải ghi nhận.
Kinh nghiệm sản xuất, xây dựng gia đình văn hóa tiêu biểu của ông A Luân luôn được xã chọn là điển hình để phổ biến, giới thiệu trong quá trình triển khai cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Thanh Như