Bàn tay ta làm nên tất cả
Năm 2001, vợ chồng chị Y Hếp, dân tộc Xơ Đăng ở thôn Đăk Tang, xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi quyết tâm bán một phần sườn nhà bằng gỗ quý, lấy tiền mua đất trồng cà phê, cao su. Từ hai bàn tay trắng, cần mẫn làm ăn, vợ chồng chị đã vươn lên làm giàu chính đáng với thu nhập hàng năm lên đến hơn 1 tỷ đồng.
Đã hơn 30 năm trôi qua, nhưng chị Y Hếp chưa bao giờ quên những ngày đầu tay lập nghiệp: Hồi đó khổ ghê lắm! Nhưng đúng là bàn tay ta làm nên tất cả…
Năm 1984, chị Y Hếp lập gia đình. Khi ấy, cũng như bao gia đình khác, đời sống kinh tế rất eo hẹp, chồng làm công an ở huyện, hàng ngày, chị phải bươn chải làm mì, trồng lúa, nuôi bò nhưng cũng chỉ đủ ăn.
Năm 1994, khi cây cà phê còn lạ lẫm với người dân xã Đăk Xú, vợ chồng chị đã tiên phong tìm hiểu, mua hạt giống ở tận Đăk Lăk về ươm. “Tôi ươm, trồng khoảng 1.200 cây giống. Lúc đó cây cà phê còn quá mới mẻ nên vợ chồng tôi phải đi Gia Lai, Đăk Lăk… học kỹ thuật trồng” – chị Hếp nhớ lại.
|
Dày công chăm sóc, đến năm 1999, vườn cà phê bắt đầu trĩu quả. Tuy nhiên, thời điểm đó, giá cà phê rẻ, chỉ vài trăm đồng/kg tươi. “5 năm trời chăm sóc chỉ thu được ba cọc ba đồng, lại thêm nhiều người xì xào bàn tán, chê bai nên nản lắm. Lúc đó chỉ muốn nhổ bỏ hết thôi” – chị kể.
Nghĩ là vậy nhưng vợ chồng chị vẫn tiếp tục chăm bẵm vườn cây xanh tốt. Cùng với đó, tiếp tục đầu tư trồng gần 2ha cao su.
Vì chi phí ban đầu nhiều nhưng nguồn vốn có hạn, năm 2001, chị Hếp và chồng bàn bạc, quyết định bán một phần sườn nhà bằng gỗ quý (ngôi nhà từ xa xưa, do cha mẹ để lại – PV) để lấy tiền mua đất. “Tiếc lắm nhưng phải bán. Số tiền bán được, vợ chồng mình mua thêm 12ha đất ở xã Bờ Y” – chị Hếp nói.
Chị và chồng đầu tư trồng thêm khoảng 4ha cao su. Khi cao su còn nhỏ, chị trồng xen mì, lấy ngắn nuôi dài. Chị cho biết, dù thời điểm ấy, cà phê đang xuống giá, nhưng vẫn tin trong tương lai loài cây này sẽ đem lại hiệu quả, vợ chồng chị tiếp tục trồng khoảng 6ha cà phê.
Ngày ngày, cứ tờ mờ sáng chị Hếp đã ra rẫy chăm sóc cà phê, cao su, làm thêm lúa, nuôi bò, trồng mì… có hôm tối mịt mới về đến nhà. Mồ hôi đổ xuống, trái ngọt đơm cây. Với sự siêng năng, cần mẫn chăm sóc, đến nay, 7ha cà phê mỗi năm đem về cho chị khoảng 1 tỷ đồng. Ngoài ra, vườn cao su cũng đem lại thu nhập từ 100-200 triệu đồng/năm (đã trừ chi phí).
Từ nguồn thu nhập cao, vợ chồng chị đã xây dựng được nhà cửa khang trang, mua được xe công nông, các loại máy móc thiết bị hiện đại phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất.
Bên cạnh cà phê, cao su, hiện nay, chị Hếp còn lên kế hoạch nạo vét khoảng 8 sào ao hồ để thả cá. Đồng thời, tập trung trồng cây ăn quả để có thêm nhiều khoản thu nhập.
“Bình quân có khoảng 2 lao động làm việc quanh năm cho gia đình tôi. Đến mùa vụ, vợ chồng tôi cũng phải nhờ đến hàng trăm nhân công mới làm xuể” – chị Hếp nói.
Không chỉ giải quyết việc làm cho những lao động trong thôn, trong xã, hễ ai muốn học hỏi kinh nghiệm hay mượn vốn sản xuất, chị Hếp đều sẵn sàng. Hàng năm, vợ chồng chị lặn lội tìm gặp các gia đình khó khăn, những người già, neo đơn, tàn tật để gởi đến họ nhiều phần quà, động viên, giúp họ vươn lên trong cuộc sống.
Không chỉ vậy, cách đây vài năm, khi xã thực hiện làm đường bê tông nông thôn tại thôn Xuân Tân, vợ chồng chị Hếp sẵn sàng hiến hơn 3.000m2 đất để làm đường.
Cần mẫn làm kinh tế giỏi, sống chan hòa, yêu thương mọi người, năm 2017, cô Hếp vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc giai đoạn 2012-2017.
Bình An