A Măng gương mẫu, sản xuất giỏi
Sinh ra và lớn lên ở thôn Vi Xây, xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông, A Măng đã chọn gắn bó với mảnh đất quê hương để xây dựng cuộc sống. Cần cù,chịu khó lao động sản xuất, lại chủ động, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên chàng trai trẻ người Xơ Đăng không chỉ thoát nghèo mà còn từng bước phấn đấu làm giàu ở vùng sâu, đặc biệt khó khăn.
Những tháng mùa đông ở vùng Đông Trường Sơn, trời lạnh giá, lại liên tục có mưa khiến công việc sản xuất và sinh hoạt của người dân địa phương gặp không ít khó khăn. Thế nhưng, A Măng vẫn chẳng mấy khi ngơi nghỉ. Sau kỳ thu bói, hơn 1ha cà phê catimo của gia đình anh được tập trung làm cỏ, bón phân cho cây dưỡng sức.
A Măng kể, sinh năm 1989, hơn 20 tuổi đã lập gia đình riêng, nên cuộc sống của vợ chồng anh không tránh khỏi khó khăn, chật vật. Vợ chồng chịu khó cuốc, cấy 3 sào ruộng nước, nhưng vẫn trống trước hụt sau.
Nghĩ mãi chưa thấy đường ra, đến khi A Măng phát hiện có một khu rẫy cũ, cách nhà không xa, ngày trước, bà con trồng bời lời không thành công nên bỏ hoang, mặc cho um tùm cỏ dại. Đang muốn làm ăn mà không có đất, A Măng mạnh dạn xin được nhượng lại để phục hóa. Đó là những ngày đầu mùa khô năm 2015, đúng thời điểm xã Đăk Tăng đang tập trung triển khai Đề án hỗ trợ phát triển cà phê xứ lạnh của tỉnh.
Cà phê là cây trồng còn khá mới mẻ ở mảnh đất vùng sâu vùng xa, đặc biệt khó khăn này, nên việc vận động không dễ dàng, vì bà con còn e ngại. A Măng tình nguyện đăng ký để được hỗ trợ cây giống, phân bón và tập huấn kỹ thuật, đưa cà phê catimo vào vùng đất vừa được cải tạo.
Vì diện tích đất bị bỏ hoang trước đây là rẫy cũ, khô cằn và đầy cỏ dại, nên để có thể trồng cà phê, A Măng đã mất nhiều công sức thu dọn, san ủi, cuốc cày trước khi đào hố. Vận dụng kiến thức đã tiếp thu từ chương trình tập huấn, A Măng đã chủ động chuẩn bị kỹ từ khâu làm đất. Sau khi đào hố, anh dùng phân chuồng để bón lót và đặc biệt là đảm bảo xuống giống trong thời thời vụ thích hợp nhất. Nhờ chăm sóc chu đáo, nên vườn cà phê được xuống giống vào tháng 7/2015 đã sinh trưởng và phát triển tốt; đến tháng 11/2017 cho thu bói.
|
Tuy mới thu bói, năng suất quả tươi còn rất khiêm tốn, song thời điểm thu hoạch, A Măng vui lắm vì giá bán ở mức khác cao, 8.000- 8.500 đồng/kg. Gia đình có thu nhập bước đầu để tái đầu tư, chăm sóc vườn cây, hứa hẹn cho năng suất cao và thu nhập ổn định trong những mùa tới.
Không chỉ phát triển hơn 1ha cà phê, A Măng cũng đi đầu đảm nhận xây dựng mô hình thí điểm trồng cây sâm đương quy trong vườn nhà, nhờ nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình 30a được tập trung cho vùng đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn.
Đương quy được xuống giống vào tháng 7/2017, đến tháng 11 đã cho thu hoạch đợt đầu đối với những cây phát triển nhanh. Chỉ với 10kg củ, A Măng bán được 1,4 triệu đồng. Sau đó, anh thu hoạch, bán dần, được hơn 5 triệu đồng và còn lại gần một nửa diện tích, đến đầu năm 2018 vẫn tiếp tục nhổ, bán.
Để thành công với mô hình trồng đương quy, theo A Măng, phải đảm bảo quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc. Vườn đương quy được lên luống tránh úng nước, dùng rơm và phân chuồng để bón lót cẩn thận. Đương quy phát triển tốt nên củ to, chất lượng cao.
Siêng năng và sáng tạo, A Măng dự định cải tạo thêm một số vùng rẫy cũ kém hiệu quả để mở rộng thêm diện tích cà phê catimo và cây dược liệu để tăng thu nhập ổn định.
Không chỉ là điển hình thanh niên sản xuất giỏi, A Măng còn tích cực tham gia công tác Đoàn và phong trào thanh niên ở địa phương. Anh A Sương, Bí thư Đoàn xã Đăk Tăng ghi nhận: Phấn đấu tốt, vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng, A Măng càng nêu cao ý thức phấn đấu và tinh thần trách nhiệm,đi đầu trong mọi hoạt động, công tác. Vợ chồng A Măng - Y Xô hiện là một trong số gia đình trẻ gương mẫu chịu khó lao động, có cuộc sống ổn định...
Thanh Như