Chuyện về người Bí thư Chi bộ đầu tiên của xã Rờ Kơi
Từ một cậu bé mồ côi, 15 tuổi đã theo cách mạng làm liên lạc rồi trở thành người lính Cụ Hồ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, sau ngày giải phóng, ông lại là người tiên phong trên mặt trận xây dựng kinh tế và vận động người dân xây dựng đời sống mới. Đó là câu chuyện về người Bí thư Chi bộ đầu tiên của xã Rờ Kơi - ông A Ghinh (làng Rờ Kơi, xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy).
Trong một chuyến làm việc ở xã Rờ Kơi, khi đang rôm rả chuyện trò về việc chuyển đổi cơ cây trồng vật nuôi của đồng bào Hà Lăng với Chủ tịch Hội nông dân xã - A Phước, chúng tôi đã tình cờ nghe được câu chuyện về ông A Ghinh - người Bí thư Chi bộ đầu tiên của xã và là người đi đầu trong lĩnh vực này, hiện tại vẫn là người làm kinh tế giỏi nhất trong xã.
Dẫn chúng tôi đến ngôi nhà ngói khang trang, trước sân đậu một chiếc xe ô tô trắng tinh; A Phước giới thiệu, đó là nhà ông A Ghinh, xe cũng là ông mới tậu.
|
Vui vẻ chào đón khách, tự giới thiệu về mình, ông A Ghinh cho biết ông sinh năm 1940, năm nay 77 tuổi và cũng vừa tròn 45 năm tuổi Đảng. Trong nhà ông treo rất nhiều bằng khen, giấy khen, rồi ông cho chúng tôi tôi xem nào là Huân chương Lao động hạng Ba, Huy chương Kháng chiến chống Mỹ...
“Mình vốn là một đứa trẻ mồ côi, lớn lên trong sự đùm bọc, cưu mang của bà con dân làng. Năm 15 tuổi, mình đã xin đi làm liên lạc, cõng gạo, nấu cơm nuôi bộ đội tham gia chiến đấu tại khu vực xã Bờ Y (huyện Ngọc Hồi). Đến năm 1960, khi đã đủ chiều cao, cân nặng mình đi bộ đội, được biên chế vào đơn vị C5 thuộc H67 chiến đấu ngay ở quê nhà đến mãi năm 1977 mới giải ngũ” – ông A Ghinh kể.
Trở về làng, đến năm 1979, khi xã Rờ Kơi được thành lập, người đảng viên, người lính năm xưa lại được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ xã. Khi ấy, Rờ Kơi còn vô vàn khó khăn, cuộc sống của người dân thì đói nghèo, nếp sống lạc hậu…
Trên cương vị mới, điều mà ông A Ghinh luôn trăn trở là làm thế nào để dân làng hiểu và chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; mạnh dạn xóa bỏ các hủ tục trong cuộc sống hằng ngày và trong sản xuất, chăn nuôi...
Dù vậy, ông cũng không cho phép bản thân nóng vội. “Bởi mình biết, thay đổi nếp nghĩ, cách làm không phải là chuyện một sớm một chiều mà phải từ từ theo kiểu mưa dầm thấm lâu. Mình nói một lần bà con chưa nghe đâu mà phải nói nhiều lần, nói sao cho khéo, cho người dân cảm thấy lọt cái tai, ưng cái bụng thì mới nghe, lúc nào cũng phải nhấn mạnh rằng phải ổn định chỗ ở, bỏ bớt hủ tục, chăm chỉ làm lụng thì mới có ăn. Không chỉ nói suông, để bà con tin, mình bảo vợ con phải bắt tay vào làm trước, cần mẫn khai hoang đất đai trồng lúa, trồng mỳ, trồng bắp, nuôi bò. Có của ăn của để rồi mình mới giúp đỡ được cho những người khốn khó hơn, thế nên bà con càng tin tưởng mình hơn” – ông A Ghinh tâm sự.
Năm 2000, ông A Ghinh được nghỉ theo chế độ nhà nước. Thế nhưng, ông vẫn trăn trở phải làm thế nào để làm giàu trên chính mảnh đất quê hương chứ cứ bám mãi vào cây lúa, cây mỳ với lối canh tác chủ yếu dựa vào thiên nhiên thì cũng chỉ đủ ăn, dư giả chẳng là bao.
Vậy là ông lại đi tìm tòi sách vở, nghiên cứu các tài liệu, rồi lên tận Công ty 732 để xem người ta trồng cao su. Đến năm 2004, ông quyết định phá bỏ 3ha mỳ để thử sức với cây cao su tiểu điền và vẫn tiếp tục trồng hơn 10ha mỳ để lấy ngắn nuôi dài, trồng hơn 1ha bời lời đỏ.
Theo ông A Ghinh, lúc đầu ông cũng lo lắm vì đây là loại cây trồng quá mới, đầu tư lớn, thời gian từ lúc trồng đến lúc được thu quá dài, hiệu quả kinh tế chưa biết thế nào.
Vừa làm, vừa học, thấy vườn cây phát triển tốt, có điều kiện ông A Ghinh lại mạnh dạn mở rộng dần diện tích, có lúc ông có cả thảy 10ha cao su, 2ha cà phê, trong chuồng không dưới 20 con bò, nhưng sau này ông lại chia dần cho các con.
|
Hiện tại, ông A Ghinh đang sở hữu 5ha cao su, 1ha bời lời, 3ha mỳ, 2 sào ruộng nước, 1 sào ao thả cá và một đàn trâu, bò dao động gần chục con. Bình quân thu nhập của gia đình ông khoảng 200 triệu đồng/năm.
Chia tay người đảng viên, người cựu chiến binh A Ghinh, chúng tôi ấn tượng mãi về hình ảnh ông già người Hà Lăng dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm vẫn nhanh như con sóc; tay cuốc, tay rựa thoăn thoắt xới đất, phát cỏ...
Hương Nga