Xã Đăk Xú: Loay hoay tìm đầu ra cho rau an toàn
Sau gần 2 năm thành lập, đến nay, mô hình sản xuất rau an toàn của Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn Ngọc Yên 365 (xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi) được nhân rộng quy mô lên gần 3ha. Đây là mô hình tổ hợp tác chuyên canh rau an toàn đầu tiên và có quy mô lớn nhất trên địa bàn huyện Ngọc Hồi cho đến thời điểm hiện tại. Nhưng việc tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm của Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn Ngọc Yên 365 lại đang là “bài toán khó” chưa có lời giải thỏa đáng…
Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn Ngọc Yên 365 (Tổ hợp tác 365) được thành lập từ năm 2018, với 5 thành viên. Từ khi mới thành lập, Tổ hợp tác 365 nhận được sự quan tâm, kỳ vọng của chính quyền địa phương sẽ là một hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp tại Đăk Xú, tạo thành hương hiệu sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân và góp phần đảm bảo sức khoẻ cho người tiêu dùng.
Thế nhưng, đến nay, do không tìm được đầu ra ổn định nên những người sản xuất rau an toàn đành phải mang ra chợ bán cho các thương lái với giá ngang bằng những loại rau thông thường khác, trong khi chi phí đầu tư lớn, sản xuất theo quy trình rau sạch, khiến người trồng rau an toàn ít mặn mà.
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn rau xanh mướt, bà Trần Thị Mai ở thôn Ngọc Yên, xã Đăk Xú, là thành viên của Tổ hợp tác 365 ngao ngán kể lại: Những năm trước đây, cả khu vực trồng rau sạch này là bãi đất trống, cỏ mọc um tùm. Năm 2018, khi tham gia vào Tổ hợp tác 365, gia đình tôi đầu tư vốn thuê máy móc về cải tạo đất đai để tham gia phát triển mô hình trồng các loại rau, củ, quả theo hướng VietGAP. Thực tế việc trồng rau, củ, quả sạch không khó, khó là ở chỗ người sản xuất có quyết tâm làm theo đúng quy trình kỹ thuật và quan trọng hơn chịu chấp nhận bỏ ra chi phí đầu tư cao hơn, công chăm sóc nhiều hơn so với cách trồng rau, củ, quả thông thường. Điều bất cập là khi chúng tôi đem sản phẩm đi chào hàng đều bị tư thương từ chối do giá cao hơn so với các loại rau, củ, quả cùng loại khác. Hàng rau, củ quả không thể để lâu được nên chúng tôi đành bán ngang bằng với các loại rau thông thường khác.
|
Cùng cảnh ngộ như bà Mai, ông Ong Thế Hồng - Tổ trưởng Tổ hợp tác 365 phân trần: Hiện nay, diện tích trồng rau an toàn của Tổ hợp tác 365 đã lên đến 3ha. Việc tìm thị trường tiêu thụ rau sạch ổn định của Tổ hợp tác 365 trên địa bàn huyện Ngọc Hồi đang là “bài toán” nan giải. Rau sản xuất theo hướng VietGAP nhưng lại bán cùng giá với các loại rau sản xuất phổ thông khác. Hơn nữa, giờ ra chợ người dân không thể phân biệt được rau theo chuẩn VietGAP hay rau sản xuất theo cách thông thường, vì tất cả các loại rau đều được bày bán lẫn lộn.
Để tìm đầu ra cho rau an toàn của Tổ hợp tác 365, trước đây, huyện Ngọc Hồi tạo điều kiện để họ mở một cửa hàng rau sạch tại Trung tâm thương mại huyện Ngọc Hồi. Tuy nhiên, chỉ không lâu sau, cửa hàng này đành phải đóng cửa, vì sản phẩm bán ra không đủ trả ngày công cho nhân viên. Nguyên nhân có lẽ là do người dân ở huyện Ngọc Hồi chưa có thói quen mua và sử dụng rau sạch vì giá cả có cao hơn đôi chút, mà chủ yếu vẫn mua ở các thương lái bán trong các sạp chợ hoặc mua của những người ngồi bán ở các vỉa hè.
Để tìm đầu ra cho rau an toàn, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ngọc Hồi, UBND xã Đăk Xú và các thành viên Tổ hợp tác 365 tổ chức họp bàn tìm đầu ra, nhưng sau nhiều lần họp vẫn chưa tìm ra giải pháp khả thi.
Tại các cuộc họp, đại diện UBND huyện Ngọc Hồi đưa ra giải pháp trước mắt là, đề nghị các trường học có bếp ăn nội trú, bán trú trên địa bàn huyện ủng hộ mua rau an toàn để phục vụ đảm bảo sức khoẻ cho học sinh, giáo viên. Nhưng cho đến nay vẫn chưa có trường học nào mua rau an toàn của Tổ hợp tác 365.
Mặc dù chưa tìm được đầu ra ổn định, giá cả bán ngang bằng với các loại rau thông thường, nhưng Tổ hợp tác 365 vẫn kiên trì, không từ bỏ hướng đi đúng đắn mà họ lựa chọn. Hàng ngày, các thành viên Tổ hợp tác 365 vẫn chăm chỉ sản xuất rau theo hướng chuẩn VietGAP nhằm bảo vệ sức khỏe của người sản xuất lẫn người tiêu dùng.
Có thể thấy, dù được sản xuất theo hướng an toàn, đúng quy trình VietGAP, nhưng tìm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm đang là vấn đề nan giải của Tổ hợp tác 365.
Hiện tại, các thành viên Tổ hợp tác 365 phải chấp nhận bán sản phẩm cho thương lái với giá ngang bằng với những loại rau trồng thông thường để “lấy ngắn, nuôi dài” trong thời gian tìm kiếm nguồn tiêu thụ ổn định trên thị trường.
Hy vọng, trong thời gian tới, Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn Ngọc Yên 365 sẽ tháo gỡ những khó khăn về thị trường tiêu thụ để phát triển sản xuất rau an toàn. Thiết nghĩ, người tiêu dùng nên cân nhắc lựa chọn sản phẩm rau an toàn để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình mình, dù giá thành sản phẩm có cao hơn.
Bảo Châu