Xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo động lực phát triển
Sau 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 18/1/2002 và 10 năm thực hiện Kết luận số 12-NQ/TW ngày 24/10/2011 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Tây Nguyên, với sự hỗ trợ của Trung ương cùng nỗ lực của tỉnh, kết cấu hạ tầng của tỉnh nói chung, đặc biệt là kết cấu về hạ tầng kinh tế được đầu tư đồng bộ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Chuyển biến rõ nét nhất là mạng lưới giao thông trên toàn tỉnh. Trước năm 2002, hệ thống hạ tầng giao thông phát triển không đồng bộ, giao thông đối ngoại bằng đường bộ chỉ có hướng đi về phía Gia Lai theo Quốc lộ 14, Quảng Ngãi theo Quốc lộ 24 nhưng đã hư hỏng, xuống cấp. Hơn 20 năm qua, mạng lưới giao thông đã từng bước nối liền Kon Tum với các tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung, thông thương với các nước bạn Lào, Campuchia và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan với hàng loạt các tuyến đường, công trình huyết mạch quan trọng đã và đang được đầu tư nâng cấp, cải tạo và mở mới như: Đường Hồ Chí Minh, tuyến tránh thành phố Kon Tum, Quốc lộ 24, Quốc lộ 14C, Quốc lộ 40B; các tuyến Tỉnh lộ 671, 675, 677, 678… Cùng với đó là nhiều tuyến đường huyện, đường đô thị; đường nông thôn đã tạo nên mạng lưới giao thông hoàn chỉnh.
Tính đến năm 2021, tổng chiều dài đường bộ trên địa bàn tỉnh vào khoảng 6.138 km, mật độ đường giao thông so với diện tích đất tự nhiên đạt 0,63 km/km2; mật độ đường giao thông so với tổng dân số đạt 11,29 km/1000 dân. Đó là tiền đề thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển, làm thay đổi cuộc sống của người dân, góp phần giữ vững quốc phòng- an ninh.
|
Những năm qua, tỉnh ta tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm. Diện mạo đô thị có nhiều khởi sắc; thành phố Kon Tum ngày càng khang trang; thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông được thành lập; thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi đạt tiêu chí đô thị loại IV; khu hành chính huyện Ia H'Drai được đầu tư, hình thành; hạ tầng trung tâm các huyện, xã, khu dân cư được mở rộng, nâng cấp, ngày càng đồng bộ; đã tạo ra hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh.
Từ năm 2002 đến nay, tỉnh ta đã thành lập được 2 khu công nghiệp với tổng diện tích 134,41 ha, 14 cụm công nghiệp với tổng diện tích 505,325 ha, trong đó, có 8 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động.
Xác định tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, tỉnh quan tâm chỉ đạo và ưu tiên đầu tư vào hạng mục thiết yếu như quy hoạch chi tiết xây dựng, đền bù giải phóng mặt bằng, giao thông, cấp điện, cấp thoát nước, hỗ trợ di dời vào cụm công nghiệp... Qua đó, thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển với tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức cao trong những năm gần đây, chuyển dịch cơ cấu theo đúng định hướng.
Kết cấu hạ tầng thương mại có sự cải thiện đáng kể với hệ thống cơ sở kinh doanh thương mại phát triển rộng khắp,phù hợp với phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Nếu như năm 2002, toàn tỉnh chỉ có 6 chợ dân sinh thì đến nay có 30 chợ, 4 siêu thị và 1 Trung tâm thương mại. Tỉnh có Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y, trong đó, có Khu siêu thị miễn thuế đã được Công ty TNHH Nhân Thành 10B đầu tư. Ngoài ra, đơn vị này còn đầu tư và đưa vào hoạt động khai thác dự án Kho ngoại quan và điểm tập kết kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu.
Hệ thống hạ tầng cung cấp điện của tỉnh luôn được đầu tư, nâng cấp, cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Đến nay, toàn tỉnh có 100% số xã có điện lưới quốc gia; tỷ lệ số hộ sử dụng điện lưới quốc gia đạt trên 97%. Hệ thống thủy lợi được đầu tư tương đối kiên cố với trên 540 công trình thủy lợi vừa và nhỏ phục vụ tưới tiêu cho khoảng 17.250ha cây trồng.
Bên cạnh đó, hạ tầng, dịch vụ viễn thông phát triển mạnh mẽ, hiện đại đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ của người dân và góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng- an ninh.
Toàn tỉnh hiện có 8 doanh nghiệp bưu chính hoạt động và có 126 điểm phục vụ bưu chính; 100% số xã phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã có điểm phục vụ bưu chính; đã phủ sóng thông tin di động (2G, 3G, 4G) tới 100% số xã trên địa bàn tỉnh; có 97 đài truyền thanh cấp xã/102 xã, phường, thị trấn, đạt tỷ lệ 95%. Đã xây dựng trục kết nối chia sẻ dữ liệu của tỉnh kết nối với trục kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia.
Có thể nói, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó đầu tư cho kết cấu hạ tầng kinh tế giữ vị trí hàng đầu và đi trước một bước để phục vụ cho sự phát triển của các ngành, các lĩnh vực kinh tế. Qua đó, tạo ra bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế-xã hội của toàn tỉnh, nâng cao đời sống của nhân dân.
Thùy Hương