Xây dựng các sản phẩm đặc trưng ở huyện Đăk Hà
Thực hiện Quyết định 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020 (gọi tắt là OCOP); Quyết định 1392/QĐ-UBND ngày 12/12/2018 của UBND tỉnh về Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Kon Tum giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030; UBND huyện Đăk Hà chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và chính quyền các xã, thị trấn lựa chọn các sản phẩm đặc trưng, nổi trội của địa phương mình để đăng ký, xây dựng lộ trình thực hiện và phát triển thương hiệu sản phẩm.
Măng le là sản phẩm nổi tiếng của Đăk Psi từ hàng chục năm nay được chính quyền xã chọn làm sản phẩm đặc trưng của địa phương. Ông Đỗ Văn Thái (thôn Kon Pao Kram, làm nghề mua bán măng từ năm 2001) cho biết, mùa khai thác măng le ở rừng được người dân thực hiện từ khoảng giữa tháng 7 đến cuối tháng 9, nếu mùa mưa kéo dài có thể thu hoạch sang nửa đầu tháng 10. Hàng năm, gia đình ông phơi sấy từ 700-1.000kg măng khô, giá bán trung bình khoảng 200.000 đồng/kg.
Ông Lương Công Sơn từ xã Diên Bình (huyện Đăk Tô) vào làm ăn ở Đăk Psi từ năm 1997 đến nay cho biết, bình quân mỗi ngày, gia đình ông sấy được 4 mẻ măng, từ 18-25kg măng tươi ban đầu cho ra thành phẩm 1 kg măng khô, tùy theo chất lượng măng.
Ông Sơn bộc bạch, gia đình ông đầu tư các trang thiết bị sản xuất măng khô trên 20 triệu đồng. Bình quân mỗi mùa măng, gia đình sản xuất khoảng 1 tấn măng khô nhưng không đủ cung cấp cho thị trường. Mỗi mùa măng, gia đình có thêm thu nhập từ 40-50 triệu đồng.
Ông Nguyễn Phúc Đoan - Chủ tịch UBND xã Đăk Psi cho biết: Từ năm 2017, khi UBND huyện chỉ đạo xây dựng mỗi xã một sản phẩm đặc trưng, chính quyền xã Đăk Psi quyết định chọn sản phẩm măng le và được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ. Với lợi thế có trên 5.000 ha cây le, nứa mọc tự nhiên; điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với loại cây này nên chất lượng măng của Đăk Psi tốt hơn ở những địa phương khác. Mỗi mùa măng, người dân khai thác được trên 400 tấn măng tươi, được 14-20 hộ dân tại địa phương thu mua và chế biến khoảng 20 tấn măng khô, nhưng sản phẩm không đủ cung cấp cho thị trường trong tỉnh và ngoài tỉnh.
|
Ông Đoan chia sẻ, chính quyền xã đang làm các thủ tục trình các cơ quan có thẩm quyền để đăng ký thương hiệu, lô gô, mã vạch, nguồn gốc xuất xứ, bao bì cho sản phẩm măng le Đăk Psi. Nét đặc trưng của măng khô Đăk Psi là được sản xuất thủ công, không pha trộn các chất phụ gia, phẩm màu hay bất cứ một loại hóa chất nào khác. Sản phẩm không biến đổi màu theo thời gian, có thể sử dụng trong vòng 1-2 năm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
“Năm 2015, 1kg măng khô có giá từ 120.000-140.000 đồng thì nay đã tăng lên 200.000 đồng. Nếu làm tốt công tác xây dựng sản phẩm theo quy trình kỹ thuật; quảng bá, giới thiệu thương hiệu, thời gian tới, giá măng khô có thể tăng lên 220.000-250.000 đồng/kg, kéo theo giá măng tươi tăng lên 7.000-8.000 đồng/kg, thì người dân sẽ có thêm nguồn thu nhập không hề nhỏ, góp phần trang trải, nâng cao đời sống gia đình của người dân địa phương...” - ông Đoan khẳng định.
Rời xã Đăk Psi, chúng tôi đến xã Đăk La - vùng sản xuất lúa nước trọng điểm của huyện Đăk Hà. Đưa chúng tôi đi tìm hiểu thực tế những cánh đồng lúa nước trĩu hạt đã ngả sang màu vàng ươm, đang chuẩn bị thu hoạch tại một số thôn, chị Trần Thị Phúc - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đăk La phấn khởi cho hay “đây là thành quả qua 2 năm kiên trì vận động nhân dân tham gia xây dựng thương hiệu sản phẩm gạo thơm Đăk La”.
Ông Trần Văn Minh, 65 tuổi, một lão nông kỳ cựu chia sẻ, gia đình ông canh tác 1 ha lúa nước 2 vụ. Với diện tích này, trước đây trồng các giống lúa cũ, chi phí đầu tư nhiều nhưng chất lượng hạt gạo chưa được ngon, năng suất chỉ đạt 5-6 tấn/ha/vụ. Từ khi tham gia Chương trình “sản phẩm đặc trưng - Gạo thơm Đăk La”, ông thường sử dụng các giống lúa thơm như Đài Thơm 8, RVT để trồng, chi phí đầu tư thấp hơn, chất lượng gạo ngon hơn, năng suất đạt từ 8-10 tấn/ha/vụ, giá bán cao hơn từ 2.000-3.000 đồng/kg, thu lãi cao hơn 10 triệu đồng/vụ/ha so với cách làm trước đây.
Chủ tịch UBND xã Đăk La - Nguyễn Quang Thịnh vui mừng cho hay, trên địa bàn xã hiện có 1.039 ha diện tích lúa nước 2 vụ, hàng năm sản xuất được trên 72.730 tấn lúa. Để xây dựng thương hiệu sản phẩm lúa gạo thơm Đăk La, UBND xã ban hành Kế hoạch số 17/KH-UBND ngày 30/3/2017 về xây dựng và phát triển sản phẩm đặc trưng của xã giai đoạn 2017-2020 theo chỉ đạo của UBND huyện. Đến nay, phát triển được một số cánh đồng trồng lúa thơm mang thương hiệu Hải Ngọc với tổng diện tích là 75ha.
Chủ tịch Hội LHPN xã Đăk La - Trần Thị Phúc cho biết thêm: “Năm 2018, chúng tôi vận động nhân dân thành lập Tổ liên kết sản xuất lúa gạo thơm với 12 thành viên, quy mô 15 ha tại thôn 2. Các hộ trồng các loại giống lúa thơm LH12, RVT, Đài Thơm 8, Bắc Thịnh...; sản xuất theo quy trình lúa sạch do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hướng dẫn, sử dụng phân bón vi sinh, các loại thuốc bảo vệ thực vật thân thiện với môi trường để chăm sóc cho cây lúa. Nhờ vậy, chi phí đầu tư thấp hơn, năng suất tăng so với trước từ 3-5 tấn/ha/vụ, chất lượng gạo ngon hơn, giá bán cao hơn từ 2.000-4.000 đồng/kg...”.
Nhận thấy hiệu quả mang lại từ bà con nông dân thôn 2, nhiều hộ dân ở các thôn khác, kể cả những thôn người DTTS đăng ký tham gia thực hiện chương trình. Diện tích trồng lúa thơm được mở rộng ra ở các thôn 1A, 1B, 12, 3, 7... với quy mô hiện nay trên 75ha. Sản phẩm gạo thơm Đăk La hiện nay được tiêu thụ tại thị trường trong tỉnh và tỉnh Gia Lai, nguồn cung chưa đáp ứng với nhu cầu của thị trường.
“Xã đề nghị cấp trên cho phép thành lập Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh lúa, gạo Hải Ngọc. Chúng tôi đang xây dựng lô gô, bao bì, mã vạch, chỉ dẫn địa lý, đăng ký thương hiệu sản phẩm “Gạo thơm Hải Ngọc - Đăk La”. Trong thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ vận động nhân dân cùng tham gia, phát triển diện tích gieo trồng các giống lúa thơm có chất lượng, cho năng suất cao trên địa bàn toàn xã. Khi ấy, thương hiệu “Gạo thơm Hải Ngọc” có cơ hội vươn xa và trở thành một sản phẩm đặc trưng của Đăk La, góp phần nâng cao thu nhập, thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo theo hướng bền cho bà con nông dân ở địa phương...”, Chủ tịch UBND xã Đăk La - Nguyễn Quang Thịnh khẳng định.
|
Sau hơn một năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP tại huyện Đăk Hà, kết quả đạt được đã khẳng định đây là hướng đi đúng, sáng tạo trong phát triển sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị, gắn việc tổ chức sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; phát huy lợi thế những sản phẩm truyền thống của địa phương để phát triển theo mô hình sản xuất hàng hóa, đưa nông dân chủ động hội nhập và tiếp cận với nền kinh tế thị trường. Điều đáng nói là, một số sản phẩm đặc trưng trên địa bàn huyện Đăk Hà đã được đăng ký mã vạch, nhãn hàng hóa và tìm được thị trường tiêu thụ, giá cả sản phẩm ổn định, doanh thu hàng năm tăng lên.
Cụ thể, có thể “điểm danh” một số sản phẩm đặc trưng của huyện Đăk Hà như: Gạo thơm Đăk La, sản xuất năm 2018 đạt 80 tấn, năm 2019 đạt 120 tấn, giá bán 17.000 đồng/kg; măng khô Đăk Psi, sản lượng trung bình 20 tấn/năm, giá bán 200.000 đồng/kg; trái cây Ngọc Wang (cam sành, sầu riêng...), sản lượng năm 2018 đạt 35 tấn, năm 2019 đạt 40 tấn, giá từ 25.000-80.000 đồng/kg/sản phẩm tùy loại, mức giá cao hơn trước đây từ 5.000-10.000 đồng/kg/sản phẩm; gà thả vườn Hà Mòn, năm 2018 đạt sản lượng 1 tấn, năm 2019 là 2,5 tấn, giá bán bình quân 100.000 đồng/kg; cà phê Pô Kô Farrm, sản lượng 800 tấn nhân/năm, giá trị cao hơn thị trường từ 2-3 triệu đồng/tấn nhân, xuất khẩu trực tiếp đến 7 quốc gia và vùng lãnh thổ...
Trao đổi với phóng viên Báo Kon Tum, ông Hoàng Nghĩa Trí - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Đăk Hà cho rằng, những thành quả đạt được nêu trên mới chỉ là bước khởi đầu trên một hành trình dài không ít gian nan để khẳng định mỗi thương hiệu của từng sản phẩm đặc trưng. Lãnh đạo huyện Đăk Hà xác định rõ “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” cũng là thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giải pháp quan trọng cho tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển sản xuất và xây dựng nông thôn mới nâng cao. Cho nên, nó có điểm xuất phát mà không có điểm dừng. Vì vậy, trong quá trình thực hiện, một nhiệm vụ quan trọng là cần phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để làm cho các cấp, ngành, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân nhận thức được những hiệu quả của chương trình.
Để đạt được mục tiêu đó, trong thời gian tới, UBND huyện sẽ tăng cường các hoạt động tuyên truyền, đào tạo, tập huấn và trao đổi kinh nghiệm theo từng nội dung của chương trình; tiếp tục củng cố và duy trì các sản phẩm đã có ở các địa phương; xây dựng phát triển các chuỗi liên kết sản xuất cấp huyện, tỉnh theo chuỗi giá trị để tạo các sản phẩm mới, mở rộng thị trường tiêu thụ...
Quang Định