Chi hội trưởng nông dân gương mẫu
Phát huy vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn, trong 13 năm qua, ông A Khăm ở thôn Tê Rông, xã Văn Lem (huyện Đăk Tô) luôn luôn nỗ lực, đem hết sức mình để cùng với các hội viên nông dân phát triển kinh tế, góp phần ổn định và nâng cao đời sống cho hội viên.
Đợi quá 11 giờ trưa, nhưng tôi vẫn không thấy ông A Khăm về nhà. Mãi đến khi những cơn mưa nặng hạt trút xuống, ông A Khăm mới tất tưởi chạy về. Phủi chiếc áo sờn vai, ướt đẫm nước mưa, ông A Khăm xởi lởi chào tôi bằng cái bắt tay thân mật.
“Nghe Hội Nông dân huyện thông báo có nhà báo đến nhà, nhưng từ sáng đến giờ tôi đang bận gặp các hội viên để lên danh sách tập huấn mô hình phát triển kinh tế. Tham công tiếc việc, quên cả thời gian, để nhà báo đợi lâu chưa, thông cảm cho tôi nhé!” - ông A Khăm mở lời.
Rót chén trà nóng mời khách, ông A Khăm cung cấp những thông tin cơ bản về Chi hội Nông dân thôn Tê Rông mà không cần lật sổ sách theo dõi. Ông cho biết, thôn Tê Rông hiện có 125 hội viên nông dân. Bà con trong thôn phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào các loại cây chủ lực như mì, lúa, cao su và cà phê. Trong đó, diện tích mì 130ha, lúa 38ha, cao su 28ha và cà phê 23ha.
Là một xã vùng xa, địa hình chia cắt, giao thông đi lại không thuận lợi nên đời sống hội viên ở đây còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như hội nông dân các cấp, những năm gần đây, đời sống của bà con trên địa bàn từng bước được cải thiện, nâng lên đáng kể. Đặc biệt là sự chuyển biến tích cực của bà con trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng có lợi thế để phát triển kinh tế.
Ông A Khăm dẫn chứng: Chỉ mới khoảng 6 năm trước thôi, bời lời là một trong những loại cây trồng chiếm diện tích nhiều nhất trên địa bàn thôn, đến hơn 100ha. Tuy nhiên, những năm gần đây, sản phẩm từ cây bời lời không ngừng xuống giá. Chính vì vậy, chính quyền địa phương và thôn đã kịp thời vận động bà con chuyển đổi diện tích đất trồng bời lời sang phát triển các loại cây trồng khác (cao su, cà phê…) có giá trị kinh tế cao hơn.
Theo đó, phát huy vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân của thôn, ông A Khăm trực tiếp đến từng hộ gia đình, hội viên để tuyên truyền, vận động chuyển đổi mô hình kinh tế theo chủ trương của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Ông A Khăm tâm sự: Là Chi hội trưởng 13 năm nay, tôi ít nhiều đã tạo được uy tín với bà con và hội viên. Và qua việc đến tận ngõ, gõ cửa tận nhà, đồng thời kết hợp với các buổi sinh hoạt thôn, tôi tranh thủ trò chuyện, chia sẻ với mọi người về những khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế, nhất là sự cần thiết phải chuyển đổi diện tích trồng cây bời lời sang các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn để phát triển kinh tế gia đình. Bởi vậy, từ hơn 100ha bời lời trên địa bàn thôn, đến nay giảm xuống chỉ còn chưa đến 15ha.
Cùng với việc đi đầu trong tuyên truyền, vận động người dân, ông A Khăm cũng là người đầu tiên đưa sáng kiến thành lập mô hình vần công trong hội viên nông dân trên địa bàn thôn.
Được triển khai từ năm 2015, mô hình vần công nhanh chóng được hầu hết hội viên tham gia. Mô hình không chỉ tiết kiệm việc chi phí thuê người làm công cho các gia đình, mà còn thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm; gắn kết các hội viên nông dân trong thôn ngày càng khăng khít, phát huy tốt các phong trào thi đua.
|
Được biết, ngoài thành tích trong hoạt động Hội, ông A Khăm cũng là một trong những hội viên nông dân tiêu biểu trong phát triển kinh tế gia đình. Hiện tại, gia đình ông có 2ha mì, 3 sào lúa, 200 gốc cà phê, kết hợp với chăn nuôi dê và bò; thu nhập bình quân hàng năm của gia đình ông trên 100 triệu đồng.
Ông Võ Đình Thăng - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đăk Tô đánh giá: Ông A Khăm là một trong những chi hội trưởng chi hội nông dân thôn “gạo cội” trên địa bàn huyện. Không những làm tròn vai trò và trách nhiệm được giao, ông A Khăm còn luôn đi đầu trong việc xây dựng các phong trào và gắn kết tinh thần đoàn kết của hội viên trên địa bàn, xứng đáng để mọi người trong thôn Tê Rông học tập, làm theo.
Tất Thành